Ảnh: Thanh Hòa.

 
Cẩm Tú Thứ Hai | 27/06/2022 14:28

Thị trường ngách đầy tiềm năng từ mật hoa quả

Có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khả quan ở cả trong nước lẫn quốc tế, mật hoa quả đang mang lại giá trị cộng thêm hấp dẫn cho nhiều trang trại.

Ra đời chưa bao lâu, mật hoa dừa đã vượt 300 chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm, hơn 100 lần chỉnh sửa nhãn bao bì sản phẩm để vào được thị trường Nhật. Nhiều người Nhật vốn ưa chuộng mật thực vật thay cho mật ong, và mật hoa dừa đã cho họ thêm lựa chọn bên cạnh mật lá phong nhập từ Canada.

Mật hoa dừa ở miền Tây Nam Bộ từng được dùng làm đường tự nhiên giống như đường thốt nốt, mật mía... nhưng do không tìm được thị trường nên đã bị lãng quên trong thời gian dài. Chỉ từ hơn 2 năm nay, loại thực phẩm này mới được hồi sinh nhờ nữ thạc sĩ người Khmer Thạch Thị Chal Thy cùng chồng rời TP.HCM, về lại Trà Vinh mở ra nông trại Sokfarm. Hiện nay, Sokfarm là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất mật hoa dừa và các sản phẩm từ loại cây này, tạo được công ăn việc làm cho 25 công nhân toàn thời gian với mức lương tháng từ 6-9 triệu đồng/người.

 

Nông trại của Chal Thy cũng hợp tác mua mật với nhiều nông dân, với tổng diện tích khoảng 25 ha dừa tại địa phương, giúp họ có mức thu nhập tăng từ 3-5 lần so với bán trái. Khoảng 90% lao động đang làm và hợp tác với Sokfarm là người Khmer. Năm 2021, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN Business Awards ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển bao trùm).

Mới đây, mật hoa dừa đã lên sàn Rakuten, một trong hai sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Nhật, bên cạnh Amazon. Sokfarm cũng đã gửi mẫu hàng mật hoa dừa tới nhiều quốc gia khác và hy vọng những thị trường ấy sẽ sớm mở rộng cửa với mật hoa dừa Việt Nam.

Chị Chal Thi cho biết nhiều doanh nhân từ Đài Loan, Anh quốc, Malaysia… đã đến đặt vấn đề hợp tác nhưng hiện nay Sokfarm chưa thể đáp ứng hàng cho họ vì còn đang hoàn thiện các chứng chỉ xuất khẩu sản phẩm. Một khó khăn nữa là vốn để mở rộng vùng nguyên liệu và nâng công suất nhà máy.

Để khắc phục khó khăn về vùng nguyên liệu, vợ chồng nữ thạc sĩ đã vận động những người nông dân và cả người lao động trong doanh nghiệp có vườn dừa hợp tác khai thác mật dừa. Chị Chal Thi cho biết: “Phải kiên nhẫn thuyết phục bà con bằng chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế đem lại cho cây dừa vườn nhà. Ví dụ như anh công nhân của tôi, có 9 cây dừa mà anh thu được 2,5 triệu/tháng, bằng một công dừa 250 cây dừa chỉ khai thác trái.”

Cũng tương tự câu chuyện của Sokfarm Trà Vinh, được truyền lại công thức làm nước chuối lên men từ một nhà máy sản xuất của người Nhật Bản, chủ nhân của An Hòa Farm huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã làm nên dòng mật chuối Tabai được thị trường đón nhận. Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, Nguyễn Thị Hương Thanh không ở lại thành phố mà về cùng với gia đình lập nên An Hòa Farm, nghiên cứu ra những sản phẩm chất lượng từ trái chuối. Trong các sản phẩm chuối sấy dẻo, nước chuối lên men, dấm chuối, mật chuối thì mật chuối đặc biệt gây chú ý trong cộng đồng người ăn chay.

Dù có được công thức của người Nhật, An Hòa Farm cũng mất 2 năm nghiên cứu mới sản xuất thành công mật chuối. Từ những buồng chuối hoàn toàn organic được mang từ rẫy về, trái chuối phải qua các công đoạn lựa chọn quả chín, tách vỏ, xay nhuyễn, ủ kín trong chum, chắt nước, nấu sôi trong nhiều giờ, rồi lại tiếp tục ủ... Hiện nay mất từ hơn 8 đến 10 tháng mật chuối thành phẩm mới có thể đến tay người dùng.

Lâu nay, chuối được đồng bào Raglai ở Khánh Sơn trồng khá nhiều. Mỗi buồng chuối được họ chặt từ rẫy và gùi đi bán cho thương lái thường rất vất vả, giá thấp. Trước điều đó, An Hòa Farm tìm cách nâng giá mua chuối cho người dân và chế biến chúng thành những sản phẩm có chất lượng. Trước dây, mỗi ngày nông trại này thu mua của dân địa phương khoảng 1 tấn chuối để chế biến. Từ khi đại dịch bùng phát, lượng chuối thu mua đã giảm một nửa. Tuy nhiên, tin vui là sản phẩm mật chuối đã giành được giải ba tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 7 với chủ đề Nông nghiệp phát triển bền vững, do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Vinamit đồng tổ chức.

Có thể bạn quan tâm: 

Start up Việt tìm cơ hội trong ngành mỹ phẩm