Chủ Nhật | 06/07/2014 08:25

Thị trường gạo thế giới tuần 30/6-4/7/2014

Kết thúc tuần 30/6-4/6/2014, Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình trên toàn cầu đạt 465 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn so với tuần trước đó.
Ủy ban Ngũ cốc quốc tế (IGC) ước tính năm 2014 thương mại gạo toàn cầu đạt kỷ lục 40 triệu tấn, tăng 5% so với 38 triệu tấn năm 2013. Thương mại gạo toàn cầu tăng chủ yếu do nhập khẩu của các nước châu Á vùng Viễn Đông và châu Phi tăng mạnh.

IGC ước tính sản lượng gạo toàn cầu năm 2013-2014 đạt 476 triệu tấn, tăng 1% so với 472 triệu tấn năm 2012-2013 chủ yếu do sản lượng thu hoạch tại Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan tăng. Dự đoán tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2013-2014 tăng lên 476 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với 472 triệu tấn năm 2012-2013 do tiêu thụ tăng tại Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và châu Phi cận Sahara.

Theo dự đoán của IGC, trữ lượng gạo năm 2013-2014 giảm xuống 109 triệu tấn từ 110 triệu tấn năm 2012-2013.

Trong khi đó, FAO ước tính sản lượng gạo toàn cầu năm 2014 đạt 503,6 triệu tấn, tăng 1% so với 497,8 triệu tấn năm 2013. Trữ lượng gạo toàn cầu năm 2015 ước đạt 183 triệu tấn, tăng 1% so với 181,6 triệu tấn năm 2014 nhờ triển vọng sản lượng tăng.

Nguồn: Oryza
Nguồn: Oryza

Thái Lan

Gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 410 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với tuần trước và tăng 30 USD/tấn so với tháng trước, nhưng giảm 70 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC) đã thông báo khoản tín dụng 137 tỷ baht (4 tỷ USD) dành cho nông dân trồng lúa.

Đây là một phần kế hoạch của chính phủ quân sự trong việc cung cấp các biện pháp như trợ cấp nông nghiệp và các khoản tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ nông dân trồng lúa sau khi dừng chương trình trợ giá lúa gạo.

Chủ tịch BAAC cho biết, khoảng 100 tỷ baht (3 tỷ USD) sẽ được giải ngân ở dạng vốn lưu động, trong đó mỗi người trong số 2,3 triệu nông dân trồng lúa sẽ nhận được khoản vay 50.000 baht (1.510 USD) với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay tối thiểu (MLR) 3%. Chủ tịch BAAC cũng lưu ý rằng các hợp tác xã nông nghiệp sẽ được vay khoảng 20 tỷ baht (604 triệu USD) để mua lúa của nông dân; và số còn lại 17 tỷ baht (513 triệu USD) sẽ được cho nông dân trồng lúa tại vùng phía bắc và đông bắc vay để giữ lúa, một động thái nhằm kiềm chế giá lúa giảm hơn nữa.

Trong một diễn biến khác, New York Times đưa tin, người đứng đầu NCPO thông báo cuộc tổng tuyển cử có thể được tổ chức vào tháng 10/2014 và NCPO đã bắt đầu cải tổ toàn bộ hệ thống bầu cử.

IGC ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tăng lên 9,2 triệu tấn trong năm nay.

Ấn Độ

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ được chào bán với giá 435 USD/tấn, không đổi so với tuần trước nhưng giảm 5 USD/tấn so với tháng trước và giảm 10 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
IGC ước tính xuất khẩu gạo năm 2014 của Ấn Độ sẽ đạt 9,7 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2013.

Cục Khí tượng học Ấn Độ đã hạ thấp khả năng El Nino diễn ra trong mùa mưa năm nay từ 80% xuống 60%.

Ấn Độ sẽ bán ra 5 triệu tấn gạo dự trữ và nới lỏng quy định về mua bán trái cây và rau xanh trong một nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Theo số liệu của Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), tính đến 1/6/2014, dự trữ gạo quốc gia của nước này hiện ở mức 28,03 triệu tấn (kể cả 11,361 triệu tấn gạo trắng).

