Thị trường gạo thế giới tuần 25-29/8
Thái Lan
Gạo 5% tấm Thái Lan kết thúc tuần vào 29/8 được chào bán với giá 445 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng tăng 10 USD/tấn so với tháng trước và tăng 25 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành xuất khẩu gạo Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động sau khi gần 200.000 lao động nhập cư tại các cảng xuất khẩu đã rời khỏi nước này, do lo ngại các biện pháp trừng phạt của chính phủ quân sự. Kết quả là thời gian bốc xếp hàng kéo dài hơn 2-3 tuần so với thông thường.
Ấn Độ
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ kết thúc tuần vào 29/8 được chào bán với giá 440 USD/tấn, giảm 5 USD so với tuần trước, nhưng không đổi so với tháng trước, và tăng 25 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá bán buôn trung bình gạo Ấn Độ tăng nhẹ trong tháng 8/2014 sau khi tăng mạnh trong tháng 7, chủ yếu do lo ngại về sản lượng vụ kharif (tháng 6 – tháng 12) được xoa dịu với việc những cơn mưa đã quay trở lại tại nhiều khu vực.
Giá bán buôn trung bình hàng tháng gạo tại Ấn Độ tăng lên 3,233 rupee/tạ trong tháng 8/2014, tăng nhẹ so với 3.217 rupee/tạ trong tháng 7/2014, và tăng 21% so với 2.675 rupee/tạ trong tháng 8/2013.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo truyền thống, có thể nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ nhằm đáp ứng yêu cầu của hệ thống phân phối công cộng (PDS) tại 2 bang phía đông bắc Tripura và Mizoram khi hoạt động vận chuyển gạo đến 2 bang này có thể bị gián đoạn do việc sửa chữa tuyến đường sắt 220km Lumding (Assam)-Badarpur-Agartala (Tripura).
Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Myanmar. Do hoạt động sửa chữa tuyến đường sắt, ước tính việc vận chuyển gạo từ các bang dư thừa như Punjab hay Andra Pradesh đến Tripura và Mizoram sẽ có chi phí 529 USD/tấn, bao gồm cả giá thành 455 USD/tấn. Trái lại, nhập khẩu gạo từ Myanmar sẽ có chi phí 397 USD/tấn, kể cả chi phí vận chuyển qua biên giới.
Việt Nam
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời điểm kết thúc tuần 25-29/8/2014 đạt 450 USD/tấn, giảm 5 USD so với tuần trước, giảm 15 USD/tấn so với tháng trước, nhưng tăng 70 USD so với cùng kỳ năm 2013.
Theo số liệu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố ngày 25/8, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 224.376 tấn gạo trong 3 tuần đầu tháng 8 với giá trị xuất khẩu giá CIF đạt gần 103,7 triệu USD, giảm 64% so với 620.532 tấn trong tháng 8/2013 và giảm 63% so với 615.844 tấn tháng 7/2014.
Tính từ đầu năm đến ngày 21/8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 3,84 triệu tấn gạo, trị giá 1,751 tỷ USD (CIF), giảm 18% so với 4,7 triệu tấn giai đoạn tháng 1-tháng 8/2013.
Giá xuất khẩu trung bình đến nay đạt 431 USD/tấn (FOB), tăng 0,5%/tấn so với 429 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Pakistan
Gạo 5% tấm của Pakistan tuần kết thúc vào 29/8 có giá 440 USD/tấn, giảm 5 USD so với tuần trước, nhưng không đổi so với tháng trước và tăng 35 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo mùa vụ tháng 7, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Pakistan (Suparco) ước tính sản lượng gạo năm tài khóa 2013-2014 (tháng 7-tháng 6) của nước này đạt trên 7 triệu tấn.
Dựa vào số liệu củ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Pakistan (REAP), chính phủ Pakistan thu về khoảng 846 triệu USD từ xuất khẩu gạo basmati trong năm tài khóa 2013-2014.
Trong báo cáo tháng 6, Suparco ước tính sản lượng gạo năm 2013-2014 của Pakistan đạt 7,1 triệu tấn với diện tích gieo cấy 2,789 triệu ha và năng suất 2,5 tấn/ha.
Theo Khảo sát Kinh tế Pakistan năm 2013-2014 của Bộ Tài chính công bố trong tháng 6, gạo chiếm 0,7% GDP nông nghiệp của Pakistan.
