"Thị trường có thể đạt mốc 630 điểm trong quý II/2014"
Bên lề buổi Hội thảo Triển vọng thị trường chứng khoán 2014 do Công ty Cổ phần Chứng Khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC Securities) tổ chức ngày 7/3, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Đinh Ngọc Dũng, trưởng phòng Tư vấn Tài chính về cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay.
Thị trường đang lình xình quanh ngưỡng 570-580 điểm, nhiều người cho rằng nên đứng ngoài quan sát vì thị trường có thể sẽ điều chỉnh mạnh, còn quan điểm của ông thế nào?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Như đã đề cập trong một bài phỏng vấn vào khoảng cuối năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam 3 năm gần đây nói chung nằm trong quy luật mùa vụ mà chúng tôi gọi là “Đông Xuân Khoán”, và năm nay ít nhất là đến thời điểm này quy luật đó một lần nữa đang được khẳng định mạnh mẽ. Quy luật đó nói rằng thị trường sẽ tăng mạnh lên mặt bằng giá mới trong khoảng thời gian từ cuối năm trước đến hết quý I năm sau và có thể lan tới tháng 4-5 khi xung lượng mạnh hơn.
|
Cụ thể, vụ mùa thứ nhất từ cuối năm 2011 đến hết tháng 4/2012, chỉ số VN-Index đã tăng rất mạnh từ mức đáy khoảng 340 điểm lên gần 480 điểm. Sau đó, thị trường suy giảm trước khi hồi phục một lần nữa vào vụ mùa Đông Xuân năm 2012-2013 với việc VN-Index bật từ mức 375 điểm lên trên 500 điểm. Đến vụ mùa năm nay, suốt từ cuối tháng 4/2013 đến tầm tháng 11/2013 thị trường xoay quanh ngưỡng 480 điểm và đúng như dự đoán của tôi vào thời điểm đó thì trường đã đạt và vượt mức 550 điểm trong quý I/2014.
Diễn biến thị trường trong các phiên vừa qua là rất đáng chú ý với khối lượng giao dịch ổn định ở mức cao xoay quanh ngưỡng 570-580 điểm, nếu xung lượng được duy trì theo đúng quy luật Đông Xuân Khoán nói trên thị trường rất có thể sẽ đạt mốc khoảng 630 điểm trong quý II năm nay.
Nhiều ý kiến đang cho rằng, yếu tố đầu cơ trong những phiên gần đây là khá rõ, các đội lái xuất hiện khá nhiều, nhiều mã tăng nóng không ổn định, không rõ nguyên nhân. Ông có đồng tình với các ý kiến này?
Theo quan điểm cá nhân tôi, tại bất cứ thời điểm nào cũng có yếu tố đầu cơ, dòng tiền ngắn sẽ tận dụng tâm lý hưng phấn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để tạo nên các cơn sóng đột biến ở một vài mã cổ phiếu. Các mã cổ phiếu bất động sản luôn là tâm điểm trong suốt thời gian vừa qua và có thể sắp tới sẽ tới lượt các mã thuộc nhóm ngành khác như tài chính, khoáng sản, năng lượng... cũng sẽ lên một nhịp mới sau khi đã tăng khá mạnh trong 2 tháng rồi.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh đến tính bền vững của thị trường khi mà điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng tốt lên, mặt bằng lãi suất ngân hàng ổn định ở mức thấp, sẽ là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp tìm kiếm giá trị, và giá cả thì tất nhiên sớm hay muộn cũng sẽ phản ánh giá trị của nó, như con lắc đồng hồ luôn đi qua tâm vậy. Do đó, dòng chảy chính trong thời gian sắp tới sẽ là cơ hội cho đầu tư thực sự, có rất nhiều cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá dưới giá trị của nó một biên độ khá lớn trong thời gian dài. Mặt bằng giá cả đã nâng lên một mức tương đối trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa tiệm cận đến giá trị nội tại của cổ phiếu, do đó cơ hội đầu tư vẫn còn.
