Thứ Hai | 12/10/2015 06:36

Thị trường hàng hóa toàn cầu đang hồi phục

Thị trường hàng hóa hồi phục đã giúp đẩy tăng giá nguyên liệu thô, cổ phiếu công ty khai mỏ và đồng tiền các nước đang phát triển.

Phía sau sự phục hồi của thị trường hàng hóa là một số dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể đang dần ổn định, thúc đẩy nhu cầu hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cận 0, khiến USD suy yếu. Việc này giúp xoa dịu lo ngại tại các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, vv... vốn đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng trì trệ và khối nợ bằng USD khổng lồ.

Một số thị trường kim loại cũng đang rơi vào tình trạng thiếu cung và một số thương nhân cho biết họ đã giảm tỷ lệ đặt cược giá hàng hóa sẽ tiếp tục giảm.

Giá dầu Mỹ trong tuần kết thúc vào 9/10 tăng 9% lên 49,63 USD/thùng, trong khi Chỉ số chứng khoán MSCI Thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets) lên cao nhất trong 2 tháng qua. Cổ phiếu của hãng khai thác mỏ Glencore niêm yết tại London cũng tăng 36% trong cả tuần sau khi liên tục bị bán tháo vì những tin đồn xung quanh tình hình kinh doanh khó khăn của công ty.

Giá nguyên liệu thô từ đồng, kẽm đến đường đã hồi phục và lên cao ở mức nhiều tháng qua. Giá kẽm tăng 8,9% trong cả tuần qua và chốt tuần ở 1.836 USD/tấn, cao nhất 2 tháng 1.836 USD/tấn. Giá chì cũng tăng 8,3% lên cao nhất 3 tháng ở 1.780 USD/tấn.

Thi truong hang hoa toan cau dang hoi phuc

Trên thị trường tiền tệ, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và rand của Nam Phi đều tăng khoảng 3% so với USD. Hôm thứ Tư 7/10, rupiah Indonesia ghi nhận mức tăng lớn nhất 7 năm và đến nay tăng 8,7% từ mức thấp kỷ lục trong tháng trước. Real Brazil trong tuần kết thúc vào 9/10 cũng tăng 4,5% so với USD. Ngoài ra, rúp Nga và peso Mexico cũng hồi phục.

Một yếu tố khác giúp giá hàng hóa hồi phục là sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 9 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong một năm qua, theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Bên cạnh đó, giá dầu cũng tăng trước khả năng Nga và OPEC sẽ nhóm họp để thảo luận về thị trường dầu mỏ toàn cầu và bàn cách cắt giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, Glencore cũng vừa tuyên bố đã đóng cửa mỏ khai thác Eland ở Nam Phi - là mỏ khai thác nhiều loại hàng hóa được giao dịch nhiều nhất trên thị trường, giúp làm giảm tình trạng dư cung từ than tới đồng.

Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng, vẫn có nhiều xu hướng tác động tiêu cực đến giá hàng hóa và gây tổn hại đến tài sản của thị trường mới nổi và động lực giúp thị trường hàng hóa phục hồi trong những tháng đầu năm cũng đã dần biến mất.

Theo giới phân tích và thương nhân, thị trường hàng hóa sẽ đối mặt với nhiều thử thách trong tuần này, kể cả số liệu thương mại của Trung Quốc, công bố vào thứ Ba - cung cấp thêm bằng chứng về thực trạng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - và báo cáo doanh số bán lẻ của Mỹ, công bố vào thứ Tư - có thể cung cấp thêm manh mối về việc Fed có nâng lãi suất hay không.

Một vài nhà đầu đầu tư vẫn tỏ ra lo lắng. Báo cáo doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ tích cực sẽ khiến giới đầu tư đánh giá lại đồn đoán về việc Fed nâng lãi suất lần đầu tien trong gần một thập kỷ qua. Các nhà kinh tế học dự đoán doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ sẽ tăng 0,2%.

Hơn nữa, nếu ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 12, USD sẽ mạnh lên và khiến đồng tiền thị trường mới nổi mất giá.

Trong khi đó, yếu tố Trung Quốc vẫn rất khó dự đoán. Nomura cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 sẽ giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 8, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm 6,1%.

Triển vọng chung của khối thị trường mới nổi vẫn còn nhiều bất ổn. Giới đầu tư đã rút 63 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán và rút 16 tỷ USD từ quỹ đầu tư trái phiếu của khối thị trường mới nổi kể từ đầu năm 2015 đến nay, theo số liệu của Bank of America Merrill Lynch.

Dù tăng trong thời gian gần đây, song chỉ số chứng khoán MSCI Thị trường mới nổi vẫn giảm 11% kể từ đầu năm đến nay, trong khi tổng lợi suất trái phiếu định giá bằng nội tệ lại giảm xuống âm hơn 8% trong cùng kỳ, Barclays cho biết.

Chiến lược gia đầu tư Matthew Sherwood tại quỹ quản lý đầu tư Perpetual, cho biết, đà hồi phục của thị trường mới nổi vẫn có nguy cơ suy yếu. Dù lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã phần nào lắng dịu, song không có nhiều yếu tố hỗ trợ đà tăng của thị trường hàng hóa trong thời gian tới.

Nhật Trường

Nguồn WSJ