Thứ Hai | 12/11/2012 08:46

Thị trường vật liệu xây dựng vẫn ảm đạm vào cuối năm

Trái với quy luật hàng năm, thị trường vật liệu xây dựng vẫn ảm đạm dù đã bước sang quý IV - mùa cao điểm của các công trình xây dựng.
Sức mua giảm mạnh, tồn kho gia tăng

Chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết, số vật liệu xây dựng này được nhập về từ giữa tháng 9, nhằm đón đầu kinh doanh, phục vụ mùa xây dựng cuối năm nhưng do sức mua yếu nên chưa bán được. Theo bà Thành, so với thời điểm này của năm trước, sức mua vật liệu xây dựng năm nay giảm 40%-50%.

Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bình Sơn, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết, càng về cuối năm hàng càng ế ẩm. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong ngành.

Để ứng phó với tình hình kinh doanh trước nguy cơ lỗ nặng, hiện nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, thanh lý bớt phương tiện như xe tải.

Báo cáo mới nhất của Hội vật liệu xây dựng Việt Nam cho thấy, riêng ngành gốm sứ xây dựng, tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và từ các đại lý tăng tới 20% từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, hiện lượng hàng tồn khoảng 40 triệu m2 gạch ốp lát, trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Đối với vật liệu xây dựng không nung, các dây chuyền sản xuất bê tông nhẹ mới chỉ đạt từ 10% - 20% công suất. Ngành sản xuất đá ốp lát, cả nước có 8 trung tâm khai thác đá ốp lát, năng lực sản xuất 10 triệu m2 sản phẩm/năm nhưng đã có khoảng 50% xí nghiệp phải dừng sản xuất.

Ngành sản xuất thủy tinh xây dựng cũng gặp vấn đề lớn khi 4 nhà máy kính nổi sản xuất khoảng 273.000 tấn nhưng chỉ tiêu thụ được 191.000 tấn.

Tương tự, năm 2012, toàn ngành xi măng có năng lực khai thác dự kiến đạt 64-65 triệu tấn/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ đạt khoảng 47-48 triệu tấn/năm, phấn đấu xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm. Chưa kể, theo kế hoạch, năm 2013 sẽ có thêm 6 nhà máy xi măng chính thức đi vào hoạt động, với tổng công suất 6,72 triệu tấn/năm.

Còn theo thống kê của ngành thép, kế hoạch hoạt động của toàn ngành thép trong năm 2012 là tăng sản xuất từ 3% - 4%. Tuy nhiên, trên thực thế, hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành đang âm khoảng 10%, đưa lượng thép tồn kho lên 300.000 tấn. Đặc biệt trong quý III vừa qua cũng như dự báo những tháng còn lại của năm 2012, lượng thép tiêu thụ rất thấp so với trung bình các năm trước.

Phương án tháo gỡ khó khăn

Theo Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh, nguyên nhân khiến sản lượng tồn kho tăng là do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế cùng chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ như cắt giảm đầu tư công. Trong khi đó, giá cả nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn.

Ngoài ra, vấn đề cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân khiến thị trường trong nước tiêu thụ tiếp tục sụt giảm, gia tăng tồn kho.

Để giải quyết khó khăn, Hội vật liệu xây dựng và các Hiệp hội vừa có kiến nghị Chính phủ, bên cạnh việc hạ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cần có chính sách kích cầu tích cực.

Cụ thể, các công trình xây dựng phải sử dụng vật liệu xây dựng trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu. Trong đó, những công trình từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay nước ngoài cần tận dụng, ưu tiên dùng sản phẩm trong nước; tránh để phần lớn thị phần rơi vào doanh nghiệp, hàng nhập ngoại như lâu nay.

Bên cạnh đó, hướng vào thị trường bên ngoài, gắn với xúc tiến thương mại và đầu tư. Trước mắt, cần chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phân tán, bị nước ngoài ép giá. Đối với các doanh nghiệp, phải khơi dậy được lòng tin của người tiêu dùng thông qua giá cả, chất lượng sản phẩm.

Nguồn SGGP


Sự kiện