Thị trường đang trống không và Bách Hóa Xanh sẽ đến đích
Hai vấn đề được cổ đông quan tâm nhiều thời gian qua là tình hình Bách Hóa Xanh và Trần Anh chiếm phần lớn thời lượng của phiên chất vấn tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) tổ chức chiều ngày 16.03.2018
Bách Hóa Xanh sẽ đến đích
Trong cuộc họp này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG cho biết sẽ không đạt nặng việc mở rộng chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (DMX) trong năm 2018, mà dồn lực cho Bách Hóa Xanh (BHX). Tổng Giám đốc Trần Kinh Doanh cũng chia sẻ, Công ty sẽ không mở rộng mảng điện thoại và điện máy ồ ạt trong năm 2018 nữa.
Trả lời câu hỏi về việc BHX đang có khó khăn gì, ông Doanh cho biết hiện BHX có hai khó khăn lớn. Thứ nhất là hệ thống quản lý hiện tại chưa đáp ứng được những yếu tố mới phát sinh trong quá trình xây dựng chuỗi. Ông Doanh kì vọng đến tháng 6 xử lý xong khó khăn này. Khó khăn thứ hai là do tốc độ mở rộng khá nhanh vào quý IV.2017, số lượng cửa hàng có doanh thu thấp xuất hiện ngày một nhiều (khoảng 300-400 triệu đồng) và theo ông Doanh, BHX đang khắc phục điều này. Trước đó, cũng theo ông Doanh, vào khoảng quý II-quý III 2017, chuỗi BHX có khoảng 150 cửa hàng, doanh thu 1 cửa hàng đã lên đến 800 triệu đồng, thậm chí là một tỷ đồng.
Một cổ đông từ Hà Nội hỏi khó: “Nếu Bách Hóa Xanh thất bại thì công ty có kế hoạch nào khác?" Ông Doanh khẳng định 500 cửa hàng phải “ok” chứ không có con đường nào khác. Chuyện thất bại là khó có thể xảy ra. Ông Doanh cho biết việc khắc phục những khó khăn kể trên chỉ là vấn đề thời gian.
Ông Robert Alan Willett, thành viên HĐQT của MWG và từng điều hành chuỗi thực phẩm tại châu Âu và Mỹ với 6.200 cửa hàng, cũng chia sẻ: “Tôi chỉ có thể nói với các bạn rằng những bước tiến mà Bách Hóa Xanh đã đạt được trong 2 năm qua là không ít hơn một sự thần kì. Tôi thật sự kinh ngạc khi BHX đã thành công trong việc nâng margin (lãi gộp) từ 7% lên 14% và hiện hướng đến mục tiêu 18% trong năm nay. Để làm được những điều trên, chuỗi cửa hàng Marks&Spencer ở Anh phải mất đến 7 năm”.
Về giá cả, ban lãnh đạo MWG khẳng định không bán giá đắt hơn chợ. Lấy ví dụ bản thân hay đi mua rau củ quả tại cửa hàng tiện lợi thì mắc hơn ở chợ, ông Tài khẳng định: “Bạn sẽ không phải trả giá cao hơn cho sự tiện lợi khi mua hàng tại Bách Hóa Xanh”.
Về chiến lược mở cửa hàng của BHX, ông Doanh cho biết, năm nay MWG vẫn chỉ tập trung vào Thành phố Hồ Chí Minh. Việc mở cửa hàng sẽ không nằm trong những trục đường chính nơi giá thuê mặt bằng cao ngất, mà sẽ rất gần nơi mà người dân sinh sống.
Trả lời về việc khi nào BHX sẽ sinh lãi, ông Tài chia sẻ: “Chúng tôi đã có hai năm tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều thứ để xây dựng và quản trị nó, thời gian xây dựng có thể kéo dài thêm 1-2 năm nữa, nhưng chắc chắn nó [BHX] sẽ về đích. Bởi vì, doanh thu, lượng khách hàng ghé thăm cửa hàng đã chứng minh điều đó. Với tôi, một nhà bán hàng, tôi có niềm tin rất rõ ‘Nếu mình có khách hàng thì chắc chắn sẽ thành công’…miễn là khách hàng hài lòng với chất lượng và dịch vụ của BHX. BHX sẽ nỗ lực xây dựng hệ thống, để từ lượng khách hàng đó có thể chuyển thành hiệu quả”.
Ông Tài lưu ý nhu cầu dành cho BHX luôn có, BHX không phải là đi giành thị phần mà đang ở trạng thái “thị trường trống không”, thị trường đang lung tung, có hơn 1 triệu người bán nhìn vào người mua mà phán giá và vấn đề là phải giành được lòng tin của khách hàng. Công ty nào có năng lực khai phá, quản trị và phục vụ sẽ có thể lấy khách hàng về tay mình. Đó là vấn đề về thời gian. Trong buổi họp mặt nhà đầu tư gần đây, ông Tài cũng cho biết MWG hướng đến lấy việc 10% thị phần trong 70% của chợ truyền thống về các mặt hàng chế biến và sản phẩm tươi sống.