Trung và Nam Mỹ
Gạo 5% tấm Brazil tuần kết thúc vào 29/8 đạt 610 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 55 USD so với tháng trước và giảm 15 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số lúa Brazil do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng (CEPEA) theo dõi đạt 36,49 real/50kg tính đến 25/8/2014, tăng 1% so với 36,16 real/50kg ghi nhận ngày 18/8/2014.
Tính theo USD, chỉ số này đạt 321 USD/tấn ngày 25/8/2014, tăng 0,3% so với 320 USD/tấn ngày 18/8/2014.
Giai đoạn 1/1-15/8, Colombia nhập khẩu khoảng 59.380 tấn gạo, đạt 69% mục tiêu, từ Mỹ theo Hạn ngạch Thuế Nhập khẩu năm 2014, theo Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post).
Gạo 5% tấm Uruguay và Argentina thời điểm kết thúc tuần 29/8 đạt 615 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 10 USD/tấn so với tháng trước và giảm 5 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ
Giá gạo 4% tấm của Mỹ trong tuần 25-29/8 đạt 540 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 15 USD so với tháng trước, và giảm 65 USD/tấn so với năm trước.
Giá gạo giao tháng 9 trên sàn Chicago (CBOT) giảm mạnh trong tuần sau khi tăng nhẹ hôm thứ Hai khi đạt 13,1 USD/cwt, tương đương 289 USD/tấn (1 cwt ≈ 45,36 kg). Hôm thứ 6, giá giao tháng 9 lúc đóng cửa đạt 12,605 USD/cwt (278 USD/tấn).
Các thị trường khác
Campuchia đã khởi động ngân hàng lúa gạo quy mô lớn đầu tiên nhằm đảm bảo nguồn cung liên tục cho các nhà xay xát và xuất khẩu.
Thaneakea Srov Plc là ngân hàng lúa gạo với mục đích hỗ trợ ngành lúa gạo trong nước bằng cách thu mua, dự trữ và sấy khô lúa gạo cũng như giúp nông dân bằng cách giải ngân các khoản cho vay với tài sản thế chấp là lúa gạo.
Ngân hàng sẽ vận hành nhiều máy sấy công nghiệp công suất lớn với công suất 600 tấn lúa/ngày và kho dự trữ 100.000 tấn, theo CEO ngân hàng. Ngân hàng sẽ đảm bảo không có sự khác biệt về chất lượng gạo cung cấp cho thương nhân nội địa cũng như nhà xuất khẩu, và đảm bảo nguồn cung ổn định trong cả năm.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã bác bỏ mọi giá chào thầu bán 500.000 tấn gạo 25 tấm trong phiên đấu thầu ngày 27/8 do giá chào cao hơn giá trần cho phép.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 1,323 triệu tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2013.
Trong một phiên đấu thầu, Công ty Thương mại Thực phẩm và Nông thủy sản Hàn Quốc (KAFTC) đã mua 9.434 tấn gạo thường từ Australia, giao hàng từ 15-31/12/2014. KAFTC cũng đã mua 28.288 tấn gạo thường của Trung Quốc và Mỹ, thời gian giao hàng 15-31/12/2014.
Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) tại EU ước tính nhập khẩu gạo của EU năm 2014 đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Nhập khẩu gạo năm 2015 dự báo giảm tiếp 7% xuống 1,4 triệu tấn.
Lệnh cấm nhập khẩu lương thực thực phẩm của Nga từ EU nhằm trả đũa đòn trừng phạt của Mỹ và EU đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá nông sản và sản phẩm sữa của châu Âu. Các liên minh nông dân châu Âu, kể cả ở Ba Lan và liên đoàn liên minh nông dân và hợp tác xã châu Âu Copa-Cogeca đã phải tìm kiếm sự hỗ trỡ của Ủy ban châu Âu nhằm đảo ngược tình hình.
Năm 2014 Sri Lanka dự định nhập khẩu 100.000 tấn gạo do sản lượng trong nước dự báo giảm 17% từ 4 triệu tấn năm 2013 xuống 3,32 triệu tấn năm 2014, theo Mạng lưới Thông tin Vùng của Liên hợp quốc.
Các chuyên gia cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu có thể khiến sản lượng lúa của Bangladesh giảm 50% vào năm 2070.
Mozambique đặt mục tiêu tự túc 80% sản lượng lúa gạo vào năm 2020. Hiện nước này nhập khẩu 70% nhu cầu gạo trong nước.
Nguồn Theo DVO/Oryza