Thị trường chứng khoán: "Lên" là lên là lên!
Giữa lúc thị trường tài chính thế giới còn nhiều biến động, sự tăng điểm liên tiếp của Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua là một cú lội ngược ấn tượng. Từ đầu năm 2015 đến hiện tại, thị trường như “cá vượt vũ môn”, trái ngược với diễn biến ảm đạm của các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia. Ngay cả thị trường chứng khoán Philippines có tăng nhưng vẫn không cao (chỉ số chứng khoán Philippines tăng 9,4% so với 15% của VN-Index, trong so sánh cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động của những yếu tố nội địa mạnh mẽ hơn cả những rủi ro từ bên ngoài.
Vậy trong 6 tháng tiếp theo và có thể đến đầu năm 2016, thị trường chứng khoán sẽ phát triển ra sao và những cổ phiếu nhóm ngành nào dự kiến sẽ “phất” nhanh?
Ngân hàng “phi nước kiệu”
Trên thị trường chứng khoán, quan sát trong hơn một năm qua, việc đầu tư vào lĩnh vực tài chính luôn mang lại mức sinh lợi nhiều nhất cho các nhà đầu tư. So với đầu năm, mức giá cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm ngành tài chính tăng trưởng đến 34%, cao hơn mức trung bình 15% của VN-Index. Các lĩnh vực khác cũng tăng giá lần lượt là hàng tiêu dùng (11%), viễn thông (4%), công nghệ (3%) và công nghiệp (1%).
Tính luôn cả ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và cả bất động sản thì nhóm ngành tài chính là ngành có mức tăng mạnh nhất và là trợ lực đáng kể cho sức tăng của VN-Index. Nhờ đó, VN-Index tính đến cuối tháng 6.2015 đã đóng cửa ở mức 593 điểm, tiếp tục xu hướng tăng.
Tốc độ tăng trưởng giá xét theo ngành |
Đi sâu hơn trong nhóm ngành tài chính, trụ cột đóng góp tích cực nhất lại là ngành ngân hàng, với mức tăng trưởng cao nhất trong số các nhóm ngành cấp 2 (lên đến 55%). Trong khi đó, nhóm ngành bảo hiểm và chứng khoán cũng tăng mạnh, nhưng tỉ lệ vốn hóa của các nhóm này thấp hơn nhiều so với ngân hàng, cho nên mức đóng góp cũng thấp hơn. “Ngân hàng có nhiều câu chuyện để tạo ra kỳ vọng cho giới đầu tư nhất”, một chuyên gia từ Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng tăng giá ấn tượng nhất có lẽ là BIDV. Tính đến ngày 30.7, mức giá giao dịch của cổ phiếu ngân hàng này là 26.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Không chỉ có BIDV (mã BID), giá cổ phiếu các ngân hàng khác cũng đồng loạt tăng theo như một trò chơi domino. Mức tăng giá trung bình của 9 ngân hàng niêm yết là 35% so với cùng kỳ năm ngoái, trong số đó, tăng nhiều nhất bên cạnh BIDV vẫn là ngân hàng VietinBank ( CTG) và Vietcombank ( VCB). Đây là hai cổ phiếu khác thuộc nhóm ngân hàng lớn có cổ phần nhà nước chi phối.
Nếu vài năm trở lại đây, ngành ngân hàng gặp trục trặc trong việc xử lý nợ xấu và các sự cố liên quan trong hệ thống thì hiện nay, cổ phiếu vua đang trên đường giành lại ngôi vương.
Có thể lý giải bằng việc năm 2015 là thời điểm đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ kết thúc. Chính vì thế, cơ quan quản lý đã thúc đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc tại các ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Hàng loạt các biện pháp được tiến hành song song với nhau, bao gồm xử lý nợ xấu (buộc các ngân hàng phải đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% vào cuối quý III), xử lý các ngân hàng yếu kém bằng việc mua lại 3 ngân hàng mất vốn, cũng như cho phép M&A hàng loạt các thương vụ nhằm đưa thị trường ngân hàng dần đi vào ổn định.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng giá mạnh |
Sau khi bình ổn hệ thống thanh khoản thì cũng trong năm 2015, ngân hàng kỳ vọng sẽ xử lý được nợ xấu và giải quyết những vấn đề chủ sở hữu mới. Mức tăng lợi nhuận trong năm 2016 sẽ thêm cơ sở cao trở lại khi các ngân hàng đã trích lập khá nhiều trong năm nay. Lợi nhuận kỳ vọng này còn đến một phần từ việc tín dụng mở rộng đáng kể. Tính đến cuối tháng 6, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng 6,28% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là hơn 2%. Mới gần đây, cơ quan quản lý còn nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng.
