Thứ Ba | 20/12/2016 07:30

Thị trường chứng khoán 2017: Cuộc đua ba dòng vốn

Đâu là những nhóm cổ phiếu đáng quan tâm nhất của thị trường chứng khoán năm 2017?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 3 lần trong năm 2017. xu hướng này sẽ tạo ra áp lực rút vốn của khối ngoại. trong bối cảnh này, dòng vốn chủ yếu sẽ đến từ các nhà đầu tư chiến lược và tìm đến những cổ phiếu tốt với tiêu chí đầu tư bài bản và lâu dài. 

Đây cũng là những yếu tố đáng quan tâm nhất trong thị trường chứng khoán năm 2017. Ngoài yếu tố tăng lãi suất từ Mỹ, Ngân hàng HSBC dự báo, dòng vốn ngoại trong ngắn hạn sẽ tạm thời bị hạn chế ở các thị trường chậm phát triển như Việt Nam và sẽ tăng khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (MSCI Emerging Market). Dựa trên phân tích và dự báo của các công ty chứng khoán, NCĐT giới thiệu những cổ phiếu tiềm năng trong năm 2017 ở cả 3 kênh: nhóm doanh nghiệp nhà nước, các công ty tư nhân và những công ty đã thiết lập được vị thế lâu nay trên thị trường.

Thương vụ lớn của doanh nghiệp nhà nước

Theo báo cáo của Chính phủ, kể từ năm 2011 đến cuối tháng 9.2016, Việt Nam đã phát hành cổ phiều lần đầu ra công chúng (IPO) được 426 doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, đáng chú ý là đợt IPO của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan)... Sau đó, khi ACV, Vissan, Vietnam Airlines cùng với Sabeco, Habeco quyết định lên sàn đã trở thành tin tức đặc biệt đối với nhà đầu tư, khiến thị trường háo hức hơn. Cổ phiếu ngành bia cũng nóng suốt vài tháng qua. Riêng Vissan, Habeco, Sabeco trở thành hiện tượng đặc biệt khi niêm yết ở sàn UpCom.

Giới đầu tư có lý do để tranh mua và đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu của các doanh nghiệp kể trên. Chẳng hạn, Sabeco là doanh nghiệp đứng đầu thị phần trong ngành bia rượu dự báo vẫn còn tăng trưởng mạnh. Dù bị cạnh tranh quyết liệt nhưng Sabeco vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ấn tượng, với doanh thu 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 21.800 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 4500 tỉ đồng, tăng21%. Trong khi đó, Vissan có sức hút đến từ vị thế đầu ngành thực phẩm, có thâm niên hoạt động hơn 40 năm, có hệ thống phân phối rộng khắp với thị phần dẫn đầu. Theo bản cáo bạch, Vissan giữ 65% thị phần xúc xích tiệt trùng trong nước, 70% với sản phẩm lạp xưởng và 20% đồ hộp. Vissan còn giữ 40% thị phần đối với hàng đông lạnh, 10% thịt nguội và 30% các sản phẩm giò.

Sang năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn đón nhận những phiên IPO của các doanh nghiệp nhà nước lớn. Có thể kể đến đợt IPO lớn từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR).  PV Power là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 Việt Nam, sau Tâp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Còn PV Oil cũng chỉ đứng sau Petrolimex về thị phần tiêu thụ xăng dầu. Đối với BSR, thế mạnh ở khả năng chế biến dầu thô. Chia sẻ với báo chí, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc BSR, cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất của BSR luôn hoạt động ở công suất 105-107% nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu thị trường. Vì thế, BSR có kế hoạch sẽ IPO vào năm 2017 để gia tăng tiềm lực tài chính, tăng cường bắt tay với các đối tác thế giới và nâng cấp mở rộng khả năng lọc hóa dầu.