Trần Anh vẫn sinh lãi
Về Trần Anh(TA), ông Trần Kinh Doanh cho biết, MWG đã hoàn tất mọi thủ tục vào tháng 10.2017. Vì là lần đầu tiên mua lại một doanh nghiệp, quá trình này đã xảy ra một vài sự cố như thiếu hàng, nên doanh thu Trần Anh có bị ảnh hưởng. Vào thời điểm đó, Trần Anh hầu như không có thay đổi, MWG chỉ khắc phục những thiếu sót như bổ sung hàng hoá để giúp hoạt động của Trần Anh ổn định.
Về tình hình hiện nay của Trần Anh, ông Doanh so sánh 1 cửa hàng TA và 1 cửa hàng DMX, lãi gộp DMX chênh lệch 5-6% so với lãi gộp của TA. Chi phí của TA cao hơn 3% với cùng một mức doanh thu. Ông Doanh nhận xét sự cạnh tranh về giá của Trần Anh ở miền Bắc sẽ khó khăn hơn. MWG đặt chỉ tiêu vào tháng 7, chênh lệch lãi gộp giữa DMX và TA sẽ giảm xuống chỉ còn 1%. Ông Doanh ví dụ, nếu lãi gộp của DMX là 17% thì MWG sẽ cố gắng đẩy lãi gộp của TA lên 16%. Khác biệt lớn nhất giữa 2 chuỗi là chi phí đi thuê mặt bằng. Làm phép so sánh, để tạo ra 10 tỷ doanh thu, DMX chỉ cần 700-800m2. Với Trần Anh, có những cửa hàng tạo ra 10 tỷ doanh thu nhưng diện tích lên đến 1.500-2000 m2. MWG sắp xếp lại Trần Anh và giảm lệch pha chi phí xuống khoảng 1 nửa.
Ông Tài bổ sung, hiện tại các cửa hàng Trần Anh vẫn sinh lãi, do cắt được chi phí dành cho đội ngũ quản trị phía sau (back-end). Khi Trần Anh hoạt động độc lập thì phát sinh chi phí back-end, nhưng một tháng sau khi tiếp quản, những chi phí trên đã không còn. Ông nói: “Đã quản lý hơn 600 cửa hàng thì quản lý thêm 30 cửa hàng nữa là không thành vấn đề”.
Các vấn đề khác
Về chuỗi dược phẩm, ban đầu MWG dự định sẽ mua cổ phần đa số của Phúc An Khang (PAK). Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại rủi ro, MWG kết luận đây chưa phải là thời điểm chín muồi và tập đoàn đã thương lượng và chỉ giữ cổ phần dưới 49%. Các nhà sáng lập của chuỗi PAK sẽ lèo lái hoạt động kinh doanh của chuỗi này. MWG chỉ hỗ trợ với tư cách là cổ đông.
Về vấn đề doanh thu chuỗi TGDĐ tháng 1.2018 chỉ đạt mức 3.182 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ, ban lãnh đạo MWG cũng đã giải thích cụ thể là do chuyển đổi từ Thế Giới Di Động sang Điện Máy Xanh. Nhà đầu tư cần phải xem xét doanh thu tổng hợp của cả chuỗi TGDĐ và chuỗi DMX.
Về việc MWG chỉ đề ra chỉ tiêu tăng lợi nhuận khiêm tốn, ông Tài cho biết nếu đóng cửa Bách Hóa Xanh thì lợi nhuận MWG sẽ tăng 35-40%. Do phải dành 300-400 tỷ bù lỗ cho BHX trong năm nay, MWG chỉ đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng 18%. Ông Tài trích dẫn câu hỏi của nhà đầu tư lớn rằng "thường một nhà bán lẻ nước ngoài mở một chuỗi thì lợi nhuận biến mất hay giảm một nửa, vậy tại sao MWG vẫn đặt kế hoạch tăng lợi nhuận 18%?".
Về giá cổ phiếu, ông Tài cho biết không quan tâm đến cổ phiếu và không biết giá cổ phiếu MWG hiện là bao nhiêu. Tuy nhiên, ông hàm ý: “Nếu tin chuyến xe này không đến đích thì tốt nhất nên nhảy khỏi nó, còn nếu tin nó sẽ đi tới một nơi tươi đẹp thì hãy nhảy lên nó. MWG cam kết đem lại lợi nhuận xứng đáng cho các nhà đầu tư dài hạn và Công ty chưa bao giờ làm buồn lòng các nhà đầu tư dài hạn của mình”.