Thị trường chứng khoán phái sinh: Trăn trở tài sản cơ sở
Trái phiếu Chính phủ (TPCP) vốn là công cụ phức tạp nhưng lại được chọn làm tài sản cơ sở thực hiện trước cho thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS), tại sao lại không chọn công cụ đơn giản hơn như cổ phiếu của rổ chỉ số VN30?
Đó là ý kiến của ông Bùi Nguyên Hoàn – Nguyên Trưởng Ban đại diện của UBCK tại TPHCM đã đưa ra tại Diễn đàn Thị trường chứng khoán phái sinh do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam phối hợp tổ chức vào sáng ngày 18/11/2014.
Khi nào sẽ có sản phẩm phái sinh đầu tiên?
Theo ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (Ủy ban Chứng khoán), một trong những quan niệm mới về TTTCKPS là mọi tài sản cũng đều có thể được xem là tài sản cơ sở, bất luận là các sản phẩm của TTCK, thị trường tiền tệ, thị trường hàng hóa, sản phẩm ngoại lai, hay thậm chí niềm tin cũng có thể là sản phẩm cơ sở để xây dựng sản phẩm phái sinh.
Tại Việt Nam, dự kiến sản phẩm phái sinh đầu tiên sẽ là hợp đồng tương lai dựa trên TPCP và chỉ số chứng khoán. Ông Nguyễn Sơn cho biết, cuối năm 2015 hoặc đầu 2016 sẽ chính thức ra đời sản phẩm đầu tiên trên TTCKPS.
Cụ thể, lộ trình phát triển sản phẩm phái sinh được chia thành hai giai đoạn.
(1) Xây dựng các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn dựa trên tài sản cở sở là chứng khoán, nhóm chứng khoán, chỉ số chứng khoán. Trong một vài năm đầu là sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu chính phủ và chỉ số chứng khoán.
(2) Thống nhất tập trung các công cụ phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (Sở GDCK Hà Nội) cho biết thêm, TPCP làm tài sản cơ sở cho TTCKPS dự kiến có kỳ hạn 3-5 năm - do đây là trái phiếu có giao dịch nhiều nhất trên thị trường.
Sao không chọn cổ phiếu làm tài sản cơ sở?
Ông Bùi Nguyên Hoàn nhận định, nhà đầu tư ít rủi ro thường chọn sản phẩm hợp đồng quyền chọn còn sản phẩm hợp đồng tương lai thích hợp hơn với nhà đầu tư ưa rủi ro cao. Bản chất thị trường phái sinh là công cụ để bảo hộ giá của tài sản cơ sở. Theo thông lệ quốc tế, hàng hóa vật chất và công cụ tài chính được sử dụng phổ biến làm tài sản cơ sở do giá biến động, khối lượng lớn, giá trị hàng hóa cao và có thể lưu kho lưu bãi.
Tại Việt Nam, theo ông Hoàn, việc bảo hộ giá đối với TPCP là không cần thiết. Bởi giao dịch trái phiếu trên thị trường sơ cấp rất mạnh nhưng trên thị trường thứ cấp lại không sôi động bằng; giá biến động trên thị trường thứ cấp cũng không cao như biến động giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Đặc trưng của TTCKPS là thị trường “đặc sệt” đầu cơ do dựa trên việc dự báo giá của tài sản cơ sở. Do đó nên căn cứ mục tiêu của thị trường để xác định hàng hóa niêm yết (thị trường bảo hộ giá và đầu cơ). Việc chọn cổ phiếu làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) sẽ đơn giản hơn TPCP và ông Hoàn đề xuất: “Tại sao không đưa một số cổ phiếu trong nhóm chỉ số VN30 làm tài sản cơ sở cho TTCKPS sẽ đơn giản hơn so với việc chọn TPCP là sản phẩm rất phức tạp để thực hiện trước”.
Chứng khoán phái sinh được tổ chức như thế nào?
Hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh sẽ được tổ chức dưới hình thức sàn giao dịch tương tự thị trường cổ phiếu thuộc Sở GDCK và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) sẽ thực hiện chức năng thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP - Central Counterparty) đối với chứng khoán phái sinh.
Bộ phận thanh toán bù trừ với chức năng CCP sẽ đóng vai trò là người bán của mọi người mua và người mua của mọi người bán. Rủi ro trong thanh toán sẽ được đảm bảo bởi CCP và CCP sẽ là người chịu rủi ro cuối cùng. Với cơ chế ký quỹ chặt chẽ bởi các thành viên tham gia thị trường, hệ thống thanh toán bù trừ có một vai trò cần thiết trong việc đảm bảo hạn chế các rủi ro đổ vỡ.
Tuy nhiên, chia sẻ thêm thông tin về việc lựa chọn VSD làm đối tác thanh toán bù trừ (CCP), ông Hoàn cho biết đối tác ẩn danh để kết thúc vị thế cho nhà đầu tư đóng vai trò là nhà cái trong giao dịch để duy trì tính thanh khoản cao với T+0, có thể chọn NHTM, CTCK hay Quỹ đầu tư mà không nên là VSD.
Điều kiện gì cho kinh doanh, môi giới, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh?
Ông Bùi Nguyên Hoàn – Nguyên Trưởng Ban đại diện của UBCK tại Tp HCM cho biết, đặc trưng của TTCKPS là giao dịch margin với tỷ lệ rất cao, vốn bỏ ra ban đầu chỉ chiếm từ 3-10% là tiền ký quỹ (đặt cọc) ban đầu. Với tiền ký quỹ rất nhỏ, đòn bẩy tài chính rất lớn và hấp dẫn nhà đầu tư. Trên TTCK thì margin như một khoản vay, còn trên TTCKPS margin không giống như vậy do tiền ký quỹ chỉ là khoản để làm tin và chưa phải bỏ ra mua bán ngay. Vì vậy, CTCK không cần nhiều tiền (kể cả tự doanh) để tham gia trên TTCKPS và không cần yêu cầu CTCK phải có vốn 600 tỷ đồng mà chỉ cần một ít vốn. |
Đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh (CKPS), dự thảo Nghị định về thị trường phái sinh quy định phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng trở lên. Và theo ra soát ban đầu, có khoảng 15-20 công ty chứng khoán đáp ứng điều kiện tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Còn công ty chứng khoán đăng ký môi giới chứng khoán phái sinh phải đáp ứng yêu cầu có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán phải là ngân hàng lưu ký có vốn điều lệ từ 5,000 tỷ đồng trở lên.
Nhà đầu tư giao dịch CKPS trên Sở GDCK phải thông qua thành viên giao dịch và thực hiện thanh toán bù trừ thông qua thành viên bù trừ và VSD. Trong đó, thành viên giao dịch, thành viên tạo lập thị trường là CTCK và NHTM kể trên.
Đăc biệt, ngân hàng thương mại làm thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh khi được UBCK chấp thuận thì có thể tham gia TTCKPS dựa trên Trái phiếu Chính phủ, chỉ được phép giao dịch cho chính mình và không được môi giới cho các nhà đầu tư khác.
Điều kiện cho CTCK làm thành viên bù trừ là có vốn điều lệ 1,200 tỷ đồng (bù trừ chung) hoặc 900 tỷ đồng (bù trừ trực tiếp), là thành viên giao dịch của CKPS và thành viên lưu ký của VSD. Điều kiện cho NHTM làm thành viên bù trừ là có vốn điều lệ 7,000 tỷ đồng (bù trừ chung) hoặc 5,000 tỷ đồng (bù trừ trực tiếp), thành viên lưu ký của VSD và được SSC chấp thuận thực hiện hoạt động thanh toán bù trừ.
Nguồn Công Lý