Thị trường vàng trước giờ G: Giá xuống cứ xuống, người mua cứ mua
Ông S., cán bộ về hưu ở khu vực Cầu Giấy, một trong số những người xếp hàng, gia đình đã tích trữ một lượng vàng lớn từ hồi giá 42 triệu đồng/lượng, ngày đó mua do giá không biến động nhiều nên nghĩ là mức giá hợp lý để mua cất trữ, nhưng đến nay, giá liên tục lao dốc, nên tiếc rẻ, không muốn bán. Không những thế ông còn tiếp tục mua. “Còn giảm, tôi còn mua”, vị khách này chia sẻ.
Nhiều người khác cũng đều khá vất vả chạy đến cửa hàng vàng trong 1 tuần gần đây, chỉ để mua vàng. Lượng mua mỗi lần cũng không nhiều, chủ yếu từ vài chỉ đến 1 lượng, nhưng “cứ giảm là mua.”
Giá vàng trước giờ G
Hôm nay, có thời điểm vàng chính thức xuyên thủng mốc 2 năm rưỡi. Lúc 10h54' sáng, giá vàng SJC tại Hà Nội mua vào bán ra ở 35,5 - 36,02 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại TPHCM giao dịch ở 35,5 - 36 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng tăng trở lại hôm 28/6 sau khi NHNN điều chỉnh tỉ giá, thì đây cũng chẳng phải là nguyên nhân chính khiến người dân mua vàng nườm nượp.
Trong khi đó vàng thế giới phiên giao dịch đêm qua đã rơi khỏi mốc 1.200$/ounce, mức thấp kỷ lục trong gần 3 năm.
Cũng trong khoảng thời gian hơn 1 tuần trước 30/6, tuyên bố gây sốc được phát đi từ Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed), nơi mà chủ tịch Ben Bernanke đã phát biểu sẽ giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ hàng tháng trong nửa năm còn lại nếu kinh tế Mỹ hồi phục và chấm dứt hẳn gói nới lỏng định lượng QE3.
Tuy chưa phải là sự chấm dứt của thời kì nới lỏng tiền tệ, nhưng liều thuộc kích thích đối với giá vàng bỗng trở nên “đắng ngắt”. Mặc cho những lời giải thích về sự tiếp tục nới lỏng tiền tệ liên tục được phát đi từ Washington, nhưng sự thật, giá vàng thế giới quan tâm số mệnh của QE3 hơn bất kì lời biện hộ nào.
Phản ứng mạnh nhất là sự bán tháo vàng quy mô lớn của các quỹ hàng đầu trên thế giới, trước nguy cơ giá vàng quay trở lại thời kì chưa có QE. Hàng loạt các ngân hàng và tổ chức tín dụng quốc tế đều hạ sâu dự báo giá vàng bằng các bản báo cáo trong tuần qua.
Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng số một trên thế giới quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng trong khi nhu cầu vật chất không có dấu hiệu cải thiện. Thêm một đòn giáng vào hy vọng tăng của giá vàng.
Chưa hết, từ ngày 17/6, Trung Quốc-quốc gia nhập khẩu vàng hàng đầu thế giới bỗng lâm vào cuộc khủng hoảng thanh khoản. Tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng xảy ra, thậm chí các máy rút tiền tự động (ATM) của ngân hàng lớn nhất ICBC đã ngừng hoạt động hôm 23/6. Một lần nữa, thế giới lại giấy lên lo ngại về sự sụt giá tiếp theo của vàng.
Dù mối liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới còn hạn chế, nhưng không thể nói là không có. Hôm 20/6, ngày vàng thế giới lần đầu tiên chạm đáy 2 năm rưỡi thì vàng trong nước cũng xuống thấp nhất 2 năm.
Trước giờ G của vàng
Thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu toàn bộ ngân hàng thương mại phải tất toán trạng thái vàng xong trước ngày 30/6. Các chuyên gia trong nước đều cùng chung một nhận định rằng, 30/6 là giờ G đối với thị trường vàng, một mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, sát hơn với giá quốc tế và chắc chắn giảm.
Tính đến 27/6, vẫn còn 3 ngày nữa mới đến giờ G, NHNN tích cực hỗ trợ nhu cầu vàng cho các ngân hàng thương mại bằng các phiên đấu thầu thành công, bán đến đâu, hết veo đến đó.
