Thị trường vàng trong nước tồn tại bốn điểm cần lưu ý
Thứ nhất, chưa bao giờ giá vàng trong nước tăng hơn giá vàng trên thị trường thế giới nhiều và kéo dài như hiện nay. Ngay cả thời kỳ đầu (năm 1991) khi đất nước mở cửa, giá vàng đã tăng với tốc độ khá cao (tăng 88,7%), nhưng ngay năm sau (1992), giá vàng đã giảm mạnh (giảm 31,3%), rồi khá ổn định trong 9 năm sau đó (bình quân tăng 1,24%/năm). Giá vàng trong nước theo sát giá thế giới.
Thứ hai, việc quản lý giá vàng có mục tiêu là vừa ổn định giá vàng trong nước, vừa huy động vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển, tăng dự trữ ngoại hối. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng trên thị trường thế giới, thì chắc chắn, biến động của giá vàng trong nước sẽ cao hơn biến động giá vàng trên thị trường thế giới. Do vậy, nếu giá vàng trên thị trường trong nước tiếp tục cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, thì những mục tiêu của việc quản lý thị trường vàng trong nước sẽ rất khó.
Thứ ba, cuối năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra “ranh giới” chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng trên thị trường thế giới là 400.000 đồng/lượng và cho rằng, ranh giới này sẽ ngăn chặn được tình trạng nhập lậu vàng, góp phần ổn định tỷ giá. “Ranh giới” ấy nay đã cao gấp nhiều lần, nhưng tỷ giá vẫn ổn định, thậm chí hạ.
Thứ tư, việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng vàng miếng SJC làm độc quyền nhà nước (dù chỉ là độc quyền dập) không khỏi làm cho thị trường nghi ngại. Vàng miếng SJC là thương hiệu của một doanh nghiệp, nên sẽ là nguy cơ tiềm ẩn để doanh nghiệp lạm dụng độc quyền. Ngoài ra, giá vàng miếng mang các mác khác (phi SJC) thấp hơn giá vàng SJC đến vài triệu đồng/lượng là bất hợp lý.
Việc cho rằng, chênh lệch lớn giữa giá vàng trên thị trường trong nước và giá vàng trên thị trường thế giới không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, cần phải được xem lại. Lâu nay, tỷ giá biến động lớn chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh (tăng tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và tăng, giảm biên độ giao dịch).
Trong điều kiện cánh kéo tỷ giá còn lớn (giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương hiện vẫn ở mức 3 lần, nghĩa là 1 USD tại Việt Nam có sức mua cao gấp 3 lần 1 USD tại Mỹ), thì tốc độ tăng tỷ giá sẽ ngày một thấp xa so với tốc độ tăng giá tiêu dùng để “chờ” tỷ giá sức mua tương đương tăng lên theo xu hướng hội nhập với thế giới.
Để ổn định giá vàng trong nước, cần để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, đồng thời Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối để thực hiện việc mua vào khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới và bán ra khi giá trong nước cao hơn giá vàng thế giới.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang có xu hướng ngày càng tăng. Đầu tuần này, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 3,5 triệu đồng/lượng.
Nguồn Báo Đầu tư