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời điểm kết thúc tuần 30/6-4/7/2014 đạt 420 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần trước, tăng 15 USD/tấn so với tháng trước và tăng 50 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giai đoạn 1/1-26/6/2014, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,848 triệu tấn, giảm 19% so với 6 tháng đầu năm 2013. Giá trung bình gạo xuất khẩu đạt 432 USD/tấn (FOB), cao hơn 1 USD so với cùng kỳ năm 2013.

IGC ước tính xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2014 sẽ giảm xuống 6,3 triệu tấn từ 6,7 triệu tấn năm 2013.

Pakistan

Gạo 5% tấm Pakistan được chào bán với giá 435 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tuần trước đó, giảm 15 USD/tấn so với tháng trước, nhưng tăng 10 USD/tấn so với năm ngoái.

11 tháng đầu năm tài khóa 2013-2014 (từ tháng 7 đến tháng 6 năm sau), Pakistan đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn gạo, giảm 8% so với cùng kỳ năm tài khóa 2012-2013, theo Cục Thống kê Pakistan. Tuy nhiên, về giá trị, xuất khẩu gạo của Pakistan lại tăng. Cùng kỳ, Pakistan đã thu về 2 tỷ USD từ xuất khẩu gạo, tăng 14% so với cùng kỳ năm tài khóa 2012-2013.

Chỉ số lúa Brazil do Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng (CEPEA) theo dõi đạt 36,47 real/50 kg tính đến 30/6/2014, giảm 0,1% từ 36,49 real/50 kg ghi nhận vào 23/6/2014. Tính theo đồng USD, chỉ số này đạt 331 USD/tấn vào 30/6/2014, tăng 1,4% so với 327 USD/tấn ghi nhận vào 23/6/2014.

USDA Post ước tính Brazil sẽ xuất khẩu 950.000 tấn gạo trong năm tài khóa 2013-2014, tăng 13% so với năm 2012-2013. Brazil sẽ nhập khẩu 700.000 tấn gạo trong năm 2013-2014, tăng 9% so với năm trước đó.

Mỹ

Gạo 4% tấm của Mỹ thời điểm kết thúc tuần 30/6-4/7/2014 có giá 555 USD/tấn, giảm 20 USD/tấn so với tuần trước đó, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước và giảm 60 USD/tấn so với năm ngoái.

Giá gạo giao tháng 9 trên sàn CBOT lúc đầu tuần ở mức thấp, khoảng 13,525 USD/cwt, tương đương 298 USD/tấn (1 cwt ≈ 45,36 kg) nhưng tăng dần đạt mức cao 13,695 USD/cwt (khoảng 302 USD/tấn) hôm thứ 4 trước khi giảm xuống 13,570 USD/cwt hôm thứ 5 (299 USD/tấn).
Các thị trường khác

Giá gạo 5% tấm của Campuchia thời điểm kết thúc tuần 30/6-4/7/2014 đạt 445 USD/tấn, không đổi so với tuần trước nhưng tăng 5 USD/tấn so với tháng trước.

Philippines đã giảm thuế đối với gạo nhập khẩu theo Khối lượng truy cập tối thiểu (MAV) xuống 35% từ mức 40% trước đó.

Chính phủ Philippines quyết định tăng nhập khẩu gạo theo hạn ngạch MAV lên 805.000 tấn từ mức 350.000 tấn hiện tại, sau khi Ủy ban về Thương mại và Hàng hóa (CTG) thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chấp thuận tiếp tục hạn chế định lượng (QRs) nhập khẩu gạo cho đến tháng 6/2017.

Theo MAV mới, 755.200 tấn sẽ được phân bổ theo hạn ngạch quốc gia cụ thể (CSQ) và 50.000 tấn còn lại có thể được nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia thành viên WTO. Phân bổ CSQ như sau: Australia (15.000 tấn), Trung Quốc (50.000 tấn), El Salvador (4.000 tấn), Ấn Độ (50.000 tấn), Pakistan (50.000 tấn), Thái Lan (293.100 tấn) và Việt Nam (293.100 tấn).

