Thị trường trái phiếu chính phủ 2015 sẽ ra sao?
Thông thường, Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước của Quốc hội chỉ đưa ra nhiệm vụ thu, chi, không can thiệp quá sâu vào việc Bộ Tài chính sẽ làm gì để đạt các con số, mục tiêu đó.
Trong nghị quyết về việc này cho năm 2015, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu chi tiết: “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”.
Diễn biến mới
Giá trị lưu hành của trái phiếu chính phủ vẫn chiếm đại đa số trong tổng giá trị trái phiếu lưu hành tại Việt Nam với tỷ lệ 75,38% (tương đương 496.136 tỉ đồng).
Tiếp đó là trái phiếu chính phủ bảo lãnh với tỷ lệ 22,12% (tương đương 145.555 tỉ đồng) và trái phiếu chính quyền địa phương với 2,5% (tương đương 16.480 tỉ đồng).
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong cơ cấu của trái phiếu chính phủ hiện nay: 35,2% là trái phiếu 2 năm, 34,5% trái phiếu 3 năm, 21,8% trái phiếu 5 năm, 6,1% trái phiếu 10 năm và chỉ có 2,3% trái phiếu 15 năm.
Kỳ hạn còn lại trung bình (duration) của tổng danh mục trái phiếu chính phủ hiện nay ước khoảng 2,35 năm và mục tiêu của Chính phủ là nâng lên tới 3,5 năm.
Không thể phủ nhận việc nâng kỳ hạn trái phiếu chính phủ là cần thiết, đầu tiên là để giảm áp lực trả nợ.
Năm 2015 có tới 127.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ sẽ đáo hạn, gần gấp đôi lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2014 (72.000 tỉ đồng). Khối lượng trái phiếu đáo hạn các năm sau 2015 cũng không ít hơn khi nhìn vào khối lượng trái phiếu chủ yếu là 1-3 năm mà Chính phủ đã ồ ạt bán ra trong hai năm qua.
Nhưng muốn đảo kỳ hạn trái phiếu cũng phải chờ thời. Các năm trước Chính phủ có muốn chuyển đổi cơ cấu kỳ hạn trái phiếu cũng không được vì điều kiện thị trường chưa chín. Năm nay, tiền tràn trề trong ngân hàng nên HNX mới bán được nhiều trái phiếu 5-10 năm.
Thông qua việc giao nhiệm vụ chỉ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, có thể thấy Quốc hội cho rằng thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục ổn định trong năm sau. Có ổn định, dư nguồn thì mới có thể huy động kỳ hạn dài.
Thị trường sẽ phản ứng ra sao?
Thị trường trái phiếu có chấp nhận “đề bài” này của Quốc hội hay không? Khảo sát qua một số thành viên thị trường trái phiếu chúng tôi thấy họ tuy “thở dài” vì tình hình kiếm ăn trở nên “khó quá” song vẫn thừa nhận sẽ phải chấp nhận tình thế, dù ít dù nhiều.
Một số ngân hàng cho rằng đừng quá bi quan bởi chỉ đến khi nào nền kinh tế hết rủi ro, sức khỏe của doanh nghiệp và sức mua hồi phục thực sự thì trái phiếu mới không phát hành được.
Trong các phiên đấu thầu gần nhất, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn năm năm vẫn trên xu thế tăng. Việc Chính phủ tập trung phát hành trái phiếu với các kỳ hạn dài sẽ khiến nhà đầu tư kỳ vọng rằng mức lợi suất của các kỳ hạn dài sẽ tăng, đặc biệt là do nhu cầu giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và lượng trái phiếu sắp đáo hạn trong năm 2015.
“85-90% tổng danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ trong ngân hàng là kỳ hạn ngắn, kỳ hạn dài chỉ 5-15% nên room đối với kỳ hạn dài vẫn còn. Các ngân hàng có ít nguồn tiền huy động kỳ hạn dài để mua trái phiếu kỳ hạn dài, song vì tiền thừa nên nhiều ngân hàng sẽ chọn cách mua thêm trái phiếu năm năm. Đó là điểm lợi cho Chính phủ để có thể phát hành thêm trái phiếu năm năm”, phó Tổng Giám đốc một ngân hàng nói.
Một điểm lợi nữa là lãi suất không có cơ sở và dấu hiệu để tăng, đây là yếu tố kích thích thị trường, để các thành viên chủ yếu là ngân hàng mua thêm trái phiếu.
Ngoài ra, các ngân hàng đã được chuẩn bị tâm lý làm quen với một thị trường thay đổi.
Tháng 11 này là tháng thứ ba liên tiếp Kho bạc Nhà nước chỉ huy động các trái phiếu trung và dài hạn (5, 10, 15 năm) mà không huy động trái phiếu kì hạn ngắn (2, 3 năm hay tín phiếu) như các tháng đầu năm và giữa năm.
Tuy khối lượng trúng thầu bình quân đạt trên dưới 50%, đã giảm mạnh so với trước đó khi HNX bán thêm trái phiếu kỳ hạn ngắn song vẫn là một tỷ lệ chấp nhận được với người đi vay tiền.
Cái khó của bài toán mà Quốc hội đưa ra là phải “giảm mức vay đảo nợ”.
Tiến trình giảm mức vay đảo nợ bắt đầu bằng việc chỉ bán trái phiếu năm năm, nhưng không thể làm ngay từ năm 2015 khi mà lượng trái phiếu đáo hạn của năm 2015 gấp đôi năm 2014 và chuyện vay đảo nợ là chuyện giải quyết hậu quả của trái phiếu ngắn và trung hạn các năm qua đã phát hành và đã tiêu, tức là chuyện đã rồi, đâu có “khôi phục” lại được.
Kịch bản xấu vẫn có thể xảy ra là Bộ Tài chính không huy động được đủ số vốn trái phiếu chính phủ dự kiến trong năm tới. Nếu thu ngân sách tốt, thì áp lực huy động trái phiếu sẽ giảm. Nếu điều này không xảy ra (nhiều dự báo cho rằng rất khó xảy ra) thì Bộ Tài chính phải tự giải bài toán bằng cách xoay qua các nguồn thu khác.
Đó là tận thu hơn các nguồn thu từ doanh nghiệp, phí và thuế, tìm cách cải thiện nguồn vay vốn nước ngoài bằng ODA, vay các quỹ nhà nước... “Tất cả đều đang phải tính toán, đến giờ phút này tôi chưa thể nói có kênh nào khả thi”, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết.
Nguồn TBKTSG