thuysanvietnam.com.vn
Thị trường Mỹ: Tôm tăng trưởng mạnh và cá tra vẫn khó
Số liệu Bộ Nông nghiệp và Nông thôn vừa công bố cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4/2019 ước đạt 694 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019, chiếm 53,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Dù vậy, Mỹ đã không có tên trong danh sách các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2019. Mehico, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất với 36,1%, kế đến là Philippin tăng 33,8%, Malaysia tăng 33,2 và Nhật Bản tăng 16,1%.
Không phá giá tôm
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cũng ghi nhận thị trường tôm trong tháng 4.2019 không có nhiều biến động. Tại Bạc Liêu, Giá tôm thẻ ướp đá ổn định so với tháng trước, cỡ 60 con/kg 108.000 đ/kg, cỡ 70 con/kg 98.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg 84.000-88.000 đ/kg.
Cạnh đó, giá tôm sú sống (oxy) cỡ 20-40 con/kg dao động ở mức 180.000-310.000 đồng/kg; tôm sú ướp đá nguyên liệu cỡ 30-40 con/kg tăng 15.000 đồng/kg lên mức tương ứng 160.000 đồng/kg và 140.000 đồng/kg, cỡ 20 con/kg ổn định ở mức 210.000 đồng/kg.
Như vậy, sự sụt giảm xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong các tháng đầu năm 2019 đã không diễn ra như dự báo. Hầu hết sản phẩm tôm của Việt Nam đã không vướng “rào cản” khó khăn từ Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) có hiệu lực từ ngày 1.1.2019.
Trong tháng 4.2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết luận sơ bộ về các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam được bán trên thị trường Mỹ bởi Công ty Sao Ta và Công ty Hải sản Nha Trang không bị bán phá giá trong giai đoạn từ 1.2.2017 tới 31.1.2018. Do đó, mức thuế sơ bộ đối với sản phẩm tôm trên của hai công ty sẽ là 0%.
Ngoài hai bị đơn bắt buộc này, 29 bị đơn còn lại đã nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên cũng được hưởng mức thuế 0% như trên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây mới chỉ là kết quả rà soát sơ bộ, theo thông lệ đến khoảng Quý III, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra kết quả cuối cùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, kết quả sơ bộ tích cực như trên, dự báo hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam nói chung và 31 công trên nói riêng vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, giúp tăng sức cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu tôm khác vào thị trương này như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc...
Tuy nhiên, ngoài 31 công ty trên, 67 công ty xuất khẩu tôm khác vào thị trường Mỹ của Việt Nam vẫn bị DOC cho rằng không đủ điều kiện để hướng thuế suất riêng, nên vẫn phải chịu thuế suất bán phá giá chung cho sản phẩm cùng loại từ Việt Nam là 25,76%.
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho thấy, năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 637,7 triệu USD nhưng phải đối mặt với thuế chống bán phá giá của thị trường này.
Thêm nữa, Việt Nam không thể tăng xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ do nguồn cung tăng mạnh từ các nước sản xuất tôm như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tăng, trong khi tôm tồn kho tại Mỹ cao.
Xác định Mỹ là thị trường tăng trưởng chủ chốt của sản phẩm tôm Việt Nam trong năm 2019, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp có kế hoạch tăng xuất khẩu các mặt hàng giá trị nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá cũng như sức ép giá thấp bởi nguồn cung từ Ấn Độ.
Giá cá tra nguyên liệu tăng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, giá cá tra nguyên liệu có nhiều khả năng còn tăng trong thời gian tới. Năm 2019, ngành cá tra đặt mục tiêu xuất khẩu đem về 2,4 tỷ USD.
Thực tế, sau khi giảm giá mạnh trong tháng trước, giá cá tra nguyên liệu tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua phục vụ chế biến khi đầu ra xuất khẩu cá tra tiếp tục khởi sắc.
Thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong tháng 4.2019 đã có dấu hiệu nhích nhẹ khoảng 500-1.000 đ/kg lên mức 24.500-25.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con).
Tuy nhiên, mức giá này vẫn rất thấp so với mức trung bình của năm 2018, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng Sông Cửu Long từng có thời điểm đạt tới mức 32.000 đồng/kg (cá loại I, 700 - 900g/con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Số liệu của VASEP ghi nhận, quý I/2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm, chỉ chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý 1/2019. Tính đến hết tháng 3/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong hai tháng 2 và 3/2019, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22,8% và 44,4%. Điều này, khiến Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý 1/2019.
Trong tháng 4/2019, Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng mức thuế chống bán phá giá trong POR4 cho sản phẩm cá tra, basa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Kết quả này dự báo sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến xuất khẩu của cá tra trong thời gian tới.