Mạnh Đức Thứ Bảy | 09/12/2017 17:19

Thị trường Việt Nam không dành cho người yếu tim

Trang Deal Street Asia đã nhận định như vậy khi nói về đợt đấu giá cổ phiếu Sabeco sắp tới.

Những nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng, những người đã tham gia thị trường Việt Nam hai thập niên qua và muốn được mua lại cổ phần của các công ty nhà nước của Việt Nam, đôi khi sẽ cảm thấy thất vọng phần nào khi mà những điều được hứa hẹn hiếm khi trở thành hiện thực. Nhưng bây giờ, họ cuối cùng đã nhìn thấy một số cơ sở khiêm tốn để lạc quan.

Theo Deal Street Asia, Chính phủ gần đây đã chứng minh rằng Việt Nam dường như nghiêm túc hơn thông qua một loạt các động thái gần đây.

Ngày 29.11, Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch  thoái 54% vốn tại Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn-Sabeco (HoSE: SAB). Deal Street Asia nhận định đây là một bước đi đầy táo bạo của Chính phủ Việt Nam.

→Chủ tịch Asahi: Giá cổ phiếu Sabeco là quá đắt

Chính phủ Việt Nam đã thay đổi nhiều quy định để đẩy mạnh việc cổ phần hóa trong tương lai từ năm sau. Một trong những thay đổi này là việc giới thiệu phương pháp dựng sổ (book building) cho các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)  và giảm bớt các hạn chế đối với các đối tác chiến lược.

Làn sóng chào bán cổ phần riêng lẻ và niêm yết cổ phiếu đang bùng nổ tại Việt Nam. "Rất nhiều nhà quản lý tài sản toàn cầu, nhà đầu tư thị trường mới nổi, các quỹ phòng hộ và những người khác đó muốn nắm bắt cơ hội và tham gia vào những thị trường mới nổi và các thị trường cận biên như Việt Nam," Jeffrey Perlman, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus, quỹ vừa bán một phần cổ phần trong Vincom Retail, cho biết.

Perlman nói: "Những gì họ cần là một quy trình rõ ràng, dễ hiểu để có thể tham gia.”

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán cũng tăng điểm ấn tượng là những điều kiện tốt cho các thương vụ.

Và tháng trước, thành công của thương vụ bán vốn Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam  Vinamilk (HoSE: VNM) đang nhen nhóm hy vọng rằng tiến trình cổ phần hoá sẽ trở nên trơn tru hơn. Một năm trước, kế hoạch bán 9% cổ phần của VNM phần nào không thành công, vì một nhà đầu tư chỉ được mua tối đa 2,7%.

Tuy nhiên, trong tháng 11, một thương vụ bán vốn VNM tiếp sau đó đã thu hút 19 bên tham gia, và tập đoàn JC&C của Hồng Kông đã tăng sở hữu tại VNM lên 10%.

Thị trường Việt Nam không dành cho những người yếu tim

Một số người đại diện của các ngân hàng, nhà đầu tư hoặc các luật sư được Deal Street Asia phỏng vấn cho bài viết này lo ngại về tình trạng bán vốn một cách giật cục như trong những năm vừa qua sẽ tái diễn, với những gì họ mô tả là chính sách thay đổi liên tục, định giá cao ngất.  

Ví dụ, họ chỉ ra những nghịch lý trong cách chào bán cổ phần của Sabeco. Dù đã biết đến thương vụ trên trong nhiều tháng, nhưng những nhà đầu tư lại không biết gì về quy mô, giá hay là cấu trúc đợt bán vốn cho đến cuối tháng 11 vừa qua. Nhà đầu tư chỉ có 3 tuần để đăng ký chào mua, bao gồm nộp tiền ký quỹ và thành lập tài khoản ở Việt Nam.

 Không giống như các cuộc đấu giá ở các nước phát triển, nơi nhà đầu tư có thể điều chỉnh giá chào mua, nhà đầu tư chỉ có thể ra một mức giá duy nhất khi đấu giá cổ phần Sabeco.

"Tôi chưa bao giờ thấy một quá trình như thế này cho một đợt chào bán lớn.  Mua hết hoặc không mua gì là một điều thật kỳ lạ", đại diện một ngân hàng cho biết. "Quá trình bán vốn như thế thực sự là một bài toán đố cho những ai muốn tham gia".

"Giá cả là yếu tố quyết định của đợt chào bán này và người chào giá cao nhất sẽ nhận được toàn bộ lượng cổ phần họ chào mua ở mức giá đó.”

 Về lý thuyết, nếu một người mua đăng ký mua 25% cổ phần với giá chào mua cao nhất sẽ mua được 25%. Và người đăng ký mua 39% với  giá cao thứ hai thì sẽ chỉ nhận được 14% còn lại. Trần sở hữu nước ngoài là 49%, hiện tại khối ngoại đã nắm giữ 10%, với 5% do Heineken nắm giữ.

Kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2016, giá cổ phiếu Sabeco đã tăng gấp ba lần. Theo dữ liệu của Reuters, P/E của SAB hiện là 37 lần, so với mức 15 lần của những công ty bia lớn nhất thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm mạnh trong thời gian qua, khiến cho giá cổ phiếu ở Việt Nam  trở nên đắt đỏ  nhất ở châu Á. Giới chuyên môn lo ngại rằng  sự lạc quan hiện tại có thể tạo ra những rủi ro nếu cổ phiếu đảo chiều và giảm giá.

 "Thị trường đang trong tình trạng bong bóng và sự giảm giá có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.  Mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh", Tony Foster, đối tác quản lý của Freshfields Brukhaus Deringer, người đã làm việc tại Hà Nội trong hơn hai thập niên qua, nhận định.