Thị trường vàng thế giới - nhìn từ cung và cầu
Nhu cầu tiêu thụ vàng phân bố rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Sự khác biệt giữa các nền văn hóa, kinh tế, xã hội khác nhau tạo nên mức độ nhu cầu khác nhau trên các thị trường. Việc thay đổi nhanh chóng cấu trúc kinh tế xã hội nhân khẩu học ở các quốc gia tiêu thụ vàng chính tạo nên những hình thức mới liên quan đến nhu cầu vàng trong tương lai. Theo số liệu của WGC, năm ngoái toàn cầu tiêu thụ 4.405,5 tấn vàng với giá trị kỷ lục 236,4 tỷ USD, cao hơn 15% so với trung bình 5 năm trước.
Nhu cầu vàng thể hiện qua 3 hình thức.
Nhu cầu vàng trang sức
Nhu cầu sử dụng vàng làm đồ trang sức chiếm phần lớn trong nhu cầu tiêu thụ vàng nói chung. Năm ngoái, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức lên tới 1.908,1 tấn, tương đương giá trị 102,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng nhu cầu toàn cầu. Trong đó, Ấn Độ tiêu thụ nhiều vàng trang sức nhất, xuất phát từ những yếu tố văn hóa truyền thống tín ngường, những yếu tố này không liên quan trực tiếp đến xu hướng thế giới.
Khủng hoảng kinh tế 2007-2009 ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi tiêu tiêu dùng toàn cầu. Kết quả làm sụt giảm mạnh doanh số bán vàng trang sức, đặc biệt các thị trường phường Tây. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trang sức Ấn Độ và Trung Quốc vẫn phục hồi mạnh mẽ.
Nhu cầu vàng trang sức được quy định bởi 2 yếu tố tài chính và sở thích người tiêu dùng. Nó có xu hướng tăng trong thời kỳ giá cả ổn định hoặc tăng đều đặn, và sẽ có xu hướng giảm khi giá cả biến động.
Nhu cầu đầu tư
Từ năm 2003, nhu cầu vàng cho đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ trong cơ cấu nhu cầu tiêu thụ vàng nói chung. Trong 5 năm kết thúc năm 2011 chứng kiến giá trị vàng đầu tư tăng trưởng gần 534%. Chỉ riêng năm 2011, nhu cầu đầu tư ròng đã đạt xấp xỉ 85,9 tỷ USD. Năm ngoái, vàng phục vụ nhu cầu đầu tư toàn cầu đạt 1.534,6 tấn, giá trị giảm nhẹ còn 82,3 tỷ USD.
Hàng loạt yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư tổ chức và tư nhân tìm kiếm các khoản đầu tư vàng. Trong số những yếu tố quyết định nhu cầu đầu tư, một yếu xuyên suốt và tất cả đều có gốc rễ từ đó là khả năng kháng cự sự bất ổn và giúp chống lại các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.
Đầu tư vàng có thể dưới nhiều hình thức, thậm chí nhà đầu tư có thể kết hợp 2 hay nhiều hình thức để tăng tính linh hoạt. Sự tăng trưởng trong nhu cầu đầu tư đã tạo ra nhiều đổi mới trong các hình thức đầu tư vàng, hiện có nhiều hình thức đầu tư phù hợp vơi các cá nhân tổ chức. Các nhà đầu tư có thể giao dịch vàng trên các sàn giao dịch kỳ hạn và quyền chọn, bảo đảm, đầu tư vào các quỹ đầu tư chỉ số ETF, hay đầu tư vào chứng khoán các nhà sản xuất...
Nhu cầu sử dụng trong công nghệ, công nghiệp
Việc sử dụng vàng trong các ngành điện tử, công nghiệp, y tế và nha khoa chiếm khoảng 12% tổng nhu cầu, trung bình hàng năm tiêu thụ khoảng 450 tấn vàng giai đoạn năm 2007-2011.
Vàng có tính dẫn nhiệt và điện cao, ăn mòn ít, sử dụng tốt trong các ngành công nghiệp điện tử. Trong y tế, vàng được sử dụng lâu đời, từ thời Ai Cập cổ đại. Ngày nay, vàng được ứng dụng nhiều nhờ thuộc tính tương thích sinh học, khả năng chống vi khuẩn và chống ăn mòn. Những nghiên cứu gần đầy phát hiện thêm nhiều ứng dụng thực tế mới cho vàng như làm chất xúc tác trong các tế bào nhiên liệu, xử lý hóa chất, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Khả năng sử dụng các hạt nanno vàng trong các thiết bị điện tử và phương pháp điều trị ung thư hứa hẹn nhiều thành công.
