Thị trường nói gì về năm 2016?
Với việc Fed và ngân hàng trung ương các nước khác vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng, một câu hỏi lớn là nền kinh tế nào sẽ tăng trưởng đủ nhanh để hấp thụ việc nâng lãi suất. Tính đến tận hôm 30/12, giới đầu tư vẫn đang đổ tiền vào tài sản Mỹ khi dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 1,24% vào tháng 12/2016.
Tuy vậy, thị trường phái sinh tín dụng - cung cấp bảo hiểm phá sản - đang tỏ ra lo ngại về tình hình tài chính của các công ty Mỹ. Tính đến 30/12/2015, chi phí bảo hiểm thời hạn 5 năm về khoản nợ 10 triệu USD do các công ty Mỹ phát hành là 89.000 USD, tăng hơn 22.000 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Và tăng mạnh hơn so với châu Âu, Nhật Bản và các nước châu Á.
Vậy, kinh tế Mỹ sẽ mạnh hơn hay bất ổn hơn? Một khả năng là các thị trường thực sự không coi việc tăng lãi suất là sự phản ánh sức mạnh nền kinh tế: Có lẽ giới đầu tư và thương nhân nghĩ rằng Fed sẽ đi quá xa, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và gây ra làn sóng phá sản. Một giải thích lạc quan hơn là lãi suất cao hơn sẽ chỉ tác động đến một số ít các công ty - chẳng hạn những công ty bị ảnh hưởng tiêu cực do dầu mất giá và những công ty vay mượn quá nhiều để mua lại cổ phiếu của mình - và không ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.
Dù cách nào đi chăng nữa, những tín hiệu trái chiều này đều cho thấy sự phức tạp trong nhiệm vụ mà Fed đang phải đối mặt. Sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ có vai trò vô cùng quan trọng đối với cả thế giới, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm chạp. Nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại và có thể bị tổn thương khi Fed nâng lãi suất. Điều này có nghĩa rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải hành động thận trọng và sẵn sàng thay đổi lộ trình nếu năm 2016 không diễn ra đúng như kịch bản đã định.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg