Minh Anh Thứ Năm | 29/11/2018 19:01

Thị trường và BIDV trước tin ông Trần Bắc Hà bị bắt

Trước thông tin cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV bị bắt, thị trường không nhiều thay đổi và BIDV ra thông báo vẫn hoạt động bình thường.

Ngay lập tức, ngày 29.11, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra thông cáo sau sự việc nguyên lãnh đạo cao cấp và nguyên cán bộ ngân hàng bị bắt và khởi tố. Theo đó, mọi hoạt động kinh doanh luôn được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả.

Thị trường chứng khoán không thay đổi nhiều

Không chỉ có BIDV, những doanh nghiệp ông Trần Bắc Hà đang nắm giữ cổ phiếu và có liên quan trực tiếp cũng không có nhiều thay đổi trên thị trường.

Cụ thể, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai (Mã chứng khoán: HAG) có giảm 120 đồng, xuống còn 5.050 đồng/cổ phiếu. Trong 8 phiên giao dịch gần nhất, HAG giảm 6 phiên và có 2 phiên đứng giá. Còn cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Quốc tế Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai giảm 100 đồng, còn 16.600 đồng/cổ phiếu.

Đáng quan tâm nhất là cổ phiếu BID của BIDV giảm 300 đồng khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 29.11 ở mức giá 31.250 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm giá thứ 6 trong 10 phiên giao dịch gần nhất đối với cổ phiếu BID. Tuy nhiên, mức giảm này không gây nhiều biến động trên thị trường.

Dạo quanh một vòng cổ phiếu các ngân hàng. Mã cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank giảm 200 đồng, còn 20.800 đồng/cp; HDB của HDBank giảm 100 đồng, còn 30.200 đồng/cp; STB của Sacombank giảm 100 đồng, còn 12.150 đồng/cp; TCB của Techcombank giảm 100 đồng,còn 26.050 đồng/cp; VCB của Vietcombank giảm 100 đồng, còn 55.000 đồng/cp. Cổ phiếu EIB của Eximbank đứng giá so với giá tham chiếu 13.550 đồng/cp.

Trong khi đó, một số mã cổ phiếu ngành ngân hàng tăng giá như, CTG của Vietinbank tăng 100 đồng, lên 22.850 đồng/cp; MBB của MBBank tăng nhẹ 50 đồng, lên 20.900 đồng/cp.

Để có được tình hình khả quan như hiện tại, trước đó BIDV đã nhanh chóng đưa ra các phương án và giải pháp để ngăn chặn những hiệu quả xấu có thể xảy ra.

Theo BIDV, các vấn đề liên quan đến vi phạm của các cá nhân nêu trên xảy ra trước đây đã được BIDV chủ động báo cáo cơ quan chức năng xử lý, hỗ trợ làm việc với doanh nghiệp để thu hồi nợ cho ngân hàng. BIDV sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

"Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, với hệ thống quản trị theo chuẩn mực mọi hoạt động của BIDV luôn đảm bảo được duy trì liên tục, ổn định và phát triển, góp phần vào việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đảm bảo cân đối vĩ mô của đất nước mà không bị ảnh hưởng của sự việc nêu trên", thông cáo của BIDV viết.

Đến cuối tháng 11.2018, BIDV cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã được đại hội đồng cổ đông thông qua với tổng tài sản đạt 1.255 nghìn tỉ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 13,5%, nợ xấu kiểm soát thấp dưới 1,6%; lợi nhuận tăng trưởng 18%.

Cuối tháng 10 vừa qua, BIDV cũng đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch chào bán 17,65% cổ phần cho KEB Hana Bank, tập đoàn tài chính của Hàn Quốc, trong thời gian tới, với giá bán dự kiến không được thấp hơn giá thị trường.

Thi truong va BIDV truoc tin ong Tran Bac Ha bi bat
 

Những tài sản thuộc sở hữu ông Hà?

Ngày 29.11, ông Trần Bắc Hà là Cựu Chủ tịch HĐQT BIDV đã bị bắt cùng Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, ông Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc BIDV, ông Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Hà Tĩnh, bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Hà Tĩnh. Liên quan đến "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Trước đó, tháng 6.2018, ông bị khai trừ Đảng.

Trong quá trình làm Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà được cho là sở hữu nhiều tài sản khủng, nổi bật nhất là Resort Hoàng Gia Quy Nhơn. Resort 4 sao này có diện tích hàng chục nghìn mét vuông với một mặt hướng ra đường Hàn Mặc Tử, một mặt hướng ra biển Quy Nhơn, một mặt hướng ra bãi tắm Hoàng Hậu, một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Bình Định.

Dự án này trước đây thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sau đó được chuyển nhượng lại cho một doanh nghiệp khác với giá khoảng 175 tỉ đồng. Doanh nghiệp này sau đó chuyển nhượng lại resort cho Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn do bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) làm đại diện theo pháp luật.

Tháng 12.2017, bà Ngô Kim Lan bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của mình tại Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn cho em ruột mình là bà Ngô Thị Kim Oanh. Hiện resort này thuộc sở hữu Tập đoàn An Phú, một doanh nghiệp do ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) làm Chủ tịch HĐQT.

 Tập đoàn An Phú là chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng. Được biết, ông Trần Duy Tùng từng được đưa vào HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn, một doanh nghiệp vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm trong kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.

Cũng tại địa chỉ resort này, một doanh nghiệp khác đăng ký trụ sở là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng do bà Trần Lan Phương (con gái ông Trần Bắc Hà) là Chủ tịch HĐQT. Công ty này là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng tại đường An Dương Vương, TP. Quy Nhơn.