Thứ Bảy | 06/04/2013 14:12

Thị trường tôm Mỹ: hấp dẫn và khắc nghiệt

Thị trường mang lại lợi nhuận thuộc loại lớn nhất với doanh nghiệp tôm Việt Nam này cạnh tranh khốc liệt và đầy rẫy rào cản.
Sức hấp dẫn từ thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới

Không có gì phải nghi ngờ khi nói rằng Mỹ là thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà xuất khẩu tôm trên toàn thế giới. Kinh tế phát triển, dân số đông và thị hiếu ưa chuộng tôm là những yếu tố then chốt khiến Mỹ trở thành thị trường mà hầu hết các nhà xuất khẩu muốn đặt chân tới.

Trong số 10 loại thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2011 (số mới nhất), theo khảo sát của Cục nghề cá Mỹ, tôm xếp vị trí số 1, với lượng tiêu thụ bình quân lên tới 4,2 pound/người/năm (khoảng 1,8kg), chiếm 28% trong tổng số 15 pound thủy sản tiêu thụ bình quân mỗi năm của một người Mỹ. Con số này cũng bỏ xa mức 2,6 pound của sản phẩm đứng thứ 2 là cá ngừ đóng hộp. Đáng chú ý là xu hướng này không hề thay đổi trong 10 năm, từ 2002 đến 2011, dù lượng thủy sản tiêu thụ trung bình của 1 người Mỹ đang giảm dần.

Tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tại Mỹ từ 2003-2011Đơn vị tính: Pound/người/năm
Nguồn: Cục Nghề cá Mỹ
Nguồn: Cục Nghề cá Mỹ

Còn nếu nhìn vào biểu đồ bên dưới, có thể thấy lượng nhập khẩu tôm của Mỹ đã không ngừng tăng lên trong giai đoạn từ 2002-2006. Năm 2006 cũng là năm tỷ lệ tiêu thụ tôm bình quân ở Mỹ đạt mức cao nhất 4,4 pound/người/năm. Từ 2007 đến nay, lượng tôm nhập khẩu của Mỹ tương đối bình ổn và có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2012.


Nguồn: Cục nghề cá Mỹ

Như vậy, mặc dù là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhưng cầu tôm của Mỹ đang có xu hướng chậm lại và khả năng tăng nhập khẩu là không còn nhiều. Tuy nhiên, với sức hấp dẫn của thị trường có giá trị nhập khẩu hàng tỷ USD tôm mỗi năm, đây vẫn là miếng bánh mầu mỡ mà các nhà xuất khẩu tìm cách chiếm lĩnh.

Cuộc chiến giành thị phần

Năm 2012, các sản phẩm tôm nhập khẩu vào Mỹ đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, dù hơn 90% đến từ các nước châu Á và châu Mỹ La tinh. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức trên 70 nước xuất khẩu vào Mỹ năm 2002. Điều này cho thấy sự khốc liệt trong thị trường cung cấp tôm Mỹ.

Trong top 10 quốc gia xuất khẩu tôm vào Mỹ năm 2012, ngoại trừ các quốc gia vẫn chiếm thị phần vững chắc tại Mỹ như Thái Lan (chiếm 25,5% thị phần), Ecuador (15,2%), Indonesia (13,9%), Ấn Độ (12,3%), Việt Nam (7,7%), một số cái tên vốn quen thuộc trên thị trường Mỹ năm 2002 đã biến mất như Venezuela, Brazil. Riêng 5 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất vào Mỹ là Việt Nam, Ecuador, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ đã chiếm 74,5% tổng lượng xuất khẩu tôm vào Mỹ.

Về vị trí, ngoại trừ Thái Lan vẫn duy trì vị trí số 1 với 136 triệu tấn, các vị trí còn lại đều có sự thay đổi. Năm 2012, Ecuador đã vươn lên thành nước xuất khẩu tôm lớn thứ 2 vào Mỹ từ vị trí thứ 5 năm 2002. Trung Quốc và Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 6 và 5 tương ứng thay vì 2 và 3 năm 2002.

Sự xuất hiện của tôm ngoại nhập khẩu giá rẻ đã khiến ngành công nghiệp tôm của Mỹ chịu tổn thất nặng nề do không cạnh tranh nổi. Tôm nuôi tại Mỹ có kích cỡ lớn nhất là 21/25 do nước quá mặn. Giá bán lẻ tôm nuôi của Mỹ dao động trong khoảng 10USD/pound, cao hơn nhiều so với mức giá 6USD/1,5 pound tôm nhập khẩu.

Đây là nguyên nhân khiến các nước xuất khẩu tôm vào Mỹ chịu nhiều áp lực kiện cáo từ ngành công nghiệp nuôi tôm nội địa Mỹ. Vụ kiện gần đây nhất là kiện chống trợ cấp do Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 nước gồm Trung Quốc, Ấn độ, Ecuador, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Nguồn Seafoodbusiness/Dân Việt


Sự kiện