Thi truong chung khoan 2017: Cuoc dua ba dong von
 

Ở lĩnh vực khác, những phiên IPO được chờ đợi là Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam hay Tổng Công ty Viễn thông Mobifone. Mobifone là nhà mạng lớn thứ ba Việt Nam và đã bị chậm triển khai IPO so với kế hoạch. Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn rất mong đợi đợt IPO của doanh nghiệp này. Sau khi tách khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và thành lập Tổng công ty, Mobifone đã đạt đến quy mô vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng, đặt mục tiêu doanh thu đến năm 2020 là 100.000 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán năm 2017 dự kiến còn được tiếp sức từ các doanh nghiệp nhà nước đã IPO và rục rịch kế hoạch lên sàn. Có thể kể ra các tên tuổi như Petrolimex, Vinatex hay đặc biệt là VEAM. VEAM đang ăn nên làm nhờ gián tiếp sở hữu 30% vốn tại liên doanh với Honda Việt Nam, 20% vốn tại liên doanh Toyota Việt Nam và sở hữu 25% vốn của Ford Việt Nam. Tổng vốn đầu tư vào 3 đơn vị này đến cuối năm 2014 đã tăng lên gần 8.400 tỉ đồng, gấp 15 lần so với đầu tư ban đầu. Hằng năm, các liên doanh này trả cho VEAM mức cổ lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Lợi thế cho VEAM còn là sở hữu quỹ đất rộng lớn ở nhiều tỉnh trong cả nước, dưới hình thức thuê đất từ vài chục năm đến vĩnh viễn. VEAM cũng có một số thế mạnh về các sản phẩm phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp. Với sức hấp dẫn đó, nhà đầu tư rất mong đợi VEAM sẽ sớm lên sàn.

Nhưng trở ngại cho nhà đầu tư khi muốn mua vào cổ phiếu nhóm này là tỉ lệ nhà nước nắm giữ trong các doanh nghiệp còn quá lớn. Sau cổ phần hóa, Petro Vietnam dự kiến nắm giữ 75% cổ phần tại PV Power và PV Oil. Báo cáo Chính phủ cho hay, tỉ lệ nhà nước sở hữu ở các doanh nghiệp sau cổ phần hóa trung bình là 81,1% vốn điều lệ. Trở ngại khác là cung hàng hóa từ các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước rất lớn, với tổng vốn điều lệ của 426 doanh nghiệp đã IPO lên tới gần 185.000 tỉ đồng. Bên mua phải có tiềm lực tài chính dồi dào mới đủ sức hấp thụ hết. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến 40% cổ phần từ các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước không thể bán hết. Ông Andy Hồ, Giám đốc Điều hành VinaCapital, đề xuất giải pháp thúc đẩy dòng vốn ngoại như cần quyết liệt hơn với triển khai nới room, tạo thuận lợi về thủ tục và giao dịch của khối ngoại. Ngoài ra, theo ông Andy Hồ, nếu Việt Nam lập được các quỹ hưu trí trong nước, đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư nội địa sở hữu các cổ phiếu tốt, giá hấp dẫn từ các đợt IPO.

Sức hút nhóm tư nhân

Trong xu hướng IPO và lên sàn của nhóm doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân như Novaland, Vietjet Air, Đường Quảng Ngãi, FPT Telecom, Techcombank... cũng ít nhiều hé lộ kế hoạch thu hút vốn. Chẳng hạn, Novaland định niêm yết ngay tháng 12 này và đã có những động thái dọn đường như vừa bán 10% cổ phần cho 18 nhà đầu tư. Trước đó, Công ty cũng đã phát hành cổ phiếu ưu đãi cho VinaCapital, Dragon Capital và một công ty tài chính trong nước.

