Thị trường dầu thế giới: Khi nào cầu sẽ chạm đỉnh?
Giá dầu đã rơi không phanh kể từ tháng 6.2014, giảm tới hơn 70% và chạm mức thấp nhất kể từ năm 2004 tới nay. Hồi giữa tháng 1, giá dầu có lúc xuống dưới mức 30 USD/ thùng, trước khi bắt đầu hồi phục lại và tạm vượt ngưỡng 40 USD/thùng vào cuối tuần qua.
Lên rồi phải xuống
Tại trung tâm dầu khí của Mỹ là Texas, các chỉ số hoạt động kinh tế của bang này đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.2009. Thuế dầu khí của 4 tháng đầu năm tài khóa 2016 cũng đã giảm tới 49% so với năm ngoái.
Ở Ả rập Saudi, chính phủ nước này đã siết chặt ngân sách hồi tháng 12 vừa qua, sau khi phải đối mặt với tình hình tài chính tồi tệ nhất trong vòng 15 năm qua. Theo IMF ước tính, các nước vùng Vịnh đã thất thu 300 tỉ USD trong năm ngoái do giá dầu đi xuống. Chỉ khi giá dầu quay lại mức 75 USD/thùng, các nước này mới có thể cân đối ngân sách.
Để thực hiện chính sách kích cầu, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu là Na Uy đã quyết định dùng tới tiền từ quỹ đầu tư quốc gia, lần đầu tiên kể từ khi thành lập quỹ cách đây 26 năm. Ngân hàng Trung ương Na Uy dự báo chính phủ nước này sẽ phải rút 10 tỉ USD trong năm nay, cao gấp 18 lần so với dự toán hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo thống kê của Công ty tư vấn Graves & Co hồi tháng 11.2015, tổng số người mất việc trong ngành dầu khí vì khủng hoảng giá dầu đã lên tới 250.000 và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ đó tới nay, một loạt các hãng lớn đã công bố thêm kế hoạch cắt giảm tiếp nhân sự, như Royal Dutch Shell (10.000 người), Chevron (7.200 người) và BP (8.000 người). Tại Việt Nam, Vietsovpetro vừa cho biết Công ty đang chuẩn bị phương án giảm hơn 2.000 nhân viên (gần 30% nhân sự) trong 5 năm tới, sau khi đã giảm 600 người trong 2 năm qua.
Lý do khiến giá dầu giảm mạnh và đẩy các nhà sản xuất dầu vào tình trạng bết bát chính là quy luật cung cầu đơn giản. Việc giá dầu lên tới gần 120 USD/thùng vào đầu năm 2011, cộng thêm tình trạng lãi suất thấp kỷ lục tại Mỹ, đã dẫn tới việc gia tăng mạnh đầu tư vào các công nghệ khai thác mà trước đó bị xem là không có lãi, đặc biệt là khai thác từ đá phiến và cát tại Bắc Mỹ. Trong giai đoạn 2010-2013, các khoản đầu tư vào ngành dầu khí toàn cầu đã tăng đều đặn 12%/năm. Cũng theo đó, từ cuối năm 2011 đến nay, sản lượng dầu của Mỹ đã gia tăng hơn 70%, tăng thêm gần 4 triệu thùng/ngày, hầu hết là nhờ các dàn khoan dầu đá phiến ở Bắc Dakota.
Chênh lệch cung và cầu dầu mỏ toàn cầu khiến giá dầu giảm mạnh |
Các thay đổi về chính trị cũng góp phần không nhỏ vào hiện tượng tăng cung mạnh. Việc Nga bị cấm vận và trì trệ kinh tế khiến nước này tăng sản lượng dầu lên mức cao nhất từ năm 1990 tới nay để bù đắp lại. Họ có thể dễ dàng làm được điều này vì ngành dầu khí Nga vẫn có lãi với giá 20 USD/thùng, theo phân tích từ Citigroup. Ngoài ra, việc Iran vừa được dỡ cấm vận gần đây cũng khiến cho lượng dầu xuất khẩu của nước này tăng theo.
Trong khi đó, vấn đề từ Trung Quốc cũng đang làm nhiều người trong ngành dầu khí mất ăn mất ngủ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Năm 2015, nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc chỉ tăng 2,5%, theo tính toán của Reuters. ExxonMobil thì dự đoán rằng con số này chỉ tăng thêm 2,2%/năm từ đây cho tới năm 2025.
