Thị trường phân bón: “giảm nhiệt” trên toàn thế giới
Ông Nguyễn Hạc Thúy- Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam phân tích: nguồn cung phân bón thế giới đang tăng mạnh trên toàn thế giới là nguyên nhân khiến giá phân bón tiếp tục giảm. Hiện Mỹ vừa xây dựng nhà máy urê mới tại Dakota và mở rộng nhà máy sản xuất urê Solagan. Theo đó, tổng công suất 2 nhà máy nói trên đã được nâng lên 1,6 triệu tấn/năm. Nhiều nhà máy urê ở Bắc Phi và Trung Đông đã thay thế một loạt công nghệ mới và mở rộng công suất thêm 1,5 - 2 triệu tấn. Năng lực sản xuất kali trên toàn thế giới cũng đang tăng mạnh, nhất là tại các nước như Canada, Nga, Belarus, Trung Quốc, Argentina, Jordan, Lào … Theo ước tính của Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), đến 2014-2015, lượng kali tồn kho trên toàn cầu sẽ vào khoảng 15-18 triệu tấn. Các công ty lớn của SaudiArabia và Mỹ đã ký hợp đồng xây dựng khu liên hợp phân lân lớn nhất thế giới với công suất giai đoạn 1 là 3,8-4 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, nhờ áp dụng công nghệ mới, giá thành nhiều loại phân bón trên thế giới sẽ giảm xuống. Chẳng hạn, giá urê ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ rẻ hơn từ 70 - 120 USD/tấn so với urê sản xuất bằng công nghệ cũ. Nhờ đó, giá thành sản phẩm các loại phân bón này sẽ giảm, kéo theo các loại phân bón khác giảm giá thành. Mặt khác, do các loại phân bón vô cơ phát triển mạnh và thay đổi cơ cấu phát triển các chủng loại phân bón hữu cơ, NPK chất lượng cao và nhiều chế phẩm khác …, nên giá thành phân bón các loại hầu hết đều dừng lại, không tăng nữa. Do đó, giá phân bón thế giới có xu hướng sẽ giảm dần đến năm 2014 - 2015.
Do giá thế giới đang có xu hướng giảm, nên giá phân bón nhập khẩu về Việt Nam đang giảm khá nhiều. Ông Lê Quốc Phong- Tổng giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền, vừa cho biết: giá phân DAP nhập khẩu khi về tới nước ta, trước đây là 13.000 đ/kg, nay giảm còn 10.000 đ/kg, urê nhập khẩu từ 10.000 đ/kg còn 7.000 - 8.000 đ/kg, kali từ 11.000 đ/kg còn 9.000 đ/kg.
Nên hạn chế nhập ure
Theo Bộ Công Thương, 8 tháng đầu năm nay, nước ta đã nhập khẩu 2,9 triệu tấn phân bón các loại, tổng giá trị 1,1 tỷ USD. So với cùng kỳ 2012, lượng phân bón nhập khẩu tăng tới 25,39% về lượng và 11,19% về giá trị. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, việc nhập những loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hay sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu như SA, Kali, DAP là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta vẫn nhập một số loại phân bón trong nước đã dư thừa như urê (nhập khoảng 423 ngàn tấn) và NPK (362,8 ngàn tấn).
Trả lời về việc nhập một lượng lớn urê trong 8 tháng đầu năm liệu có ảnh hưởng tới DN hay không, đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết: hiện đạm Phú Mỹ vẫn tiêu thụ tốt, sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó do có chất lượng tốt, ổn định, có hệ thống phân phối hợp lý, trải đều trên các vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng trên cả nước. Ngoài việc sản xuất ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, Đạm Phú Mỹ rất chú trọng các hoạt động hỗ trợ bán hàng, hội thảo kỹ thuật, tập huấn kiến thức nông nghiệp cho bà con nông dân. Về chính sách giá cả, đạm Phú Mỹ bán theo giá thị trường nên khi giá thế giới giảm thì Đạm Phú Mỹ cũng giảm giá phù hợp với xu hướng giá chung của thị trường.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng cho biết: để hạn chế tình trạng nhập khẩu lượng urê quá lớn trong khi các DN sản xuất trong nước đã dư thừa, này, Nhà nước cần siết chặt nhập khẩu phân bón qua đường tiểu ngạch vì hoạt động này vừa làm thất thu thuế vừa không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần sớm đưa ra những quy định hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể là sớm đưa thuế giá trị gia tăng đối với phân bón về mức 0%, đây cũng là sự hỗ trợ cho các DN sản xuất phân bón trong nước, giống như hầu hết các nước khác. Nhà nước cũng nên khuyến khích các DN chủ động xây dựng hệ thống phân phối phân bón hợp lý để kiểm soát và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cung cấp tới người tiêu dùng cuối cùng.
Nguồn Cơ hội giao thương