Nhiều doanh nghiệp trong nước đã thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép lần thứ 2 liên tiếp. Ảnh: SMC
Thị trường kim loại thế giới lấy lại đà phục hồi, giá thép nội địa tiếp tục tăng trở lại
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 08/09, gần như toàn bộ các mặt hàng kim loại đều ghi nhận lực mua tích cực.
Vào hôm qua, mặc dù hàng loạt người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đều bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về việc mạnh tay kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, nhưng những phát biểu không quá mới lạ đã giúp lực mua tiếp tục được thúc đẩy trên thị trường kim loại quý.
Số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua giảm nhẹ 6.000 xuống mức 222.000 người, củng cố cho một thị trường lao động vẫn đang chặt chẽ. Nhiều nhà giao dịch đang có cái nhìn tích cực hơn về viễn cảnh lạm phát sẽ hạ nhiệt trong khi sức khoẻ của nền kinh tế không quá tiêu cực.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng vọt 2,81% lên mức 3,52 USD/pound trong bối cảnh lo ngại về sự gián đoạn từ nguồn cung. Mỏ đồng lớn nhất trên thế giới Escondida, chiếm khoảng 6,5% sản lượng đồng toàn cầu đang phải đối diện với rủi ro đình công từ các công nhân trong vấn đề an toàn lao động. Trong khi đó, thông tin về việc tổng thống Indonesia cho biết nước này sẽ ngừng xuất khẩu đồng thô, bauxit và thiếc nhằm tăng cường đầu tư nước ngoài vào chuỗi giá trị nội địa cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Quặng sắt phục hồi với mức tăng mạnh nhất nhóm kim loại 3,7%, cán mốc 100 USD/tấn trước thông tin Thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng tất cả các dự án nhà ở bị đình trệ trong vòng 30 ngày, bằng cách sử dụng hiệu quả khoản vay đặc biệt. Nhu cầu sắt thép trong tháng 9 và tháng 10 tại quốc gia này được kỳ vọng sẽ hồi phục cho các hoạt động xây dựng và do đó, hỗ trợ cho giá quặng sắt trong phiên.
Bảo hiểm giá sẽ dần trở thành công cụ quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất thép. Ảnh: T.L |
Theo MXV, thị trường kim loại thế giới nhiều khả năng sẽ lấy lại đà phục hồi trong giai đoạn cuối năm khi mà sức ép mạnh từ các thông tin vĩ mô đã dần phản ánh vào giá. Trong khi đó, tại quốc gia tiêu thị kim loại lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc, nhu cầu có thể sẽ tăng lên đặc biệt là từ quý 4, nhằm tối ưu hoá mục tiêu tăng trưởng đã bị bỏ lỡ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế về việc lãi suất cao vẫn sẽ gây ra tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu ở 1 mức độ nào đó, và rủi ro dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn tại Trung Quốc. Điều này sẽ khó có thể giúp thị trường kim loại, đặc biệt là giá của các mặt hàng kim loại cơ bản như đồng, sắt thép quay trở lại vùng giá đầu năm nay.
Trên thị trường nội địa, mới đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng thép lần thứ 2 liên tiếp. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 150.000 - 200.000 đồng/tấn (chưa VAT). Ở lần điều chỉnh này, thép Pomina là thương hiệu có mức tăng mạnh nhất tới 450.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 lên 16,24 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 lên 15,33 triệu đồng/tấn sau khi tăng 250.000 đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh tăng 190.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này là 14,82 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh tăng thép thanh vằn D10 CB300 và giữ nguyên giá thép cuộn CB240.
Như vậy, đây là lần tăng thứ hai liên tiếp của giá thép sau 15 lần giảm kể từ ngày 11/5. Tổng mức tăng sau hai lần điều chỉnh tới gần 1 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, chủng loại.
Nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn đến từ nhập khẩu. Do đó, giá kim loại thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường sắt thép, vật liệu xây dựng nội địa. Điều này đặt ra bài toán cân đối tài chính đối với các nhà thầu và công ty xây dựng. Bảo hiểm giá sẽ dần trở thành công cụ quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Có thể bạn quan tâm: Doanh nghiệp thủy sản đã làm gì khi chi phí logistic tăng nhanh?