Thị trường tôm thế giới: Nguồn cung đang lệch cầu
Khối lượng tôm đang tăng mạnh
Theo các nhà quan sát, sản lượng tôm thế giới tiếp tục tăng và khối lượng tôm từ Ecuador, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ sẽ tăng trong những tháng tới.
Jim Gulkin, Giám đốc điều hành của Siam Canada cho rằng vấn đề mà các nước sản xuất này có thể phải đối mặt đó là khả năng nguồn cung dư thừa trên thị trường, chứ không phải vấn đề dịch bệnh.
Sản lượng ở Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ có xu hướng tăng từ tháng 4 trở đi, do đó, ông cho rằng nếu nhu cầu không tăng mạnh thì thị trường sẽ vẫn tương đối ổn định trong 6 tháng tới”.
Một nhà nhập khẩu tôm lớn của Mỹ cho rằng triển vọng sản lượng từ các nước sản xuất chính có vẻ tốt và hầu như không có báo cáo về tình trạng dịch bệnh nhưng giá thấp sẽ làm cho người nuôi ít quan tâm đến việc thả nuôi mới.
Biểu đồ GOAL cho sản xuất tôm cho thấy ước tính khoảng 4 triệu tấn cho năm 2016, tăng lên 4,3 triệu tấn vào năm 2017, tăng lên 4,5 triệu tấn vào năm 2018. Đây là mức kỷ lục. Nguồn: undercurrentnews |
Để thích ứng với thị trường, nhiều khả năng nông dân sẽ áp dụng các chiến lược như mật độ thả nuôi thấp, ít rủi ro hơn và giãn cách giữa các vụ.
Tuy nhiên, nguồn cung cũng có thể biến động trước các vấn đề thời tiết liên quan như gió mùa và lũ lụt. Sản lượng tôm ở các nước như Trung Quốc và Thái Lan tiếp tục có ít ảnh hưởng hơn đối với nguồn cung thế giới.
Ông Jiro Takeuchi, Giám đốc nhập khẩu của EU Bonmea Finest Foods cho biết, về mặt sản lượng, Trung Quốc và Thái Lan “không có ảnh hưởng nhiều” đối với thị trường EU hiện nay nhưng ông có thông tin rằng sản lượng sẽ cải thiện chút ít.
Cả hai quốc gia này đều có một số điểm chung như dân số đủ lớn để tiêu thụ hết sản lượng tôm do họ sản xuất và có tầng lớp trung lưu phát triển có thể sẵn sàng chi tiêu. Gulkin khẳng định sản lượng tôm của Trung Quốc sẽ tăng lên một mức độ nhất định, nhưng tiêu thụ vẫn tiếp tục vượt qua nguồn cung trong nước và NK tôm của nước này sẽ tiếp tục tăng.
Tương tự, Thái Lan dự kiến sẽ cải thiện sản lượng trong năm nay nhưng Gulkin cho biết “có sự thiếu liên kết giữa nông dân và các nhà chế biến ở Thái Lan”. Trong khi các nhà chế biến cần thêm tôm, nhưng nông dân không muốn tăng sản lượng vì họ muốn duy trì giá cao.
Các nhà chế biến Thái Lan muốn nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và các nguồn khác để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung ở Thái Lan nhưng người nuôi ở đây lại tìm cách ngăn chặn điều này bằng cách vận động chính phủ hay đe doạ biểu tình. Và những chiến thuật này đã chứng minh mang lại thành công cho người nuôi tôm Thái Lan trước đây.
Theo dự báo, Ecuador sẽ tiếp tục tăng sản lượng tôm và thu được gần 400.000 tấn vào năm 2018. |
Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn với dịch bệnh dẫn đến sản lượng thấp ở nhiều khu vực và Thái Lan tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề phát sinh sau dịch bệnh tôm chết sớm (EMS).
Ấn Độ tiếp tục tăng sản lượng tôm
Trong số tất cả các nước sản xuất tôm, ngành tôm Ấn Độ hiện đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, năm 2017 nước này gặp phải khó khăn khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo có thể cấm nhập khẩu từ nước này do sử dụng kháng sinh.
Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến một số khách hàng EU chuyển sang mua tôm Việt Nam. Tuy nhiên có vẻ như lệnh cấm sẽ không được thực hiện. Takeuchi cho biết sự chuyển đổi từ Ấn Độ sang Việt Nam chủ yếu liên quan đến phân khúc hàng hóa của thị trường.
Bên cạnh đó, Takeuchi cho biết ngày càng có nhiều nhà bán lẻ ở châu Âu có yêu cầu đối với các sản phẩm được ASC chứng nhận, có lẽ đó là lý do tại sao Việt Nam là nhà cung cấp ngày càng quan trọng. Một nhà nhập khẩu tôm ở Mỹ cho biết, nhà nhập khẩu Mỹ vẫn đang cần mua tôm Ấn Độ.
Chủ doanh nghiệp này chia sẻ: Tôi thấy ngày càng có nhiều người chấp nhận và đánh giá tốt về tôm Ấn Độ. Số lượng nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ tăng cho thấy “niềm tin” của người mua Mỹ đối với tôm Ấn Độ.
Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy sản lượng tôm 566.000 tấn vào năm 2016/2017, 697.000 tấn vào năm 2017/2018 và dự báo 757.000 tấn vào năm 2018/2019. |
Một người mua Mỹ cho biết, Ấn Độ sẽ tiếp tục thống trị thị trường tôm bỏ vỏ, trong khi Ecuador và Indonesia và các nhà sản xuất lớn khác sẽ tập trung vào các loại tôm bỏ đầu hoặc lột vỏ dễ dàng.
Ông cho biết, Việt Nam có thể là nhà cung cấp tôm lột vỏ khác nhưng Việt Nam đang tập trung vào các thị trường khác nhiều hơn Mỹ.
Các trang trại mới và các nhà máy chế biến hiện đại sẽ giúp Ấn Độ sản xuất nhiều mặt hàng giá trị gia tăng như tôm xiên, tôm tẩm ướp... xuất khẩu tôm chín từ Ấn Độ cũng sẽ tăng trong vài năm tới. Đối với châu Âu, ông Takeuchi dự đoán giá tôm vẫn tăng nhẹ kết hợp với nhu cầu ổn định trong những tháng tới.
Nguồn Siamcanadian