Chủ Nhật | 24/05/2015 07:11

Thị trường gạo thế giới tuần 18-22/5

Kết thúc tuần 18-22/5, Chỉ số Giá gạo trắng Oryza (WRI) đạt 407 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với tuần trước và giảm 48 USD/tấn so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu do giá gạo Pakistan giảm mạnh.

Việt Nam

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời điểm kết thúc tuần 22/5 đạt 355 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 5 USD/tấn so với tháng trước và khi giảm 50 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2014.

Giai đoạn từ 1/1 đến 14/5, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,686 triệu tấn. Giá xuất khẩu bình quân đến nay đạt 419 USD/tấn (FOB), giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan

Gạo 5% tấm Thái Lan tuần kết thúc vào 22/5 được chào bán với giá 375 USD/tấn, không đổi so với tuần trước, nhưng giảm 10 USD/tấn so với tháng trước, trong khi tăng 5 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Thái Lan đã quyết định xả bán 2 triệu tấn gạo lưu kho quốc gia trong 2 tháng tới.

Bộ Thương mại Thái Lan tuyên bố gần 11 triệu tấn trong số 16 triệu tấn gạo lưu kho quốc gia là dưới tiêu chuẩn cho phép.

Ấn Độ

Giá gạo 5% tấm Ấn Độ trong tuần kết thúc vào 22/5 có giá 375 USD/tấn, không đổi so với tuần trước và tháng trước, nhưng giảm 55 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, diện tích gieo cấy vụ chính kharif bắt đầu từ 22/3/2015 đạt 268.000 ha, tăng 17,5% so với năm ngoái.

Pakistan

Gạo 5% tấm Pakistan phiên cuối tuần 22/5 có giá 410 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tuần trước, nhưng tăng 30 USD/tấn so với tháng trước, trong khi giảm 15 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo của Pakistan, cả basmati và non-basmati, trong tháng 4/2015 giảm 24% xuống 360.446 tấn, sau khi tăng trong tháng 3.

Philippines

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã phê chuẩn cho Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) nhập khẩu 250.000 tấn gạo để bổ sung dự trữ bắt buộc trong vụ giáp hạt (tháng 7 - tháng 9), do lo ngại tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo năm 2015 Philippines nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo để ổn định giá gạo nội địa và bổ sung dự trữ quốc gia. Hơn nữa, hiện tượng thời tiết El Nino gây khô hạn cũng có thể buộc quốc gia Đông Nam Á này phải tăng nhập khẩu gạo trong năm nay.

Campuchia

Campuchia hy vọng tăng hạn ngạch xuất khẩu gạo năm 2015-2016 (tháng 5 - tháng 4) sang Trung Quốc lên 200.000 tấn từ mức 100.000 tấn hiện nay.

Một đoàn đại biểu Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Thương mại dẫn đầu sẽ đến thăm Campuchia vào tuần tới để thảo luận hợp tác thương mại giữa 2 bên cũng như việc tăng hạn ngạch xuất khẩu gạo.

Trung và Nam Mỹ

Chỉ số lúa Brazil do Trung tâm Nghiên cứu về Kinh tế học ứng dụng (CEPEA) theo dõi tính đến 18/5/2015 đạt 35,04 real/50kg, giảm 1% so với 35,36 real/50kg ghi nhận hôm 11/5/2015. Tính theo USD, chỉ số này đạt 232,52 USD/tấn hôm 18/5/2015, giảm 2% so với 237,12 USD/tấn hôm 11/5/2015.

Giá gạo 5% tấm của Uruguay và Argentina tuần kết thúc vào 22/5 đạt 565 USD/tấn, không đổi so với tuần trước và tháng trước nhưng giảm 60 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ

Giá gạo 4% tấm của Mỹ trong tuần kết thúc vào 22/5 đạt 470 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước và tháng trước, và giảm 115 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường khác

Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF) dự đoán xuất khẩu gạo của nước này trong năm tài khóa 2015-2016 (tháng 4 - tháng 3) đạt 2 triệu tấn, tăng 18% so với năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu của Trung Quốc, châu Phi và châu Âu tăng. Theo Kế hoạch Chiến lược Quốc gia, chính phủ Myanmar đặt mục tiêu tăng diện tích trồng lúa lên 7,7 triệu ha và năng suất lên 4,1 tấn/ha; sản lượng gạo lên 15,9 triệu tấn và xuất khẩu 6 triệu tấn vào năm 2030.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính nhập khẩu gạo của Indonesia năm 2015-2016 giảm 25% do sản lượng tăng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng do tác động của hiện tượng El Nino, Indonesia có thể phải tăng nhập khẩu gạo trong năm nay.

FAO ước tính nhập khẩu gạo của Hàn Quốc năm 2014-2015 (tháng 10 - tháng 9) đạt 460.000 tấn.

Hữu Thanh