Sau hơn một năm rưỡi thực hiện quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, thị trường vàng được đánh giá là đang “đi đúng lộ trình”, dần ổn định, từng bước đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế...
Sau nhiều năm thăng trầm, quản lý nhà nước đối với thị trường vàng thời gian qua đã có bước chuyển quan trọng với việc Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2012. Mục tiêu cơ chế, chính sách của Chính phủ và của NHNN là tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, đảm bảo khả năng điều tiết, nâng cao vai trò quản lý thị trường của Nhà nước ở mức cao nhất, thông qua việc giao NHNN cấp phép đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; tổ chức sản xuất vàng miếng và xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Sau thời gian quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ về quản lý thị trường vàng trên cơ sở khuôn khổ pháp lý mới mà nòng cốt là Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ, NHNN và cơ quan hữu trách đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện tất toán toàn bộ số dư huy động vốn bằng vàng đến hạn phải chi trả từ đầu tháng 7/2013, giảm dần số dư cho vay vốn bằng vàng, qua đó đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng và chấm dứt tình trạng “vàng hóa” trong hoạt động của TCTD; bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng.
NHNN cũng can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua đấu thầu vàng; đồng thời tổ chức sản xuất vàng miếng SJC nhằm đáp ứng nhu cầu vàng miếng cho thị trường và thiết lập một mạng lưới mua, bán vàng miếng mới, có tổ chức, quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận mua, bán vàng.
Mặc dù thời gian qua giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”, cũng như không kéo theo hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới. Thị trường vàng miếng được minh bạch, quản lý chặt chẽ đến người mua, người bán cụ thể để chống đầu cơ, làm giá. Định hướng chính sách không khuyến khích người dân đầu tư vào vàng, nhưng chính sách, cơ chế vẫn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được mua bán, tích trữ vàng.
Sau hơn một năm rưỡi triển khai khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, thị trường vàng đã dần ổn định, quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ. Thị trường vàng miếng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản. Sự mất cân đối về cung - cầu vàng miếng trong nước đã được thu hẹp đáng kể, từ đó đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao, từng bước đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế. Trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân. Tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng đã được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán, tạo tiền đề tiến tới huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.