Chủ Nhật | 17/06/2012 21:37

Thị trường trái phiếu chưa phát triển, doanh nghiệp còn khó khăn vì thiếu vốn

Việt Nam đang là nước rất tích cực phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua nhưng vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Với việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thời gian dài tụt dốc không phanh. Các doanh nghiêp đã gặp rất nhiều khó khăn, việc huy động vốn để đảm bảo hoạt động trở nên bất khả thi khi có những thời điểm lãi suất cho vay lên trên 20%/năm.

Và chỉ những thời điểm đó mới nhận ra rõ những thiếu sót trong việc phát triển thị trường tài chính trong hơn 10 năm qua. Thị thường cổ phiếu không có được sự tự chủ, còn thị trường trái phiếu hầu như chưa phát triển.

Thị trường trái phiếu đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp, bên cạnh kênh thị trường cổ phiếu. Thị trường trái phiếu thay thế cho ngân hàng trong việc cho vay trung và dài hạn. Ở những nước có thị trường tài chính phát triển, khi đề cập đến trái phiếu thì còn là nhắc tới các loại sản phẩm phái sinh như M.B.S, C.D.O, C.D.S… Mặc dù các nước đang phát triển như Việt Nam chưa thể có được những sản phẩm lợi tức cố định tinh vi như vậy, chúng ta vẫn cần phải có một kênh trái phiếu hoạt động một cách thực thụ.

Theo báo cáo vừa được công bố của Asia Bond Monitor (ABM), Việt Nam đang là nước rất tích cực phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua với tốc độ tăng trưởng hơn 17% trong năm 2011. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn là thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn đang tụt hậu lại so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Giá trị thị trường trái phiếu Việt Nam đạt khoảng 17 tỷ USD, tương đương 17% GDP. Nếu so sánh với dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 125 tỷ USD, tương đương 1,25 lần GDP, thì rõ ràng có một sự chênh lệch quá lớn giữa tín dụng cho vay từ ngân hàng so với cho vay thông qua trái phiếu. Điều này cho thấy một sự mất cân bằng trong đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp Việt Nam, khi mà vay ngân hàng chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Theo ABM, các nước mới nổi Đông Á gồm 6 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines) và Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông chiếm 8,1% thị trường trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ đến cuối năm 2011. Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành bằng VNĐ lại chỉ chiếm  0,03% trên thị trường trái phiếu thế giới, tụt lại khá xa với nước trong khu vực, ví dụ như Malaysia (0,4%), Thái Lan (0,3%), Singapore (0,3%).

Nguồn: Vietstock

Ngoài ra, sự phát triển của thị trường trái phiếu còn được thể hiện qua cơ cấu của trái phiếu chính phủ với trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp càng chiếm tỷ trọng lớn thì càng cho thấy sự phát triển của nền tài chính. Theo báo cáo của ABM, cuối quý 4/2011, Việt Nam có đến 15 tỷ USD là trái phiếu chính phủ, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ là 2 tỷ USD. Với tỷ trọng khoảng 9%, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tỷ trọng thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Nguồn: Vietstock

Năm 2011, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu và trở thành nước có tốc độ tăng lớn nhất trong năm vừa qua. Các tổ chức như Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã tích cực phát hành. Ngoài ra, do gặp khó khăn về tài chính, nhiều doanh nghiệp như SCR, SHS, SJS…  cũng tham gia vào thị trường trái phiếu. Tuy vậy, quy mô phát hành còn nhỏ và chủ yếu mang tính bộc phát cục bộ nên chưa thể trở thành xu hướng cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Một số doanh nghiệp lớn do cần vốn để mở rộng phát triển thì buộc phải phát hành trên thị trường quốc tế như VIC, MSN, CTG…

Có thể thấy trên thực tế, doanh nghiệp không ngại huy động trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với thị trường trái phiếu trong nước còn chưa phát triển và thiếu cơ chế, hệ thống vận hành chuyên nghiệp nên không thể huy động vốn ngoài kênh cho vay từ ngân hàng.

Sau khi ban hành Nghị định 90/2011/NĐ- CP, cần phải ban hành những văn bản hướng dẫn các công ty đại chúng và công ty chứng khoán thực hiện. Bên cạnh đó, không thể tiếp tục chậm trễ trong việc cho ra đời đường cong lợi suất và thành lập các tổ chức xếp hạng tín dụng.

Nguồn Vietstock


Sự kiện