Thứ Hai | 23/04/2012 07:23

Thị trường chứng khoán sẽ sôi động hơn từ cuối tháng 4

Nguyên nhân, theo TS. Lê Thẩm Dương, do tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, lãi suất cho vay giảm dần và nhiều doanh nghiệp lãi trong quý I.
Thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng dần cả về giá cổ phiếu và tính thanh khoản. Dù nhà đầu tư cá nhân phần nhiều vẫn chơi lướt sóng, nhưng điều quan trọng là dòng tiền luôn luân phiên nằm lại thị trường. Sau mỗi đợt bán ra, nhà đầu tư lại tranh thủ mua vào khi thị trường điều chỉnh.

Theo phân tích của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM, có hai yếu tố chính làm cho thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn từ tuần cuối tháng 4 này.

Thứ nhất là những tín hiệu tích cực hơn về kinh tế vĩ mô, như CPI tháng 4 được dự đoán dưới 0,1%, lãi suất cho vay với doanh nghiệp đang giảm dần. Bên cạnh đó, dòng tiền nóng đang đổ mạnh hơn vào thị trường chứng khoán, do các kênh đầu tư như tiền gửi ngân hàng, vàng, USD kém hấp dẫn.

Thứ 2, khả năng tạo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong các tháng đầu năm 2012. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp có báo cáo tài chính quý I/2012 sau kiểm toán đạt lợi nhuận khá.

Một lãnh đạo của công ty chứng khoán Hoàng Gia cho hay, quan trọng nhất vẫn là dòng tiền, mà dòng tiền trong tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5 được dự đoán vẫn nằm lại thị trường, chứ không chảy vào các kênh khác.

Trong tháng 4 này, nhiều nhóm cổ phiếu đã có sự tăng trưởng khá mạnh như cổ phiếu ngành bất động sản, chứng khoán, thép, dầu khí… Các nhà đầu tư vào đúng sóng có thể đạt mức lợi nhuận 40%, vị này cho biết.

Ông Đào Hồng Dương, chuyên gia phân tích công ty cổ phần chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, những thay đổi của chính sách điều hành tiền tệ trong thời gian gần đây bao gồm nhiều động thái đồng bộ, có bản chất gần giống như một gói kích cầu nhỏ nhằm ngăn chặn sự đình đốn trong nền kinh tế. Điều này đã kích thị trường chứng khoán đi lên.

“Theo tôi, khoảng thời gian có xác suất xảy ra những sóng tăng mạnh có thể là cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi tâm lý thị trường đang được hỗ trợ mạnh, kỳ vọng của nhà đầu tư đang rất lớn. Ngược lại, những hệ quả không mong muốn của chính sách (như áp lực lạm phát) có độ trễ khá lâu, sẽ chưa phản ánh vào nền kinh tế, nên trước mắt chưa ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán”, ông Dương nói.

Nguồn Báo Đất việt


Sự kiện