Ông đánh giá thế nào về tác động của làn sóng IPO các doanh nghiệp nhà nước lên thị trường trong thời gian tới?
Theo tôi, các tác động sẽ là rất tích cực. Một khi các doanh nghiệp lớn của nhà nước được cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường sẽ làm tăng quy mô của thị trường, tạo điều kiện hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Như người ta thường nói, chợ có đông thì mới đắt hàng và làm ăn phát đạt được.
Thêm vào đó, bản thân các doanh nghiệp được niêm yết trong thời gian tới như Vietnam Airlines, Vinalines, các doanh nghiệp thuộc ngành đường sắt, giao thông vận tải,... đều là những thương hiệu lớn, có bề dày lịch sử hoạt động sẽ góp phần nâng cao nhận thức của đại bộ phận dân chúng về tầm quan trọng của thị trường, khi đó thị trường chứng khoán sẽ thực sự trở thành hàn thử biểu cho nền kinh tế, thu hút càng nhiều nhà đầu tư. Tôi tin rằng, với lộ trình đó chứng khoán Việt Nam sẽ thực sự chuyển mình, đạt được những tăng trưởng đáng kể như hồi 2006-2007.
Hiện nay giao dịch của thị trường đang rất sôi động, ông có cho rằng dòng tiền sẽ chọn những cổ phiếu sắp IPO này không?
Hiện thị trường cũng mới chỉ bắt đầu thôi, chưa "rất sôi động" đâu. Với quy mô thị trường hiện tại, việc giao dịch tầm trên dưới 2.000 tỷ một phiên mới chỉ là khởi động ban đầu phản ánh sự quan tâm ngày một tăng lên của các nhà đầu tư với thị trường chứng khoán sau một thời kỳ dài ảm đạm. Chúng tôi hi vọng một khi các đợt IPO được tiến hành sẽ kéo theo một lượng không nhỏ các nhà đầu tư mới, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút trở lại các dòng tiền đang tạm ngủ yên hồi sinh trở lại.
Trong tháng vừa qua, chúng tôi có đợt công tác trên Cao Bằng và làm tư vấn cho một doanh nghiệp đại chúng trên đó, các cổ đông đa phần đều là nông dân và cán bộ công ty, mỗi năm nhận đều cổ tức trên dưới 30% và gần như không quan tâm đến việc mua bán cổ phiếu hay diễn biến hàng ngày của thị trường chứng khoán. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển thị trường không chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế quỹ, các tổ chức tài chính,... mà còn trải dài đến cả những người dân bình thường nhất. Một khi thị trường chứng khoán được đại chúng hóa thực sự, được xã hội hóa sâu rộng dòng vốn sẽ gia tăng trên cả các cổ phiếu sắp IPO lẫn đang niêm yết.
Được biết CTCK Apec là đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Công ty đường sắt Phía Nam, xin ông cho biết sắp tới có những doanh nghiệp nào thuộc Tổng công ty đường sắt sẽ được cổ phần hóa? Tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại những DN này sau khi cổ phần hóa là bao nhiêu?
Theo Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 04/03/2014 vừa qua, sẽ ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải đường sắt và vận tải đường thủy nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ. Đồng thời, Chiến lược cũng nêu rõ gấp rút hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp vận tải nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hoá, giảm thiểu số lượng và tỷ lệ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp vận tải, tách biệt kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt với kinh doanh vận tải thành các doanh nghiệp độc lập, khẩn trương cổ phần hoá các doanh nghiệp vận tải và cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt.
Với Chiến lược này, theo tôi trong vòng vài năm nữa toàn ngành đường sắt sẽ được cổ phần hóa toàn bộ và chúng tôi hi vọng rằng việc đơn vị đầu tiên của ngành được sắt là Công ty Cổ phần Đường sắt Phía Nam hoàn thành tái cấu trúc và đăng ký giao dịch tập trung trong khoảng giữa năm 2014 sẽ là bước khởi động ấn tượng cho toàn ngành.
Thanh Hiên - Hải Minh
Nguồn CafeF