Riêng phiên đấu thầu ngày hôm qua, NHNN chào bán 40.000 lượng, tăng gần gấp đôi lượng vàng chào bán mỗi phiên trước đó. Đến hôm nay 28/6, NHNN tiếp tục chào bán tiếp 40.000 lượng.
Chuyện một số ngân hàng xin gia hạn tất toán trạng thái vàng cho thấy, nhu cầu mua vàng của các tổ chức này vẫn còn, tuy không lớn nhưng điều đó đồng nghĩa với việc cả NHNN và các tổ chức ngân hàng sẽ còn phải làm việc tích cực cho đến tận thời điểm chót.
Quay trở lại với câu chuyện còn giảm còn mua, bất chấp việc các chuyên gia cảnh báo về việc giá vàng sẽ còn giảm xuống nữa, người dân vẫn cứ mua vàng.
Những chuyên gia đang cố dò đáy và tìm kiếm điểm đầu tư tối ưu sẽ không bao giờ hiểu những người như ông S. Bởi vì không có một thống kê cụ thể nào, nên chúng ta thử hình dung một vài con số.
Nếu giả thiết lượng tiền dôi dư trung bình của những người vẫn mua vàng miếng nhằm tiết kiệm nắm trong tay rơi vào khoảng 300 - 350 triệu đồng, tức là vào khoảng dưới 10 lượng vàng. Ngay cả trong trường hợp vàng tăng giá, thì lợi nhuận thu về sẽ dao động trong vòng 5-10 triệu đồng, chưa kể rủi ro khi vàng mất giá. Bởi vậy với quy mô vốn nhỏ như vậy thì lợi nhuận từ việc quay vòng hay đầu tư chẳng bao giờ là thứ có thể giải thích tốt cho hành vi mua vàng của hầu hết những người ở đây.
Con số này sẽ chỉ có thể trở nên hấp dẫn nếu đặt cạnh mức lãi suất gửi tiết kiệm, vốn đang được điều chỉnh giảm dần. Nên hành vi mua và tích trữ vàng của môt bộ phận rất lớn người dân phải được nhìn nhận như việc tiết kiệm và bảo hiểm. Thói quen này thường được đẩy mạnh khi niềm tin vào đồng nội tệ của dân chúng yếu đi theo cảm nhận về sự mất dần sức mua.
Bởi vậy bất chấp các chuyên gia liên tục khuyến cáo về việc vàng còn giảm giá, và người dân có nguy cơ bị lỗ, người ta vẫn tích cực đi mua vàng.
Mục tiêu chống vàng hóa của NHNN rõ ràng đang gặp thách thức không nhỏ từ thói quen này.
Đi trên dây
Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỷ giá VND/USD tăng lên 1%. Thực ra việc NHNN sẽ điều chỉnh tỉ giá là điều có thể đoán trước. Những dữ kiện của nền kinh tế cho đến thời điểm này như nhập siêu và chỉ số giá đã được công bố. Và Thống đốc Bình đã hoàn toàn đủ dữ kiện để quyết định việc này.
Nhiều người lo ngại rằng, đây là tín hiệu của sự mất giá của tiền đồng, nhưng thực chất, nới rộng biên độ chỉ đơn giản là việc điều chỉnh theo tình hình cung cầu ngoại tệ, vốn đã nóng lên từ 3 tuần nay.
Việc điều chỉnh tỷ giá có thể đã là một yếu tố làm giá vàng trong nước tăng trở lại. Nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc mua vàng của người dân. Mà xu hướng tích trữ bảo toàn tài sản đang chiếm phần chi phối.
Mấy hôm trước thành phố New York đã từ chối cho phép diễn viên xiếc Nik Wallenda được đi dây giữa hai tòa nhà Empire State và Chrysler nổi tiếng của New York. Mặc dù trước đấy Nik vừa thực hiện thành công việc đi trên dây không có bảo hiểm tương tự qua vách núi cheo leo. Vấn đề khác nhau là ở New York có dân chúng, và sự sảy chân khi này có thể đe dọa tính mạng những người ở bên dưới.
Công việc điều hành tiền tệ vốn dĩ cũng tựa như việc đi trên dây khi cùng một lúc phải cân bằng rất nhiều mục tiêu tiền tệ khác nhau. Vấn đề không nằm ở người đi dây mà nằm ở những người bên dưới sợi dây, những người mà sức mua chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến động của tiền tệ. Nếu việc đi trên dây vốn dĩ là không tránh khỏi thì, câu hỏi đặt ra là đâu sẽ là sợi dây bảo hiểm.
Nguồn Dân Việt