Hãng AirAsia đang mở rộng kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Nguồn ảnh:Zing.vn

 
Sơn Mai Thứ Năm | 07/03/2019 09:13

Thị trường hàng không gặp khó, AirAsia đầu tư Startup

Lĩnh vực hàng không gặp khó khăn, AirAsia đầu tư vào startup, một lĩnh vực mới của hãng này tại thị trường Đông Nam Á.

→AirAsia: Cuộc chơi mới trên bầu trời Việt

Khó khăn liên tục nối tiếp nhau

Theo thông tin từ hãng này, quỹ Redbeat Capital của AirAsia trị giá 60 triệu USD sẽ hoạt động tại San Francisco và Đông Nam Á. Hiện quỹ Redbeat Capital đang hợp tác với quỹ 500 Startups của Thung lũng Sillicon để thu nhận các đóng góp từ cộng đồng.

Quỹ này sẽ kết nối với các startup trên thế giới, thuộc các lĩnh vực như du lịch, lối sống, fintech, logistics... Hiện nay, hệ sinh thái có sẵn tại Đông Nam Á với 90 triệu hành khách mỗi năm, sẽ là lợi thế cho các công ty tham gia mạng lưới khởi nghiệp của AirAsia.

AirAsia mở rộng đầu tư sau khi vận đen liên tục bủa vây hãng này. Cụ thể, tình hình kinh doanh của AirAsia tại Malaysia gặp khó khăn. Theo đó, AirAsia đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ việc giá nhiên liệu tăng lên và tình trạng quá tải.

Tất cả các chi nhánh của hãng trừ Malaysia đều bị lỗ từ hoạt động kinh doanh trong quý III/2018, trong khi biên lãi thuần giảm 2/3 vì chi phí tài chính tăng. Vừa qua, giá cổ phiếu của hãng này tại Malaysia cũng sụt giảm. Hiện hãng hàng không giá rẻ châu Á này vẫn được định giá hơn 2 tỉ USD.

Mảng đầu tư khác của AirAsia tại thị trường Thái Lan đang chững lại, sau nhiều năm tăng trưởng khá cao. Các thị trường khác như, Cambodia, Myanmar, Philippines… không nhiều sức bật. Năm 2019, AirAsia tập trung tăng lợi nhuận cho thị trường Indonesia và Philippines, và hy vọng khoản đầu tư tại thị trường Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có lợi nhuận vào 2021.

AirAsia từng hy vọng sẽ thành công khi đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sau 3 lần từng thất bại trong liên doanh với các hãng hàng không tại Việt Nam, đến nay hãng này vẫn chưa bay được trên bầu trời Việt. Ông Raymond Yap, chuyên gia tại CIMB Research, nhận định đó là “sự khởi đầu của quãng thời gian khó khăn phía trước”.

Khó khăn chưa dừng lại, vừa qua hãng này cũng tuyên bố dừng hợp tác vĩnh viễn với kênh du lịch trực tuyến Traveloka. Nguyên nhân xuất phát từ ngày 14-17.2.2019, các chuyến bay của AirAsia lần đầu biến mất trên hệ thống Traveloka. Ngay thời điểm, AirAsia đang nâng cấp hệ thống vào ngày 16.2. Mọi chuyện đã được bỏ qua nhưng sau đó, chuyến bay của AirAsia lại tiếp tục biến mất một lần nữa vào ngày 2.3.2019 nhưng không có lý do.

Thi truong hang khong gap kho, AirAsia dau tu Startup
 

AirAsia đã không thể liên lạc với Traveloka. Trong khi đó, Traveloka lại hướng dẫn khách hàng đặt các hảng hàng không khác thay thế. Về phía AirAsia, hãng này khuyến khích khách hàng nên vào đặt vé trực tiếp tại website của mình.

Bước đi mới trong lĩnh vực công nghệ

Quỹ Redbeat Capital nằm trong chiến lược thực hiện tham vọng mở rộng của AirAsia, không chỉ là một hãng hàng không trong tương lai. "AirAsia sẽ có những thay đổi tạo sự khác biệt trong vòng 5 năm tới. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ lộ trình, quan trọng như thời kỳ đầu thành lập", ông Tony Fernandes, cho biết. Lý do AirAsia chọn mảng đầu tư vào startup vì hãng này đã có sẵn nền tảng công nghệ từ trước.

Khởi đầu của AirAsia là từ một nhà cung cấp dịch vụ hàng không giá rẻ trên nền tảng web. Công nghệ được coi là yếu tố gắn liền với sự phát triển của hãng hàng không này. "Dựa trên cơ sở nền tảng sẵn có của AirAsia, đội ngũ nhân sự sẽ phát triển lên một nền tảng mới bao gồm, dịch vụ thanh toán BigPay, ứng dụng BigLife và Logistics", đại diện AirAsia chia sẻ.

“Thung lũng Silicon không phải là một thị trường dễ dàng cho những nhà đầu tư mới”, ông Tony Fernandes, cho biết. Đây là lý do AirAsia phát triển nền tảng công nghệ tại thị trường Đông Nam Á. Cũng theo vị này, tiềm năng ở thị trường Đông Nam Á mới chỉ bắt đầu".

AirAsia có thể sử dụng nền tảng và cơ sở khách hàng của mình để giúp các công ty khởi nghiệp tiếp cận người dùng, quảng cáo, giúp các startup tiết giảm chi phí. Google cuối năm ngoái đã dự báo, nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba, đạt 240 tỉ USD vào năm 2025.