Bất động sản quay lại đường đua
Trong khi niềm tin tăng mạnh ở khối ngân hàng thì khối bất động sản cũng đang trở lại đường đua. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu bất động sản đang dần hồi phục. Dù giá trị vốn hóa của nhóm ngành này chỉ tăng 4,26% so với đầu năm nhưng đã có những cổ phiếu tăng trưởng ở mức cao, chẳng hạn như Công ty Đất Xanh ( DXG) với mức tăng 55%, hoặc theo sát sau đó là Công ty Phát Đạt ( PDR) với mức tăng 54% so với hồi đầu năm.
Một nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá là nhờ kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường. Tương lai bất động sản mặc dù vẫn còn là một dấu hỏi lớn nhưng các số liệu cho thấy sự phục hồi đã diễn ra. Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam đưa ra thống kê số lượng căn hộ ở TP.HCM được bán trong quý II là 5.000 căn, tăng 17% so với quý trước đó và 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Savills nhận định đây cũng là lượng giao dịch lớn nhất kể từ quý IV/2010.
Sự ấm lên của thị trường bất động sản dự kiến có thể sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới, khi thị trường TP.HCM dự kiến đón nhận khoảng 59.200 căn hộ mới từ 90 dự án hiện hữu và dự án tương lai (trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2015 đến năm 2017). Bộ Xây dựng cũng công bố tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước giảm 11,7% so với thời điểm cuối năm 2014, ở mức 65.300 tỉ đồng. Tất nhiên, trong xu thế này, các công ty xây dựng, cung ứng vật liệu xây dựng, hạ tầng cũng đồng loạt được hưởng lợi theo.
Dựa trên đà hồi phục của thị trường, các cơ quan quản lý cũng liên tiếp ban hành nhiều chính sách tạo sự thuận lợi riêng cho ngành. Chẳng hạn như Luật nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ đầu tháng 7.2015, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam; hay Thông tư 36 do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã giảm trọng số rủi ro trong hoạt động cho vay bất động sản từ mức 250% xuống còn 150%. Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 6 tháng đầu năm, tín dụng trong ngành bất động sản tăng trưởng khoảng 11%.
Mặc dù sự phục hồi của bất động sản là rõ nét và dự báo khả quan nhưng khả năng tăng trưởng của thị trường vẫn sẽ còn chịu nhiều áp lực. Bài học bong bóng bất động sản vẫn còn rất mới và hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo kiểm soát lại các khoản tín dụng cho vay đối với bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hấp lực từ cổ phiếu được nới room
Sự thăng hoa trên thị trường chứng khoán xuất phát một phần từ tinh thần lạc quan của khối ngoại. Tinh thần lạc quan này bắt nguồn từ việc nhóm nhà đầu tư này hiện đã được cho phép nâng tỉ lệ sở hữu trong các công ty Việt Nam. Theo đó, tùy vào từng công ty, khối ngoại có thể sở hữu tối đa 100% vốn thay vì 49% như trước đây. Câu chuyện nới room trên thực tế là không mới và được thảo luận từ lâu, nhưng nay đã chính thức được thông qua với tỉ lệ sỡ hữu tối đa cao hơn dự kiến trước đó là 60%. Và từ đây, sẽ tạo nên sự hấp lực đối với các tay chơi cổ phiếu.
Đối với thị trường chứng khoán, việc nới room được kỳ vọng sẽ thu hút lượng vốn nước ngoài lớn hơn đổ thêm vào thị trường. Kỳ vọng này cũng hợp lý vì hiện nay các chỉ số đo lường mức độ “rẻ” của cổ phiếu là P/E, P/B ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với các thị trường khác.
Và các anh tài Việt đã ra sức tăng cường sự hiện diện của khối ngoại trong các công ty của họ. Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh ( BMP), hiện có tỉ lệ sở hữu tối đa 49%, là cổ phiếu phản ứng tích cực nhất trong số ít các công ty đã đầy room. Là một công ty với hoạt động kinh doanh hiệu quả trước đây, BMP không giấu ý muốn gia tăng mức trần nắm giữ của các cổ đông ngoại. Dù vậy, trước viễn cảnh được cho phép nới room, BMP hình như vẫn thận trọng theo dõi và sẽ chờ đến Đại hội cổ đông sang năm.
