Nước mắm công nghiệp đang chiếm 70% thị trường nước mắm trong nước. Nguồn ảnh: Tép bạc
Thị trường nước mắm nằm trong tay ai?
Hiện nay, các doanh nghiệp nuớc mắm truyền thống đang phải chật vật để khẳng định thương hiệu thì các doanh nghiệp nước chấm công nghiệp lại đang thu bạc tỉ. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor ước tính thị trường nước mắm Việt Nam ước tính trị giá 4,5 tỉ USD và có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7% trong giai đoạn 2016-2021.
Thị phần nghiêng về nước mắm công nghiệp
Năm 2002 có lẽ là thời điểm bắt đầu cho một cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực nước mắm, cũng từ đây nước mắm bắt đầu có khái niệm truyền thống và công nghiệp.
Thị trường nước mắm công nghiệp bắt đầu với thương hiệu Đông Dương của Unilever và Nam Ngư của Masan. Nam Ngư ra đời sau nhưng với chiến lược quảng cáo rầm rộ và đánh trúng tâm lý tiêu dùng bằng giá rẻ đã nhanh chóng chinh phục thị trường. Masan đang đứng đầu bảng xếp hạng nước nắm với 63% thị phần. Các dòng nước chấm của Masan vẫn hút người tiêu dùng vì yếu tố giá thành rẻ và vị dễ ăn.
Năm 2018, doanh thu từ nhóm hàng gia vị đạt 6.958 tỉ đồng, tăng 35% (chủ yếu đến từ các sản phẩm nước mắm Nam Ngư, nước tương Chin Su) với sản lượng tiêu thụ tăng 30% và giá bán tăng 3,8%.
Sự hấp dẫn của thị trường nước mắm công nghiệp đã cuốn hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Trong đó phải kể đến Acecook, Ngọc Nghĩa, Micoem gần đây nhất là Nestle’ Việt Nam, nhưng ngoại trừ Nestle’ còn quá mới, thì hầu hết đều không thành công vì sự chiếm lĩnh của dòng Nam Ngư và Chinsu quá lớn.
Năm 2009, Công ty Ngọc Nghĩa, một doanh nghiệp giàu lên nhờ sản xuất bao bì cho các hãng lớn trên thị trường… cũng quyết định đầu tư vào ngành hàng nước mắm. Với việc góp vốn vào Công ty Thực phẩm Hồng Phú, Ngọc Nghĩa tung ra 2 thương hiệu nước mắm Kabin và Thái Long. Nhưng Ngọc Nghĩa thua lỗ liên tục và gần như dòng sản phẩm này vắng bóng trên thị trường. Ngọc Nghĩa đành chấp nhận bán tháo Công ty Hồng Phú với giá 810 triệu đồng vào quý I/2018. Acecook cũng phải thoái vốn khỏi Đệ Nhất sau một thời gian dài thua lỗ.
Xác định thị trường nước mắm tăng trưởng mạnh, vào khoảng 8.000 tỉ đồng, Nestle’ Việt Nam đang kỳ vọng vào dòng nước mắm Maggi mới ra sẽ chiếm được thị trường. Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 250 triệu lít nước mắm. Lượng nước mắm truyền thống chỉ chiếm khoảng 60 triệu lít, còn nước chấm công nghiệp chiếm trên dưới 190 triệu lít, tương đương 70% thị phần nội địa.
Cạnh tranh hay bắt tay?
Sau nhiều năm chiến đấu, những doanh nghiệp nước mắm truyền thống vẫn còn nhiều lao đao. Liên Thành là một ví dụ cụ thể. Mặc dù đã hơn 100 năm hoạt động và từng chiếm lĩnh thị trường nước mắm truyền thống, nhưng doanh thu Liên Thành tụt dốc không phanh và bắt đầu hạ dần độ đạm để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay Liên Thành vẫn không thể quay trở lại thời vàng son.
Trước sự đầu tư mạnh mẽ của các đại gia trong ngành, gần đây, nhiều đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống đã có những chuẩn bị, tính toán bài bản hơn, cải tiến về mẫu mã, khẩu vị và tìm kiếm, mở rộng thị trường. Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang với sản phẩm nước mắm truyền thống đã bán 20% vốn cho Công ty PAN Food. Đây là một trong những động thái cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đã tìm đường để tiếp tục phát triển trước sự cạnh tranh khốc liệt.
"Các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống đã tìm cách đưa sản phẩm vào những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Với khả năng tài chính có hạn, không theo đuổi được phương thức quảng bá tốn kém thì họ chọn mạng xã hội, diễn đàn để tiếp thị với chi phí rẻ nhất", bà Nguyễn Thị Tịnh, Cựu Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc nhận định.
Công ty nước mắm Thanh Quốc của bà Tịnh cũng phải tìm hướng đi riêng để tiếp tục duy trì nước mắm Phú Quốc truyền thống truyền lại từ gia đình.
Ngành công nghiệp nước mắm vô cùng hấp dẫn và đã chứng kiến nhiều “người đến, kẻ đi” trong hơn 1 thập kỷ vừa qua. Nhưng nhờ chiến lược quảng cáo, tận dụng thị hiếu người tiêu dùng và tranh thủ được thời điểm “nóng” để trụ vững trên thị trường với 2 nhãn hiệu chính là Chinsu và Nam Ngư. Theo Công ty chứng khoán ACB, doanh thu từ mảng nước mắm của Masan mỗi năm xấp xỉ 4.000 -5.000 tỉ đồng.