2. Cung vàng
Vàng được cung cấp chủ yếu thông qua các hình thức sau:
Vàng được khai thác khắp các mỏ hầu hết các châu lục trừ Đại Tây Dương do hoạt động khai thác bị cấm. Hàng trăm mỏ vàng hoạt động toàn cầu với quy mô đa dạng.
Nhìn chung khai thác vàng từ các mỏ khá ổn định. Nguồn cung từ các mỏ trung bình xấp xỉ 2.602,2 tấn vàng mỗi năm tính trong quãng thời gian 5 năm trở lại đây. Những mỏ mới đang trong quá trình triển khai để đảm bảo sản lượng hiện tại thay vì mở rộng phạm vi khai thác.
Để đưa một mỏ mới vào sản xuất, ước tính mất một quãng thời gian tương đối dài- lên tới 10 năm. Điều này có nghĩa rằng sản lượng khai khoáng tương đối ít dao động và khó có thể phản ứng nhanh chóng để có thể có ảnh hương lớn đến được một thay đổi nào đó trong dự đoán về giá cả.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, nguồn cung vàng đôi khi bị gián đoạn do các cuộc đình công ngừng sản xuất ở Nam Phi.
Tái chế vàng
Trong khi sản lượng vàng khai thác từ các mỏ là tương đối ít dao động, vàng tái chế giúp đảm bảo nguồn cung thương mại dễ dàng hơn khi cần thiết, góp phần ổn định giá vàng. Giá trị của vàng tái chế còn có ý nghĩa về mặt kinh tế vì có khả năng phục hồi lại từ những hình thức sử dụng khác bằng việc nung chảy, tinh chế và tái chế. Trong giai đoạn 2007-2011, vàng tái chế chiếm khoảng 37% nguồn cung vàng hàng năm.
Ngân hàng trung ương các nước
Ngân hàng trung ương và các tổ chức đa quốc gia ( như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) hiện giữ khoảng 1/5 tổng lượng vàng dự trữ toàn cầu làm tài sản dự trữ (ước tính số lượng khoảng 29.000 tấn được cất trữ ở 110 tổ chức). Tính trung bình, vàng chiếm khoảng 15% tài sản dự trữ của các chính phủ, tuy nhiên tỷ lệ này có khác nhau giữa các nước. Các nước phát triển Tây Âu và Bắc Mỹ giữ khoảng hơn 40% tổng dự trữ toàn cầu. Các nước đang phát triển nắm giữ khoảng 5% tổng dự trữ.
Mặc dù một số các ngân hàng trung ương đã tăng lượng dự trữ vàng trong những thập niên gần đây, nhưng đây cũng chính là nguồn cung cấp lượng vàng lớn ra thị trường từ năm 1989 đến năm 2009. Sang năm 2010, các ngân hàng trung ương lần đầu tiên mua ròng vàng trong 21 năm.
Sự chuyển dịch từ bán ròng chuyển sang mua ròng do 1 số lý do sau. Thứ nhất, các nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh chóng và có nhu cầu đối với vàng ngày càng cao nhằm cân đối với lượng ngoại tệ nắm giữ và trở thành phương tiện dự trữ an toàn. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương châu Âu cũng tăng cường tích trữ vàng sau khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, đồng euro mất giá.
Kết quả của sự thay đổi này khiến năm 2010, các ngân hàng trung ương mua ròng tổng cộng 77 tấn vàng, năm 2011 mua vào gấp 6 lần lên gần 457 tấn và năm ngoái, con số này lên 534,6 tấn vàng, cao kỷ lục kể từ 1964.
Sản xuất vàng
Quy trình sản xuất vàng có thể được phân thành 6 giai đoạn chính: Tìm mỏ có quặng, xâm nhập mỏ quặng, tách quặng ra bằng khai thác và đào mỏ, vận chuyển các chất liệu tách được từ bề mặt mỏ đến nhà máy chế biến, chế biến và tinh luyện.
Các nhà máy tinh luyện vàng được đặt chủ yếu gần các trung tâm khai thác lớn hoặc ở các trung tâm chế biến kim loại quý trên khắp thế giới. Tính theo công suất, trung tâm tinh luyện lớn nhất là Rand Refinery ở Germiston, Nam Phi. Tính theo sản lượng, thì trung tâm lớn nhất là Johnson Matthey ở thành phố Salt Lake, Mỹ.
Thay vì mua vàng sau đó lại bán ra thị trường, các nhà sản xuất chủ yếu thu phí từ các nhà khai thác mỏ. Sau khi được tinh chế, vàng thỏi (mức độ tinh chế khoảng 99,5 %) được bán cho các nhà kinh doanh vàng, sau đó tiếp tục bán lại cho các nhà sản xuất trang sức, điện tử hoặc đầu tư.
Nguồn Khampha/WGC