Lý thuyết đỉnh cầu
Theo số liệu mới nhất từ Baker Hughes, số lượng các dàn khoan dầu khí đang hoạt động tại Bắc Mỹ đã giảm 17% so với đầu tháng 2.2016 và giảm gần 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), mặc dù sản lượng dầu nước này đang trên đà đi xuống và sẽ đạt mức ổn định vào cuối năm nay, nhưng khi đó, sản lượng vẫn là 8,5 triệu thùng, cao hơn gần 55% so với mức hồi cuối năm 2011. Theo chuyên gia Arthur Berman, người có 36 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí, mặc dù các công ty dầu đang lỗ nhưng việc khai thác khó có thể ngừng hẳn, vì họ vẫn cần phải có tiền mặt để thanh toán nợ.
Ngoài ra, vẫn còn đó một lượng dầu dự trữ toàn cầu lên tới hơn 3 tỉ thùng và lượng dự trữ này sẽ tiếp tục tăng cho đến hết năm 2017. Phân tích của Arthur Berman cũng cho thấy lượng dự trữ dầu ở các kho chứa lớn nhất nước Mỹ đều đang ở mức 83-89% tổng sức chứa. “Giá dầu rất khó tăng lại trừ khi con số này tụt xuống dưới 80%”, ông nói.
Nói về việc cung cầu dầu mỏ, không thể không nói đến ngành xe hơi, vốn thường xuyên tiêu thụ từ 40-45% lượng dầu. Trong vài năm qua, công nghệ xe hơi điện (EV) đã có nhiều tăng trưởng vượt bậc và không sớm thì muộn cũng sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.
Hôm 25.2, Bloomberg đã công bố một báo cáo về triển vọng của ngành EV trong 20 năm tới. Theo đó, đến năm 2040, EV sẽ chiếm tới 35% tổng số xe hơi mới được bán ra trên toàn cầu. Nếu tốc độ tăng trưởng của thị trường EV cứ như hiện nay là 60%/năm, đến năm 2024, lượng dầu tiêu thụ sẽ giảm đi 2 triệu thùng/ngày.
Nhìn toàn cảnh hơn, có một chủ đề khác mà giới chuyên gia năng lượng đang sôi nổi thảo luận trong vòng 1 năm trở lại đây. Ðó là lý thuyết về đỉnh cầu của dầu mỏ (Peak Oil Demand Theory). Theo những người tin vào thuyết này, tổng lượng dầu tiêu thụ toàn cầu sẽ chạm đỉnh trong vòng 20-25 năm tới và từ đó bắt đầu đi xuống, do dầu mỏ sẽ phải nhường chỗ cho các dạng năng lượng khác.
Trên thực tế, điều này đã xảy ra ở các nước phát triển. EIA đánh giá rằng nước Mỹ đã chạm đỉnh cầu xăng dầu vào năm 2007. Mức tiêu thụ dầu tại châu Âu trong năm qua đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa thập niên 1990. Theo CEO Ian Taylor của công ty giao dịch dầu lớn nhất toàn cầu Vitol, thế giới có thể sẽ chạm mức đỉnh cầu vào năm 2030. Ông Taylor nói thêm: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ còn thấy dầu lên giá 100 USD/thùng lần nào nữa”.
Còn theo chuyên gia Amy M. Jaffe của Ðại học UC Davis, người đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng về Tương lai Ngành dầu khí của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các tiến bộ công nghệ trong thời gian tới sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Một ví dụ rất đáng chú ý là việc tổng quãng đường đi lại của các xe cá nhân tại Mỹ đã liên tục gia tăng trong vòng 5 năm qua, nhưng tổng lượng xăng tiêu thụ thì đang chững lại và có dấu hiệu sẽ đi xuống, do các tiến bộ về công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, chỉ riêng các ứng dụng di động giúp tài xế tìm đường tốt hơn và tránh kẹt xe đã giúp nước Mỹ tiết kiệm 11 tỉ lít xăng mỗi năm. Nghiên cứu của Ðại học UC Berkeley thì cho thấy rằng việc xuất hiện các dịch vụ kinh tế chia sẻ như Uber hay Lyft đã làm giảm đáng kể tỉ lệ sở hữu xe riêng.
Theo nhận định từ McKinsey, các dự đoán chính thống rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng đều đặn 1,1% hằng năm trong vòng 25 năm tới khó có thể trở thành hiện thực. Thay vào đó, McKinsey dự đoán rằng tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu của năm 2040 có thể chỉ tăng vỏn vẹn 4% so với năm 2010.
Tuấn Minh
Nguồn Tổng hợp