Nhằm giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro do đại dịch, nhiều biện pháp đã được các tỉnh thành áp dụng nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Qúy Hòa

 
Sơn Mai Thứ Ba | 29/09/2020 16:48

Thị trường nội địa vẫn là nơi "trú ẩn" của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp Việt đã “trụ vững” qua đại dịch nhờ nhanh nhạy đẩy mạnh đầu tư và mở rộng sản phẩm ngay tại thị trường nội địa.

Doanh nghiệp “nhanh nhẹn” đưa về nội địa

Sài Gòn Food vốn là doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm chế biến sẵn và đã có mặt tại các hệ thống siêu thị từ vài năm nay. Từ thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp này đã tăng trưởng mạnh.

Hiện Công ty Cổ phần Sài Gòn Food vẫn duy trì công suất sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến như hải sản, hải sản đông lạnh, cháo tươi…đạt 30 tấn/ngày. Mỗi năm, Sài Gòn Food cung ứng ra thị trường hơn 20.000 tấn thành phẩm. Năm 2019, Sài Gòn Food đạt tổng doanh thu 2.400 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh: SaigonFood
6 tháng đầu năm 2020 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: SaigonFood

Công ty Cổ phần Phúc Sinh chuyên xuất khẩu các sản phẩm nông sản ra thế giới cũng nhờ thị trường nội địa mà có cơ hội phát triển trong thời dịch. Theo đại diện doanh nghiệp, khi dịch xảy ra rất nhiều khách hàng muốn dừng, hoãn hoặc hủy đơn hàng mua cà phê, tiêu của Công ty. Ngay sau đó, Phúc Sinh đã cơ cấu lại hoạt động, xác định việc phải chuyển hướng kinh doanh trên nền tảng số hóa để tiếp thị sản phẩm và tăng bán hàng tại nội địa.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, chia sẻ, nhờ kịp thời tái định vị hoạt động kinh doanh, tình hình xuất khẩu cũng như nội địa của công ty vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, kênh bán nội địa tăng trưởng 100% (qua online, cửa hàng và siêu thị) với doanh thu đạt 2-4 tỉ đồng/tháng.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm thiết yếu, nông sản mở rộng về sân nhà. Ảnh: Qúy Hòa
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm thiết yếu, nông sản mở rộng về sân nhà. Ảnh: Qúy Hòa

Trong khi đó, Công ty Vina T&T Group, bất chấp dịch diễn ra, công ty này vẫn mở thêm cửa hàng kinh doanh trái cây thứ 2 tại TP.HCM để bán cho người tiêu dùng nội địa. doanh nghiệp này còn bán sản phẩm trên trang bán hàng online, các nền tảng thương mại điện tử và cũng thu được những thành quả khả quan. Dự kiến, trong thời gian tới, Vina T&T Group sẽ mở thêm một số cửa hàng để khai thác thị trường nội địa tốt hơn.

Bên cạnh việc nắm bắt xu hướng thay đổi của thị trường xuất khẩu lớn để điều chỉnh, thích ứng cho phù hợp, Công ty quay trở lại tập trung khai thác tốt thị trường nội địa, sản xuất những mặt hàng “lấp chỗ trống” cho những sản phẩm trước đó vẫn nhập khẩu, đặc biệt là những mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, đây là cách mà Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hoàng Phát (xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội) - Công ty chuyên sản xuất đồ gỗ, đã triển khai.

Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, Phó Giám đốc Công ty, khi gặp khó về đơn hàng do ảnh hưởng của COVID-19, Công ty đã chuyển hướng nghiên cứu sản xuất các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… Những mặt hàng này, trước đây Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ảnh: TNG
Công ty TNG đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội vào thị trường trong nước, với kết quả kinh doanh rất “sáng sủa”. Ảnh: TNG

Tưởng rằng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 nhưng Công ty TNG đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội vào thị trường trong nước, với kết quả kinh doanh rất “sáng sủa”. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận doanh thu tiêu thụ đạt 1.995 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 7% so với cùng kỳ, song đây vẫn là một kết quả khả quan cho một Công ty dệt may. Đặc biệt, trong tháng 6, TNG ghi nhận tổng doanh thu đạt 548 tỉ đồng tăng 6% so cùng kỳ năm 2019, riêng thị trường nội địa của Công ty này đã đạt 167 tỉ đồng, tăng 55% so cùng kỳ.

Sân nhà vẫn luôn là “cứu cánh”

Thực tế, nhằm giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro do đại dịch, nhiều biện pháp đã được các tỉnh thành áp dụng nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tại Hà Nội đã triển khai các giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp cùng chung tay vượt qua các khó khăn, đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển thông qua việc ký kết tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối, đẩy mạnh liên kết vùng...

Không chỉ các cơ quan chức năng mà nhiều đối tác, doanh nghiệp phân phối cũng vào cuộc. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phân phối sẵn sàng cung cấp điểm bày bán miễn phí, hỗ trợ thêm các chương trình khuyến mãi cho doanh nghiệp... Điều quan trọng, theo các chuyên gia là nhà cung cấp phải cam kết sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng theo đúng quy định, bảo đảm các quy trình cũng như phải có tem nhãn phù hợp.

Ảnh: Phuc Sinh
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, thị trường trong nước đã trở thành một động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Ảnh: Phuc Sinh

Với gần 100 triệu dân, Việt Nam hoàn toàn không phải thị trường nhỏ, thậm chí, kinh doanh tại đây, doanh nghiệp trong nước có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, tận dụng “sân nhà” vững chắc là một cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, làm “bàn đạp” để vươn ra thị trường quốc tế ngay khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Cũng liên quan đến chính sách, Chính phủ cũng mới áp dụng nhiều chính sách giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm bớt khó khăn với chính sách giãn thuế và giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp dóng trong năm 2020.  

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, thị trường trong nước đã trở thành một động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng cao, khoảng 9,2%, từ 3.546.000 tỉ đồng năm 2016 lên 4.940.000 tỉ đồng vào năm 2019 và tăng trưởng khá đồng đều giữa các vùng kinh tế (từ 10%-12%).

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước tăng từ 38 triệu đồng vào năm 2016 lên 51,2 triệu đồng/người năm 2019. Qua đó cho thấy, thị trường trong nước giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. 

Chính vì thế, trong đợt dịch lần này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra phương châm là phải chắc chân thị trường nội địa, để từ đó tạo cơ sở mở rộng thị trường xuất khẩu sau dịch. Các doanh nghiệp cũng khẳng định, sau dịch sẽ tiếp tục có những kế hoạch cụ thể, bài bản hơn để hàng Việt vững chân ở nội địa và cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

► Doanh nghiệp chính thức được giảm 30% thuế thu nhập