Novaland được biết đến như doanh nghiệp địa ốc có quỹ đất lớn nhất tại TP.HCM, với khoảng 4,5 triệu m2 mặt sàn. Các dự án Novaland triển khai như Tropic Garden, Tresor, River Gate, The Sun Avenue… đều được đánh giá cao. Về mặt kinh doanh, Novaland đạt doanh thu năm 2015 gần 6.700 tỉ đồng, tăng trưởng 138%, còn lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đến 360% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm nay, doanh thu tiếp tục vọt 229% so với cùng kỳ, lên xấp xỉ 5.000 tỉ đồng. Với kết quả đó, theo thông tin từ Novaland, Công ty hiện được định giá từ 1,2 - 1,4 tỉ USD.

Thi truong chung khoan 2017: Cuoc dua ba dong von
 

Ở Đường Quảng Ngãi (QNS), vị thế thể hiện ngay trong mức giá cao nhất nhì trên thị trường OTC (86.000 đồng/cổ phiếu). Ngoài ra, theo Nielsen, dòng sản phẩm sữa đậu nành (Fami, Vinasoy) của QNS đã chiếm 80-85% thị phần sữa đậu nành đóng gói tại Việt Nam. Thông tin từ QNS cho hay, mảng này đạt tăng trưởng doanh thu trên 50%/năm tính từ năm 2010 và chiếm 64% lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2016. Các mảng khác như  nước khoáng Thạch Bích và bia Dung Quất cũng là những thương hiệu quen thuộc, được tiêu thụ mạnh tại miền Trung. Doanh thu của Thạch Bích hiện bằng 80% so với Vĩnh Hảo, đơn vị nước khoáng nằm dưới sự kiểm soát của Masan Consumer. Với vị thế đó, theo giới phân tích, khi QNS lên sàn UpCom (dự kiến ngày 20.12) sẽ tạo sức nóng cho toàn thị trường.Đối với Vietjet, dù chỉ thành lập vào cuối năm 2011 nhưng Vietjet nhanh chóng thay thế Jetstar Pacific và trở thành hãng hàng không giá rẻ (LLC) lớn nhất Việt Nam. Vietjet Air hiện chiếm 43% thị phần hành khách trong nước. Định hướng vào cuối năm nay, hãng sẽ tăng trưởng 50% khách hàng, với 40 máy bay. Vietjet Air cũng  tăng vốn điều lệ từ 1.450 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng và ghi nhận 12.557 tỉ đồng doanh thu trong nửa đầu năm 2016, còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.238 tỉ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Theo Reuters, Vietjet Air đã xác định chào bán 44,78 triệu cổ phiếu với giá 84.600 đồng mỗi cổ phiếu, qua đó định giá Công ty khoảng1,2 tỉ USD. Nhưng Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lưu ý, doanh số của Vietjet Air có thể gặp biến động do mô hình kinh doanh bán và thuê lại tài sản.

Tương tự, Techcombank vừa được cấp mã chứng khoán TCB và dự kiến  niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCom trong tháng 12 này. Techcombank được dự báo sẽ là cổ phiếu hấp dẫn vì trong số các ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank chỉ thua VPBank về lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2016. Theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Techcombank sẽ theo đuổi tăng trưởng kinh doanh và đặt ra mục tiêu giá trị vốn hóa 5 tỉ USD vào năm 2020, với lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) là 20%.

Thị trường cũng đang hướng chú ý về  FPT Telecom khi cuối tháng 11 qua, công ty này tuyên bố sẽ sớm niêm yết 137 triệu cổ phiếu trên sàn Upcom. Đây sẽ là cơ hội để Tập đoàn FPT nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu FPT Telecom từ tay Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). FPT Telecom hiện là đơn vị chiếm thị phần dẫn đầu ngành viễn thông (25% thị phần cáp quang), có địa bàn kinh doanh mở rộng sang cả Myanmar, Campuchia, có doanh thu tăng trưởng đều đặn và lợi nhuận ổn định qua nhiều năm. Đặc biệt, theo giới phân tích, một khi quá trình quang hoá hoàn tất với chi phí khấu hao giảm dần, lợi nhuận của FPT Telecom sẽ tăng mạnh. Nhà đầu tư kỳ vọng FPT Telecom niêm yết sẽ tạo những đợt sóng mới cho thị trường.

