Thị trường trái phiếu sẽ sôi động
Hút hàng
Theo Bộ Tài chính, ước tính tổng quy mô thị trường trái phiếu VN đến hết năm 2012 đạt tương đương 21,6% GDP. Trong đó trái phiếu chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn là 15,7% GDP. Trái phiếu doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm 5,56% GDP. Năm 2012 là năm “được mùa” của trái phiếu chính phủ khi huy động thành công gần 160.000 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm 2011. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp bình quân đạt 842 tỉ đồng/phiên, gấp 2,3 lần so với năm 2011. Người mua chủ yếu vẫn là các ngân hàng trong nước với giá trị gần 90%, còn lại là các công ty chứng khoán cùng các tổ chức tài chính khác. Theo NH Phát triển châu Á (ADB), thị trường tín phiếu và trái phiếu chính phủ vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn do Chính phủ đang theo đuổi các chính sách kích thích tài khóa để khắc phục những tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đến xuất khẩu của VN. Bên cạnh đó, việc tín phiếu kho bạc được phát hành theo phương thức đấu thầu và niêm yết giao dịch trên thị trường trái phiếu chuyên biệt tại sàn HNX cũng góp phần khiến thị trường VN trở nên sôi động hơn.
TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - nhận định: Thị trường trái phiếu VN năm 2013 sẽ phát triển mạnh. Nguồn cung sẽ gia tăng khi Chính phủ cần vốn để xử lý nợ xấu của hệ thống NH thông qua công ty mua bán nợ. Các NH thương mại trong nước vẫn tiếp tục là khách hàng chính của các đợt đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ trong năm nay do Ngân hàng Nhà nước VN đang và sẽ có những quy định nhằm siết chặt việc đầu tư của các NH thương mại vào những lĩnh vực khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản...
Doanh nghiệp gặp khó
Trong khi trái phiếu chính phủ khá đắt hàng thì việc phát hành của DN được các chuyên gia nhận xét là gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, có 30 DN gửi thông báo đăng ký phát hành trái phiếu ở thị trường trong nước với khối lượng huy động khoảng 27.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 21 DN phát hành thành công với khối lượng khoảng 17.000 tỉ đồng. Riêng trong năm 2012, số lượng DN phát hành trái phiếu thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều là những DN đứng đầu trên thị trường như Tập đoàn Masan, Tập đoàn Vincom, Vietinbank...
Thực tế, các DN muốn huy động vốn thông qua trái phiếu phải đảm bảo được tình hình tài chính ổn định và có khả năng trả nợ gốc lẫn lãi khi đáo hạn. Thậm chí khi phát hành có tài sản đảm bảo hoặc được NH bảo lãnh phát hành thì các nhà đầu tư cũng phải xem xét kỹ tình hình hoạt động của DN.
TS Lê Đạt Chí nhận xét: Hành lang pháp lý về thị trường trái phiếu DN chưa hoàn thiện. Điều kiện phát hành đơn giản khiến trái chủ gặp nhiều rủi ro, nhất là trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có quy định giám sát sử dụng vốn của các DN thu được từ các đợt phát hành trái phiếu. Đây là lỗ hổng có thể khiến các DN sử dụng vốn sai mục đích, nguy cơ bị mất khả năng thanh toán cao và điều này sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại. Vì vậy, muốn thị trường trái phiếu của DN phát triển, cần xem xét và hoàn thiện lại khung pháp lý có liên quan để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong ngoài nước. Từ đó mới nâng cao khả năng thành công cho các DN khi muốn huy động vốn thông qua kênh này.