Thứ Sáu | 14/02/2014 16:18

Thị trường vàng có nóng trở lại?

Với thị trường vàng ảm đạm như năm 2013 thì bước sang năm 2014, các DN vàng đều mong có nhiều ngày Thần Tài.

Ông Nguyễn Thanh Trúc – Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam dự báo, năm 2014 sản phẩm trang sức bằng vàng cũng có biến chuyển, nhưng do thu nhập bình quân của người dân còn thấp nên chưa tạo sự bứt phá...

DN mong… nhiều ngày Thần Tài

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc – Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam, diễn biến thị trường vàng năm 2014 sẽ gần giống với diễn biến của năm 2013. “Nhưng có thể giá của kim loại này còn xuống một chút nữa”, ông Trúc nói.

Một chuyên gia vàng khác chia sẻ, thực ra với người quan tâm tới vàng thì năm mới của vàng cũng bắt đầu theo năm Âm lịch. Trong đó, vài năm nay, ngày vía Thần Tài (ngày 10 tháng Giêng) đã như một ngày khai trương của thị trường vàng và nó đang ngày càng trở nên rầm rộ. Không ít DN kinh doanh vàng đã “trống dong, cờ mở” cho ngày này với kỳ vọng một cơ hội kinh doanh hiếm trong năm.

Ngày Thần Tài năm nay, vàng đắt khách

Thống kê của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho thấy, trong ngày Thần Tài, DN này bán ra khoảng 5.000 lượng vàng. So với dịp Thần Tài năm ngoái, số lượng sản phẩm bán ra tăng gấp đôi. Còn đại diện của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, tính chung trong ngày Thần Tài, toàn hệ thống PNJ đã bán ra hơn 5.700 lượng vàng các loại. Khu vực miền Bắc có lượng vàng tiêu thụ mạnh hơn với 3.500 lượng. Bán chạy nhất là vàng tài lộc và nhẫn tròn trơn. Ông Trần Nhật Nam – Phụ trách kinh doanh Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, ngày Thần Tài năm nay, DN bán được khoảng 500 lượng.

Các DN đều cho biết, mặc dù họ đã lường trước sức mua sẽ tăng cao nhưng nhu cầu thực của người dân trong ngày Thần Tài vượt xa dự đoán của các DN. Anh Trần Khánh Linh, phường Hàng Bông, Hà Nội cho biết, anh xếp hàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) gần một tiếng đồng hồ mới mua được chiếc nhẫn vàng trong ngày vía Thần Tài. “Xếp hàng một lúc, tôi đã “nản” nên đành ra hiệu vàng nhỏ mua. Bởi mua lấy may thì vàng thương hiệu nào cũng được. Mua ở đâu, bán ở đó” - chị Nguyễn Thị Kim Học, phường Bạch Đằng chia sẻ.

Đại diện một DN cho hay, ngày Thần Tài người dân chỉ đến mua một vài chỉ vàng để “cầu may”. Nhiều người có chung tâm lý như vậy đã khiến cầu trên thị trường tăng đột biến. “Với thị trường vàng đìu hiu như năm 2013 thì bước sang năm 2014, các DN vàng mong có nhiều ngày Thần Tài”, đại diện DN vàng nói.

Các chuyên gia kinh doanh vàng cho rằng, tâm lý ôm vàng từ một lượng đến hàng chục lượng, vác hàng bao tải tiền đi mua vàng đã thay đổi. Thứ nhất, với các giải pháp của NHNN cụ thể hóa theo các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp thị trường ổn định. Thứ hai, giá vàng thế giới vẫn đang trong giai đoạn bất ổn, chưa rõ xu hướng, nên nếu đầu tư kiếm lời sẽ gặp nhiều rủi ro khó lường.

Cơ hội cấu trúc hoạt động kinh doanh

Năm 2014 sẽ là cơ hội để các DN kinh doanh vàng cơ cấu lại sản phẩm, hàng hóa, thị trường vàng. Ông Trần Nhật Nam – Phụ trách kinh doanh vàng miếng Bảo Tín Minh Châu cho biết, năm 2013 lượng vàng miếng bán ra rất chậm. Vì vậy năm 2014, công ty quan tâm nhiều hơn tới mảng sản phẩm trang sức bằng vàng và những ngày đầu năm 2014 lượng tiêu thụ đã tốt hơn, nhất là trang sức bằng “vàng ta” vẫn được nhiều người thích, vì cũng có thể làm đồ để dành được.

Đặc biệt, nhiều người dân chọn mua loại vàng có giá gia công thấp, chỉ khoảng 100 nghìn đồng để khi bán không bị trừ nhiều tiền (vàng trang sức khi bán lại DN sẽ trừ phí gia công, chế tác – PV). Ông Nam cho biết, nắm bắt tâm lý này của người dân, năm 2014, Bảo Tín Minh Châu đã đưa ra sản phẩm “Vàng rồng Thăng Long” thế hệ 2 ép vỉ. Ngày Thần Tài vừa rồi, DN đưa ra thị trường thấy lượng tiêu thụ rất khả quan.

Ông Nguyễn Thanh Trúc dự báo, năm 2014 sản phẩm trang sức bằng vàng cũng có biến chuyển, nhưng do thu nhập bình quân của người dân còn thấp nên chưa tạo sự bứt phá. Hy vọng khi nền kinh tế hồi phục, thu nhập người dân cao hơn, khi đó người dân mới có thể chi cho nhu cầu làm đẹp trong các dịp lễ hội, cưới hỏi. Ông Trúc cũng cho biết, nhiều khả năng NHNN sẽ xem xét tới việc lập Sàn giao dịch vàng Quốc gia. Bên cạnh đó, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi đầu năm thì, NHNN sẽ xây dựng đề án huy động vàng trong dân.

“Huy động vàng trong dân là cần thiết nhưng cách huy động thế nào cần nghiên cứu kỹ. Nguồn lực vàng trong dân rất lớn, ước tính bằng số lượng dự trữ ngoại hối của chúng ta hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đất nước đang thiếu nguồn vốn ngoại tệ mà lại chưa huy động và sử dụng được nguồn vốn vàng trong dân là lãng phí. Tích trữ vàng là truyền thống của người Việt Nam nói riêng và người dân khu vực châu Á nói chung đã có từ nhiều năm nay”, ông Trúc bày tỏ./.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện