Ảnh: Nikkei Asian Review

 
Hà Linh Thứ Ba | 04/06/2019 15:28

Thị trường fitness ở Campuchia và Việt Nam thu hút đầu tư từ Nhật Bản

Thị trường các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe tăng trưởng hơn 50% mỗi năm.

Những vòng eo ngày một phình to ở Campuchia và Việt Nam đang thu hút các công ty Nhật Bản, khi họ muốn hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe.

Nhà sản xuất dụng cụ thể thao Mizuno và Gunze Sports, đã tạo được chỗ đứng tại Việt Nam và Campuchia, cả 2 nước đều chứng kiến ​​sự tăng trưởng hàng năm trên 50% trong lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là về thể dục.

Gunze vận hành hai phòng tập thể dục ở Campuchia, nơi thị trường liên quan đến sức khỏe dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 60% lên hơn 460 triệu USD vào năm 2023 so với năm 2015, theo Euromonitor.

Vốn hầu như ít được biết đến bên ngoài Nhật Bản, Gunze đã mở phòng tập thể dục ở nước ngoài đầu tiên tại một khu dân cư cao cấp ở Phnom Penh vào tháng 6 năm 2017, “nhằm đi trước các đối thủ nước ngoài khác”, theo lời của ông  Kazuhiro Norihide - phó chủ tịch của Gunze Campuchia.

Phòng tập thể dục thứ hai tại Phnom Penh của công ty khai trương vào tháng 6 năm ngoái.

Nhưng Gunze không dành cho tất cả mọi người. Trong khi các cơ sở tập thể dục tại các công viên công cộng có giá khoảng 1 USD/ngày, thẻ thành viên Gunze có giá dự kiến từ 80 đến 90 USD/tháng - một mức giá có vẻ cao đối với nhiều người dân, ngoại trừ những người có thu nhập trung bình và cao.

Tuy nhiên, dường như có rất nhiều khách hàng có ý thức về sức khỏe ở thủ đô của Campuchia sẵn sàng trả mức phí tương đối cao, ngang bằng với các phòng tập thể dục của Gunze tại Nhật Bản.

"Tôi đến đây mỗi ngày để làm mới bản thân", Khouth Nearylyvan, một bà nội trợ 56 tuổi nói. Và bà thực sự không có nhiều lựa chọn, vì hiện tại chỉ có một số đối thủ cạnh tranh có trang thiết bị tương tự như Gunze, như bể bơi và phòng tập.

Nhưng nhiều cơ sở khác sẽ sớm xuất hiện trong tương lai. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, JETRO, cho thấy chi tiêu liên quan đến sức khỏe bình quân đầu người ở Campuchia là khoảng 53 USD/tháng, cao hơn so với nước láng giềng Đông Nam Á giàu có là Indonesia, khoảng 37 USD/tháng.

Việt Nam cũng đang quan tâm nhiều hơn đến phòng tập thể dục và các dịch vụ liên quan đến sức khỏe khác khi thói quen ăn uống thay đổi và ngày càng có nhiều người béo phì hơn. Đất nước này hiện chiếm 30% tổng số cơ sở tập thể dục trong số 6 thành viên chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Asean.

Thi truong fitness o Campuchia va Viet Nam thu hut dau tu tu Nhat Ban
 

California Fitness & Yoga hiện có khoảng 100.000 thành viên, chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, trong khi các cơ sở khác đang mọc lên trên khắp đất nước.

"Tôi nghĩ rằng người dân tại Việt Nam một sự quan tâm lớn đến thể thao như là một cách để duy trì sức khỏe tốt," Eitaro Kojima, một giám đốc tại Phòng nghiên cứu nước ngoài của JETRO, cho biết.

Chính phủ Việt Nam dường như cũng quan tâm đến việc trẻ em không tập thể dục đúng cách. Chương trình giáo dục Việt Nam hiện đang thay đổi theo hướng chú trọng việc cân bằng các bài giảng trên lớp với giáo dục thể chất nhiều hơn tại các trường tiểu học.

Nắm bắt được xu hướng này, Mizuno đang cố gắng để nâng cao nhận thức về thương hiệu của mình tại Việt Nam thông qua chương trình thể thao dành cho trẻ em có tên Hexathlon. Chương trình, bao gồm chạy, nhảy và các hoạt động khác, dự kiến ​​sẽ khởi động tại khoảng 15.000 trường tiểu học công lập từ tháng 9 tới.

Mizuno đã thiết kế chương trình Hexathlon đặc biệt cho các trường học nhỏ ở Việt Nam, mà hầu hết trong số đó không có chỗ cho sân chơi thể thao.

Cả Mizuno và Gunze Sports đều hy vọng những nỗ lực của họ sẽ được đền đáp bằng việc thu về doanh số bán các sản phẩm và dịch vụ liên quan, khi thị trường liên quan đến sức khỏe ở hai nước sẽ tiếp tục phát triển.

Nguồn Nikkei Asian Review