Thứ Năm | 26/06/2014 17:59
Thị trường đường có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong tháng 6
Lượng đường tiêu thụ tăng, tốc độ hàng tồn kho giảm mạnh hơn đã ảnh hưởng tích cực đến giá đường trong nước.
Thị trường đường đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực khi lượng đường tiêu thụ của các nhà máy trong tháng 6 có dấu hiệu tăng cao so với cùng kỳ. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/5/2014 đến 15/6/2014 là 149.870 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 28.480 tấn.
Số liệu thống kê đường tồn kho của cả nước cho thấy tốc độ giảm của hàng tồn kho trong tháng 6 nhanh hơn so với tháng 5 do tiêu thụ đường của thị trường trong tháng 6 tăng nhanh hơn so với tháng 5.
Lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15/6/2014 là 548.940 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 56.430 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước chỉ có 12%. Trong khi đó trong tháng 5 lượng đường tồn kho đạt mức 678.000 tấn, ước cao hơn 20% cùng kỳ, trong đó 14.000 tấn đường tồn tại các doanh nghiệp thương mại.
Lượng đường tiêu thụ tăng, tốc độ hàng tồn kho giảm mạnh hơn đã ảnh hưởng tích cực đến giá đường trong nước. Giá bán đường tháng 6 tăng khoảng 300 – 500 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể giá bán 1kg đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại cửa kho nhà máy:
| Giá đường |
Miền Bắc | 12.500 - 13.000 đồng
|
Miền Trung - Tây Nguyên | 12.400 - 13.300 đồng
|
Miền Nam | 13.000 đồng
|
Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối tính đến ngày 15/6/2014, nhà máy cuối cùng là KCP đã dừng sản xuất, kết thúc vụ ép 2013-2014. Các nhà máy đã ép được 16.139.500 tấn mía, giảm 162.900 tấn; sản xuất được 1.584.980 tấn đường, tăng 77.030 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tiêu thụ đường năm 2014 dự báo tăng 15%
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước năm 2014 dự báo sẽ tăng 15% so với năm 2013, tính ước khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó các doanh nghiệp đăng ký kế hoạch năm 2014 khoảng 890.000 tấn đường tinh luyện.
Thông tin này được đưa ra sau khi Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) có công văn gửi Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có sử dụng đường báo cáo nhu cầu đường năm 2014.
Qua đó cho thấy, một số doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất như: Công ty Tân Hiệp Phát, Orion, cà phê Biên Hòa, RedBull, CocaCola, Nestle, Bibica... nên nhu cầu sử dụng đường sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đồng thời, tồn kho đường sẽ giảm dần, dự báo còn khoảng 500.000 tấn vào cuối tháng 6 này.
Nguồn Theo DVO