Thị trường lao động: Dâng theo làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc
Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp 4.0.
Vừa qua, tại TP.HCM, Ngày hội tuyển dụng nhân tài Hàn - Việt lần thứ 5 năm 2017 đã diễn ra hết sức sôi động với sự tham gia của 51 doanh nghiệp Hàn Quốc, thu hút hơn 2.000 ứng viên tham gia tuyển dụng. Sự kiện do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM và Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) phối hợp tổ chức với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng cao tại Việt Nam.
Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hiện Hàn Quốc là quốc gia có vốn đăng ký đầu tư cũng như số lượng dự án đầu tư đứng đầu. Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2017, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7,62 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc được đánh giá là làm ăn nghiêm túc, chấp hành đúng pháp luật Việt Nam, triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết. Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như: Samsung, Lotte, LG, Doosan, Kumho, Posco, Lotte, GS, Hyosung…. đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho gần 700.000 lao động trong nước. Tỷ lệ thuận với nguồn vốn FDI Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam hiện nay thì nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ của các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng sẽ có sự gia tăng đáng kể, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt.
Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Ngày hội tuyển dụng nhân tài Hàn - Việt trong việc kết nối đội ngũ nhân sự chất lượng cao với các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Nguyễn Đăng Minh Vũ, Trưởng phòng Hành chính và Nhân sự Công ty Lotte PK Duty Free, cho biết, Ngày hội đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên sắp ra trường, học viên các khoá cao đẳng, đại học, sau đại học cũng như những người đã tốt nghiệp; đồng thời giúp các bạn sinh viên có thêm các thông tin về nhà tuyển dụng cũng như cơ hội tìm hiểu văn hóa, yêu cầu từ các đơn vị tuyển dụng của Hàn Quốc.
Ông Vũ cho biết thêm đây là năm đầu tiên Lotte PK Duty Free tham gia Ngày hội tuyển dụng nhân tài Hàn - Việt nhằm tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh, thông thạo ngoại ngữ. "Nhân lực Việt Nam, nhất là lực lượng sinh viên mới ra trường hầu như còn thiên về lý thuyết, thiếu kỹ năng làm việc, kinh nghiệm tương tác với doanh nghiệp chưa nhiều. Trong khi đó doanh nghiệp Hàn Quốc đòi hỏi rất cao ở đội ngũ nhân lực, đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp, tốc độ và chuẩn xác. Đây là những điểm yếu mà lao động Việt cần sớm khắc phục nếu muốn tham gia vào thị trường lao động thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0", ông Vũ khuyến nghị.
Ảnh: VCCI |
Thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ
Lương cao, đãi ngộ tốt và có nhiều cơ hội phát triển là những lý do khiến lao động Việt Nam, đặc biệt là sinh viên mới ra trường thường ứng tuyển vào các công ty nước ngoài.
Trường Giang (1989), tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành tiếng Hàn được hơn 3 năm. Giang cho biết, ngành sư phạm rất khó xin việc nên đã làm hồ sơ và đã phỏng vấn được vài công ty Hàn tại ngày hội. Tuy nhiên, để được ứng tuyển vào các vị trí của các công ty nước Hàn không hề đơn giản. Thông qua lần phỏng vấn, Giang cho biết, yêu cầu của của họ khá cao về mặt ngoại ngữ và trình độ chuyên môn. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp và khả năng sáng tạo được họ đặc biệt chú ý.
Việt Nam được nhiều doanh nghiệp trên thế giới đánh giá là đất nước có nguồn lao động dồi dào, trẻ và năng động. Tuy nhiên, đa phần lao động ở Việt Nam chỉ làm ở vị trí công nhân ở các doanh nghiệp nước ngoài bởi còn thiếu nhiều kỹ năng cũng như kiến thức.
Chị Phan Thị Minh Diễm, đến từ Công ty TNHH MTV RPM Việt Nam, cho biết, đội ngũ nhân lực trẻ rất cần thiết đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên vì là doanh nghiệp trẻ nên các bạn còn khá nhiều hạn chế. “Qua thực tế các ứng viên RPM Việt Nam trực tiếp phỏng vấn, tôi thấy các bạn có thừa nhiệt huyết song lại thiếu năng lực, kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những hạn chế này hoàn toàn có thể khắc phục được theo thời gian, nếu các bạn chịu khó trau dồi và học hỏi”, chị Diễm chia sẻ.
Theo ông Tae Hyeong Kim, Kỹ sư trưởng Công ty TNHH Huvis Water Việt Nam, Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm làm việc trong các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Đây thực sự là một bất lợi đối với lao động Việt Nam. "Nếu các bạn có từ 4 - 5 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty đa quốc gia thì đó sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các bạn về sau này. Các bạn hoàn toàn có thể hòa nhập và làm việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới vì các bạn đã tích lũy được vốn kiến thức nền tảng cũng như các kinh nghiệm cần thiết".
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN…
Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
→