Trong một nỗ lực ổn định nguồn cung và giá gạo, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đang có kế hoạch bán ra một lượng lớn gạo giá rẻ để giải quyết tình trạng đầu cơ, giá tăng mất kiểm soát và thiếu gạo trên thị trường. NFA muốn tăng gấp đôi số trung tâm phân phối gạo bằng cách mở thêm cửa hàng tại nhiều vùng miền.

Hàn Quốc sẽ công bố lập trường của mình về tự do hóa thị trường nhập khẩu gạo trước khi kết thúc tháng 7/ 2014.

Theo hệ thống hạn ngạch nhập khẩu hiện nay, Hàn Quốc có thể không hạn chế nhập khẩu vì phải nhập khẩu ít nhất 400.000 mỗi năm tấn gạo theo quy định của WTO. Nếu Hàn Quốc quyết định tiếp tục giữ hạn ngạch nhập khẩu, nước này phải cắt giảm sản xuất trong nước.

Các chuyên gia cho rằng kể từ khi Hàn Quốc có thể đảm bảo được sản xuất lúa gạo, nước này có thể không cần phải nhập khẩu gạo, nhưng có thể nhập khẩu thêm do chênh lệch giá gạo nếu thị trường nhập khẩu hoàn toàn tự do.

USDA ước tính Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 410.000 tấn gạo trong năm 2013-2014 (tháng 11/ 2013 - 10/2014), giảm 20% so với 510.000 tấn năm 2012-2013. Sản lượng lúa gạo trong năm 2013-2014 dự kiến đạt khoảng 4,2 triệu tấn và tiêu thụ gạo hàng năm ước tính khoảng 4,6 triệu tấn.

Hội đồng Ngũ cốc Iraq (IGB) vừa phát hành mời đấu thầu quốc tế mua tối thiểu là 30.000 tấn gạo, Reuters đưa tin.

IGB sẽ chấp nhận hồ sơ dự thầu cho đến 6/7/2014 và chào giá sẽ có giá trị đến ngày 10/7/2014. Điều này được hiểu rằng IGB tìm cách mua gạo có nguồn gốc từ Uruguay, Argentina, Brazil, Việt Nam, Thái Lan và Mỹ. IGB cũng sẽ chấp nhận gạo Jasmine Việt Nam và gạo trắng Thái Lan.

Theo các thương nhân, cơ quan này của Iraq từ chối tất cả các hồ sơ dự thầu cho 30.000 tấn gạo đấu thầu ngày 23/6/2014. Tuần trước, Iraq cũng đã ban hành đấu thầu riêng biệt để mua 15.000 tấn gạo basmati từ Ấn Độ.

Iraq mua khoảng 120.000 tấn gạo từ Việt Nam, Uruguay và Mỹ vào 5/6/2014.

Tại Lào, các cơn mưa trong mùa mưa đến chậm có khả năng tác động mục tiêu đạt sản lượng lúa từ 3,8-4 triệu tấn tấn (khoảng 2,5-2,6 triệu tấn gạo) trong năm 2014 của nước này.

Bộ Nông nghiệp Lào cho biết, nông dân trồng lúa ở một số tỉnh đã bắt đầu gieo lại hạt giống do hạn hán hiện tại và các cơn mưa mùa mưa đến chậm. Chính phủ đặt mục tiêu đạt sản lượng lúa khoảng 3,2 tấn/ha trong năm nay với điều kiện không có thiên tai.

USDA ước tính Lào sản xuất khoảng 1,465 triệu tấn gạo (khoảng 2,325 triệu tấn lúa) trong năm 2014, so với mức tiêu thụ 1,55 triệu tấn.

Cục Thống kê trung ương Indonesia (BRS) hôm 1/7 ước tính sản lượng lúa năm 2014 của nước này sẽ giảm xuống 69,8 triệu tấn, giảm 2% so với 71,28 triệu tấn năm 2013. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, sản lượng giảm không có nghĩa là phải nhập khẩu.

Trái ngược với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và các chuyên gia ngành gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, chính phủ nước này sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2014 do sản lượng dự kiến 69,8 triệu tấn đủ đáp ứng nhu cầu.

Nguồn Theo DVO/Oryza


Sự kiện