Cẩm Tú Thứ Ba | 10/05/2022 13:30

Thị trường F&B Việt Nam làm nhỏ thắng lớn

Trong khi nhiều ông lớn F&B báo lỗ khủng, các doanh nghiệp tập trung vào phân khúc bình dân lại liên tiếp mở rộng kinh doanh.

Đại dịch COVID-19 đã làm cho các chuỗi nhà hàng lớn lỗ nặng. Dù vẫn duy trì hoạt động 12 nhà hàng tại Việt Nam nhưng trong năm 2021, chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao toàn cầu đã lỗ hơn 710 triệu USD do phải đóng cửa hơn 300 địa điểm.

Tại thị trường Việt Nam, các chuỗi nhà hàng của Golden Gate báo lỗ hơn 431 tỉ đồng. Chuỗi Pizza 4P’s lỗ gần 38 tỉ đồng. Mặt Trời Đỏ, đơn vị quản lý của các chuỗi Khao Lao, King BBQ... sau tin đồn phá sản vào giữa năm ngoái đến nay vẫn duy trì hoạt động nhưng phải đóng cửa khá nhiều nhà hàng.

Các thương hiệu ẩm thực khác như Tokyo Deli, Chang Kang Kung, Cơm tấm Cali, Hoàng Yến... đã phải giảm số lượng nhà hàng so với thời điểm trước đại dịch.

 

Tổng doanh thu của 78 doanh nghiệp F&B niêm yết năm 2021 đạt 279.000 tỉ đồng, tăng chỉ 5,6% so với cùng kỳ, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Chi phí sản xuất tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp, nên lợi nhuận của khối doanh nghiệp F&B chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ. 

Chưa hết, chi phí phòng chống dịch bệnh cộng với chi phí kích thích tiêu dùng tăng cao đã kéo chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng theo. Kết quả là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi 2021 của các doanh nghiệp F&B giảm 2,3%.

Trong khi các doanh nghiệp F&B lớn buộc phải cắt giảm số lượng nhà hàng thì một số doanh nghiệp F&B khác kinh doanh với chiến lược “đánh” vào phân khúc bình dân hơn lại liên tiếp mở rộng hoạt động. 

Trong năm 2020, thương hiệu sữa chua trân châu Hạ Long mở thêm gần 200 cửa hàng. Đến nay, tên tuổi còn khá mới này có khoảng 250 cửa hàng trên toàn quốc. Học theo mô hình bán sữa chua và thức ăn nhẹ, chuỗi cửa hàng sữa chua trân châu Quảng Ninh sau 1 năm gia nhập thị trường đã có hơn 100 cửa hàng.

Mỗi cửa hàng diện tích trên dưới 50 m2 có chi phí đầu tư ban đầu từ 200-300 triệu đồng, thời gian thu hồi vốn nhanh, đang phát triển khá nhanh ở các tỉnh lẻ, nơi các thương hiệu trà sữa đắt tiền khó vươn tới.

 

Cuối năm 2021, chuỗi cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bán kem cùng các loại nước giải khát mang thương hiệu Chuk Chuk thuộc Tập đoàn Kido cũng ra mắt tại TP.HCM. Mỗi cửa hàng trong chuỗi Chuk Chuk có vốn ban đầu khoảng 1 tỉ đồng, ki-ốt có mức vốn 200 triệu đồng và các xe đẩy ở mức 100-150 triệu đồng.

Kido đặt mục tiêu năm 2025 sẽ có 1.000 cửa hàng trên toàn quốc với tổng doanh thu 7.800 tỉ đồng. Thông qua đối tác Central Retail Việt Nam, chuỗi F&B của Kido sẽ xuất hiện ở tất cả trung tâm thương mại Go!, Big C và Tops Market, định hướng mở rộng sang thị trường Thái Lan và các nước Đông Nam Á theo hình thức nhượng quyền, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, cho biết.

Hiện trung bình mỗi cửa hàng bán được khoảng 500-700 hóa đơn/ngày. Kido kỳ vọng đến hết năm 2022 sẽ mở khoảng 300-400 cửa hàng Chuk Chuk ở Việt Nam và kết nối với các đối tác chiến lược để đưa chuỗi vươn ra Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Ở phân khúc cửa hàng bán thức ăn nhẹ, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện chiến lược tương tự. Tập đoàn Thái Lan Exquisine Global, đơn vị đứng sau sự thành công của chuỗi thương hiệu nhượng quyền Mango Tree và các nhà hàng COCA trên khắp thế giới, chuẩn bị đưa Yenly Yours, thương hiệu cửa hàng chuyên các món tráng miệng từ trái cây vào Việt Nam.

Doanh nghiệp này dự kiến có ít nhất 50 cửa hàng Yenly Yours được Exquisine Global phát triển và nhượng quyền tại Việt Nam trong những năm tới, ông Trevor MacKenzie, Giám đốc Điều hành của Exquisine Global, tiết lộ.

Hiện có khoảng 80% thị trường cửa hàng ăn uống trong nước vẫn nằm ở mảng thức ăn đường phố với các cửa hàng nhỏ. Mô hình chuỗi có đầu tư chỉ chiếm 15%, theo kết quả khảo sát của D’corp R-Keeper Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 dần dần không còn đe dọa nền kinh tế, thị trường nhà hàng chuỗi tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng với quá trình đô thị hóa đang tiếp diễn. Mới đây, Golden Gate công bố kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng trong vài năm tới, bằng gấp rưỡi số nhà hàng hiện có trên toàn quốc.

Nova F&B thuộc Tập đoàn Novaland đặt mục tiêu phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm với hàng trăm chuỗi nhà hàng, cà phê, bar, club... Hiện Nova F&B đang tích cực mua nhượng quyền nhiều thương hiệu với tham vọng trở thành một trong những công ty F&B lớn tại Việt Nam. 

Tập đoàn bán lẻ Central Group cũng lấn sân sang lĩnh vực ẩm thực từ năm 2020. Bên cạnh xây dựng hệ thống Café Amazon tại TP.HCM và các đô thị vệ tinh, Central Group đang bước đầu mở thêm chuỗi nhà hàng Hôm Kitchen, Hôm Dimsum.