Thứ Hai | 04/05/2015 09:49

Thị trường dầu sẽ tái cân bằng vào đầu năm 2016

Nhu cầu dầu toàn cầu dự báo tăng thêm 1-1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2015.

Cùng với sự sụt giảm sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong nửa cuối năm nay khi số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm bắt đầu “tác động” đến sản lượng, và có thể đủ để đưa thị trường dầu về gần mức cân bằng vào đầu năm 2016.

Tiêu thụ dầu thế giới sẽ tăng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2015, theo dự báo của cả Cơ quan Năng lược Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Ian Taylor, giám đốc điều hành Vitol, hãng thương mại dầu thô lớn nhất thế giới, cũng dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong cuộc một hội thảo do Financial Times tổ chức.

Paul Reed, phụ trách thương mại dầu thô của BP, dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu lên đến 1,5 triệu thùng/ngày, Financial Times đưa tin.

11 năm trong 20 năm qua, tiêu thụ dầu đã tăng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày, theo EIA, do vậy, tăng trưởng nhu cầu dầu ở 1-1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2015 cũng không phải là ngoại lệ.

Hơn nữa, nhu cầu tăng thêm 1 triệu thùng/ngày vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trong 10 hay 20 năm qua. Tiêu thụ tăng 1 triệu thùng/ngày chỉ tương đương mức tăng 1,1%.

Hai thập kỷ qua, tăng trưởng nhu cầu dầu thô không đạt tỷ lệ này chỉ khi các nền kinh tế phát triển rơi vào suy thoái và sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Giao thông vận tải

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng trung bình, tiêu thụ dầu luôn tăng ít nhất 1%, tương đương 1 triệu thùng/ngày, đôi khi cao hơn.

Dự báo của IEA, EIA, Vitol và BP do vậy khá thực tế, miễn là kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.

Tiêu thụ dầu luôn gắn bó chặt chẽ với nhu cầu đi lại và vận tải. Ngành giao thông vận tải chiếm 60% tiêu thụ dầu toàn cầu, theo ước tính của OPEC trong Viễn cảnh Dầu thô Thế giới 2014.

Tại Mỹ, ¾ tiêu thụ dầu được sử dụng ở dạng nhiêu liệu cho xe hơi, xe tải, tàu hỏa, tàu thủy và máy bay trong năm 2012.

Hàng không thế giới và tàu biển, mỗi ngành tiêu thụ hơn 5 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày để vận chuyển người và hàng hóa khắp thế giới.

Người sử dụng xe hơi và các hãng xe tải tại Mỹ tiêu thụ hơn 11 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày và ngành giao thông đường bộ toàn cầu tiêu thụ khoảng 36 triệu thùng/ngày.

Trong những năm gần đây, nhu cầu giao thông toàn cầu phần nào bị hạn chế, thứ nhất do giá nhiên liệu tăng mạnh giai đoạn 2004-2008 và sau đó là tác động của suy thoái kinh tế tại các nền kinh tế phát triển giai đoạn 2008-2012.

Bùng nổ nhu cầu đi lại và giao thương

Nhưng giá dầu đã giảm một nửa từ tháng 6 /2014 nhờ cuộc cách mạng đá phiến và viễn cảnh kinh tế toàn cầu ổn định nhưng không tăng trưởng đột phá.

Khi những yếu tố cản trở nên được loại bỏ, nhu cầu giao thông toàn cầu dự đoán tăng trưởng mạnh trong năm 2015 và 2016 và cùng với đó là nhu cầu nhiên liệu tăng theo.

Khối lượng thương mại toàn cầu năm 2015 dự đoán tăng 3,3% và tăng 4% trong năm 2016, theo dự đoán của WTO.

Trong ngành hàng không, số lượng hành khách dự đoán tăng thêm 6,5% từ năm 2014 lên 3,53 tỷ hành khách năm 2015, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Các hãng hàng không cũng sẽ chuyển chở thêm 2,2 triệu tấn hàng hóa, tăng 4% so với năm 2014.

Kết quả là, IATA dự đoán tiêu thụ nhiên liệu của các hãng hàng không sẽ tăng tương ứng 260.000 thùng/ngày.

Về vận tải đường biển, tiêu thụ nhiên liệu sẽ tăng với khối lượng tương tự, thậm chí cao hơn, khi lượng hàng hóa tăng.

Tái cân bằng

Chỉ 3 nguồn - vận tải đường biển, hàng không và đường bộ của Mỹ - có thể chiếm từ 750.000 đến 1 triệu thùng mỗi ngày trong tổng nhu cầu dầu tăng thêm trong năm 2015.

Nếu giá nhiên liệu rẻ hơn khuyến khích người dân sử dụng xe riêng nhiều hơn và vận tải đường bộ tăng lên tại các nền kinh tế phát triển, và nhu cầu giao thông tiếp tục tăng tại các thị trường mới nổi ở châu Á và châu Mỹ Latin, có thể dễ dàng dự đoán tiêu thụ dầu tăng thêm 1 triệu thùng/ngày, thậm chí 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.

3 tháng đầu năm 2015, dự trữ dầu thô của Mỹ trung bình tăng 1 triệu thùng/ngày và phần lớn giới phân tích đều cho rằng dư cung toàn cầu hiện đạt 1,5-2 triệu thùng/ngày.

Khi nhu cầu dầu toàn cầu dự đoán tăng thêm 1-1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ ước gảm 150.000-300.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, thị trường dầu toàn cầu dự đoán sẽ trở lại gần trạng thái cân bằng vào đầu năm 2016.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu tố cản trở. Thứ nhất và quan trọng nhất là khả năng Iran tăng xuất khẩu dầu thô trong trường hợp các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Iran có thể tăng xuất khẩu thêm 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày chỉ trong một thời gian ngắn khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Thứ hai là dự đoán sản lượng dầu đá phiến của Mỹ giảm không thành hiện thực. Giá dầu nội địa của Mỹ đã tăng hơn 20% từ mức thấp nhất trong thời gian qua.

Tuy vậy, thị trường dầu thô dự đoán sẽ trở lại trạng thái cân bằng vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới miễn là giá dầu vẫn tương đối thấp và kinh tế toàn cầu tránh được nguy cơ suy thoái. 

Nguồn NCĐT/Reuters