Ngoài BMP, còn rất nhiều doanh nghiệp khác hiện đã lên mức trần nắm giữ, chẳng hạn như Vinamilk ( VNM), Dược Hậu Giang ( DHG), Cơ Điện Lạnh ( REE), Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ( CII), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ( PNJ). Đây đều là những doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh cơ bản và hoạt động quản trị tốt. Dù vậy, cho đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn chưa ban hành thêm quy định cụ thể nào về việc mở room.
Nhìn xa hơn, việc thay đổi luật sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài là một bước tiến cực kỳ quan trọng trên thị trường chứng khoán. Các nhà quản lý Việt Nam có tham vọng thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường mới nổi thay vì thị trường cận biên như hiện nay trong chỉ số MSCI Index. Từ “cận biên” lên “mới nổi” nghĩa là dòng tiền sẽ tự động đổ vào nhiều hơn, hàng hóa phái sinh trên thị trường phải đa dạng và nhiều quy định cụ thể liên quan. Tất nhiên, con đường này là còn rất dài, bởi quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn quá nhỏ (sàn chứng khoán TP.HCM đang ở mức 51 tỉ USD so với 417 tỉ USD của sàn chứng khoán Bangkok, theo Công ty Chứng khoán VPBS).
Tăng trưởng vốn hóa của các ngành |
Cổ phiếu được Hiệp định “chống lưng”
Không chỉ có cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính ngân hàng, bất động sản, các cổ phiếu có khả năng nới room cho khối ngoại như đã vừa phân tích, thị trường chứng khoán thời gian tới còn chứng kiến sức hấp dẫn của các cổ phiếu được hiệp định “chống lưng”.
Năm 2015 là năm mà Việt Nam ghi nhận ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng, như Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam, Liên minh kinh tế Á - Âu, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Song đề cập nhiều nhất là một hiệp định vẫn đang trong giai đoạn đàm phán mang tên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với sự tham gia của 12 nước, cốt lõi của TPP là xuất xứ của hàng hóa. Theo đó, hàng hóa được sản xuất ở những quốc gia nằm trong hiệp ước TPP thì sẽ được miễn giảm thuế quan.
Mặc dù các hiệp định thương mại nói chung và TPP nói riêng mang lại lợi ích cho nhiều ngành nghề khi hàng rào thuế quan được nới lỏng hơn, nhưng ở Việt Nam, hấp lực của TPP được lan tỏa nhiều nhất vào ngành dệt may. Đó là vì dệt may là một ngành có nội lực của quốc gia, vốn chiếm đến 16% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, xếp thứ hai tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, tiến trình đàm phán của TPP vẫn được cho thuận lợi và các doanh nghiệp dệt may đã thấy rõ sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Có giá trị vốn hóa nhỏ, nhưng hai cổ phiếu đầu ngành là Dệt may Thành Công (TCM) và May Sài Gòn (GMC) lại có mức tăng trưởng cổ phiếu rất ấn tượng trong thời gian qua. Tính đến ngày 30.7, hai cổ phiếu này tăng trưởng lần lượt ở mức 30,25% và 24,6% so với đầu năm.
Ngành dệt may cũng dần “nóng” hơn với các công ty có liên quan đến “sợi” (nguyên tắc xuất xứ hàng hóa mà TPP đưa ra), như Sợi Thế Kỷ chẳng hạn. Công ty này sau khi IPO thành công cuối năm ngoái đang chuẩn bị niêm yết lên sàn chứng khoán.
Bên cạnh vốn chảy vào chứng khoán, các dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI cũng liên tiếp đổ vào để đón đầu TPP. Với ngành dệt may, có một xu hướng thấy rõ là các công xưởng lớn từ Trung Quốc đang đổ về Việt Nam (vì Trung Quốc không được tham gia vào TPP).
Có thể thấy, tín hiệu tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian tới vẫn mang nhiều yếu tố về niềm tin và sự kỳ vọng. Điều này là cần thiết cho sự phục hồi của thị trường. Ở khía cạnh vĩ mô, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tốt, song vẫn gây nhiều lo ngại cho nhà đầu tư, chẳng hạn như ngân sách với nợ công cao, áp lực về tỉ giá và duy trì lãi suất. Mặt khác, tình hình kinh tế thế giới sắp tới dự kiến sẽ còn chao đảo mạnh khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ còn tiếp tục điều chỉnh giảm.
Việt Dũng