Dồi dào hàng tốt

Những hàng hóa chất lượng, đến từ nhóm các doanh nghiệp tư nhân hay các doanh nghiệp Nhà nước đã và sẽ tiếp tục đem lại làn gió mới và sức nóng cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), động lực tăng trưởng cho chứng khoán năm 2017 vẫn phải nhắc đến những hàng hóa đã có mặt trên sàn. Đó là Sabeco, Habeco, ACV trong lộ trình Nhà nước sẽ giảm dần sở hữu. Chẳng hạn, lộ trình thoái vốn nhà nước của Sabeco sẽ chia làm 2 đợt, lần lượt bán 53,59% vốn điều lệ và bán 36% vốn điều lệ còn lại trong năm 2017 sau khi lên sàn. Đây sẽ là cơ hội để giới đầu tư đặt chân vào. Tuy nhiên, với những hàng hóa mà quy mô lên tới hàng tỉ cổ phiếu, người mua cần vốn lớn. Giới đầu tư có thể tìm thấy cơ hội từ  những cổ phiếu cũng trong lộ trình thoái vốn nhà nước từ SCIC. Theo ước tính, giá trị thị trường của các công ty mà SCIC đã và sẽ thoái vốn đạt hơn 100.000 tỉ đồng, tương đương 4,5 tỉ USD.

Tâm điểm của thị trường chứng khoán năm 2017 còn đến từ những cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp kinh doanh trong những ngành tăng trưởng tốt. Theo đánh giá của Công ty VDSC, thực phẩm đồ uống, hàng tiêu dùng, bán lẻ, logistics và vận tải sẽ tiếp tục là ngành giúp doanh nghiệp gặt quả ngọt và hấp dẫn giới đầu tư. Bằng chứng là theo Tổng Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ đã tăng 434% trong 10 năm qua (2006-2015). Bán lẻ và tiêu dùng nội địa tăng hỗ trợ tích cực cho ngành vận tải và logistics. Trong bức tranh đó, cổ phiếu SAB của Sabeco, VNM của Vinamilk, PNJ của Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận, MWG của Thế Giới Di Động, GMD của Gemadept, VSC của Viconship, PVT của PV Trans... trở nên đáng quan tâm.

Ngành hấp dẫn khác trong năm 2017 còn phải kể đến gồm xây dựng và vật liệu xây dựng, bất động sản, hạ tầng, bảo hiểm và công nghiệp. Đây là những ngành gắn với phát triển hạ tầng và đô thị, để thúc đẩy tăng trưởng GDP, thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, như ông Trịnh Thanh Cần, Tổng Giám đốc ACBS, nhận định, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có sự phân hóa rất lớn. Cùng trong một ngành nhưng những công ty đầu ngành, có thị phần đủ lớn, năng lực cạnh tranh cao, sở hữu công nghệ hiện đại, có khả năng chống chọi với các rủi ro từ thị trường... sẽ có lợi thế và dễ nắm bắt cơ hội hơn. Vì thế, những cổ phiếu như CTD của Coteccons, SRF của Searefico, BMP của Nhựa Bình Minh, HPG của Hòa Phát, HSG của Hoa Sen, KDH của Khang Điền, NLG của Nam Long... trở nên hấp dẫn hơn. Đây cũng là lý do để phòng phân tích của VDSC cho rằng, trong ngành như dầu khí, điện, cao su tự nhiên, nông nghiệp..., vẫn có một số cổ phiếu đạt sức hấp dẫn. Nhà đầu tư cần chú ý thêm nét riêng biệt, yếu tố mùa vụ, thời điểm, mức độ giá cả và góc nhìn dài hạn để có lựa chọn chính xác hơn.

Ngọc Thủy