Thứ Năm | 17/05/2012 15:05

Thị trường hàng hóa thế giới đang bị chi phối bởi các công ty nghìn tỷ USD

Sự bùng nổ của thị trường hàng hóa Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các hãng buôn lớn nhất thế giới.
Đối với 1 nhóm nhỏ các công ty chuyên giao dịch nông sản, nhiên liệu và kim loại đảm bảo các hoạt động trên toàn thế giới diễn ra thông suốt, thập kỷ vừa qua là 1 thập kỷ tốt đẹp lạ thường.

Các công ty này tạo thành một nhóm đặc biệt với những thành viên có doanh thu hàng năm trị giá hơn nghìn tỷ USD và kiểm soát hơn một nửa các hàng hóa được giao dịch tự do trên toàn thế giới.

Năm ngoái, chỉ tính riêng 5 công ty hàng đầu đã có doanh thu 629 tỷ USD, chỉ nằm sau doanh thu của top 5 công ty tài chính lớn nhất thế giới và lớn hơn tổng doanh thu của các công ty công nghệ và viễn thông.

Luật Mỹ giới hạn hoạt động đầu cơ trên thị trường dầu và kim loại của các ngân hàng trong khi đối với các công ty giao dịch thì không. Rất nhiều trong số các công ty đó không niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc được điều hành tại gia đình.

Bên cạnh việc kinh doanh hàng hóa, nhiều công ty khổng lồ âm thầm thực hiện vai trò trung gian, trở thành các nhà môi giới đầy quyền lực, đặc biệt là ở các thị trường có tốc độ phát triển nhanh như châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi và là nhân tố định hình cho chuỗi thực phẩm trên toàn thế giới. .
 
Các công ty này đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Giờ đây, các công ty lớn sở hữu các mỏ khai thác sản xuất ra phần lớn hàng hóa trên thế giới cùng với hệ thống tàu bè và đường ống vận chuyển, nhà kho, hầm chứa, cầu cảng tích trữ hàng hóa.

Trong năm 2011, chỉ 2 trong số 5 doanh nghiệp lớn nhất là Vitol và Trafigura đã bán ra 8,1 triệu thùng dầu/ngày, tương đương với tổng lượng dầu xuất khẩu của Ảrập Xêút và Venezuela. Có 200 tàu chở dầu hoạt động trên biển trên khắp 5 châu, doanh số bán ra của Vitol đạt 195 tỷ USD trong năm 2010, gấp đôi của Apple. Các hãng buôn có lượng giao dịch độc quyền khổng lồ, chiếm tới 60% đến 80%.

Đối với rất nhiều nhà giao dịch hàng hóa, chiến thuật giúp thu về lợi nhuận lớn nhất là làm giá hàng hóa lên và xuống bằng cách giữ vị thế lấn át. Đầu những năm 2000, lượng dầu thô sụt giảm từ 1 triệu thùng của những năm 1980  xuống chỉ còn 400.000 thùng/ngày. Một số hãng đã tận dụng cơ hội mua vào lượng lớn, chiếm hữu tất cả các nguồn cung và thu được lợi nhuận khổng lồ. Công ty lọc dầu Tosco đã kiện Arcadia và Glencore ra tòa vì tội bóp méo thị trường.

Với kim loại, các hãng này có thể tích trữ hàng hóa hàng năm trong kho dưới dạng tài sản đảm bảo cho các khoản vay và từ đó thống lĩnh thị trường. Các hãng buôn đã tận dụng cơ hội ăn chênh lệch giá sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong số 6 hãng lớn, chỉ có C.Steinweg của Hà Lan là không tham gia vào vụ này. 5 hãng còn lại gồm Glencore, Trafigura, Noble Goldman và JP Morgan đều tích trữ hàng hóa trong kho.

Các hãng cũng có thể tận dụng nghiệp vụ arbitrage - sự chênh lệch giá giữa các địa điểm khác nhau đối với các hợp đồng tương lai. Năm 2009, Koch, Vitol và một số hãng khác đã thực hiện nghiệp vụ này và chốt lãi tối thiểu 10 USD/thùng dầu.

Tuy nhiên, dư luận cũng như các nhà làm luật thường chú ý tới hành vi lũng đoạn của các hãng khi giá hàng hóa tăng cao. Năm 2008, khi giá dầu thô lên mức kỷ lục 147 USD/thùng, Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ đã kiện Arcadia và Parnon ra tòa với cáo buộc bóp méo giá dầu bằng cách tích trữ hàng triệu thùng dầu không dùng đến. Cả 2 công ty này đều được sở hữu bởi một tỷ phú người Na Uy.

Nguồn Reuters/ TTVN/CafeF


Sự kiện