Thị trường cao su SBR toàn cầu đạt 23 tỷ USD vào năm 2020
Lốp xe là lĩnh vực sử dụng lớn nhất cao su SBR, chiếm đến 73,5% tiêu thụ cao su SBR toàn cầu năm 2013. Sản xuất giày dép chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sử dụng ngày một nhiều hơn trong sản xuất đế giày thể thao. Hơn nữa, giá cao su thiên nhiên tăng đã tạo điều kiện cho cao su tổng hợp như SBR.
Việc áp dụng quy định về ghi nhãn lốp xe ở EU, Nhật Bản và Hàn Quốc – điều kiện tiên quyết đối với việc sản xuất “lốp xe xanh” chất lượng cao – được dự đoán kích cầu cao su S-SBR.
Quy định của EU yêu cầu tất cả các nhà sản xuất lốp xe phải ghi nhãn lốp xe về khả năng chịu nước và bám mặt đường. Theo Grand View Research, các nhà sản xuất cao su SBR, như Lanxess A.G. đã chuyển từ sản xuất cao su E-SBR sang cao su S-SBR nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của các nhà sản xuất lốp xe.
Thị trường cao su SBR toàn cầu năm 2013 đạt 5.122.400 tấn và dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép 6,1%/năm từ năm 2014 đến 2020.
Năm 2013, Châu Á-Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ lớn nhất cao su SBR, chiếm trên 46% tổng nhu cầu toàn cầu. Ngành ôtô đang tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản được dự đoán giúp làm tăng nhu cầu lốp xe, và theo đó thúc đẩy thị trường cao su SBR trong thời gian dự báo. Ngoài ra, Grand View Research cũng dự đoán Trung Quốc và Ấn Độ sẽ áp dụng quy định ghi nhãn lốp xe cho phù hợp với quy định của EU vào năm 2015, động thái được dự đoán có tác động tích cực đến doanh số bán cao su S-SBR trong thời gian tới.
Châu Âu là thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 cao su SBR trong năm 2013, với mức tiêu thụ đạt trên 10 triệu tấn. Quy định ghi nhãn của EU, có hiệu lực từ năm 2012, được dự đoán sẽ làm tăng nhu cầu cao su S-SBR trong thời gian dự báo. Dự đoán sản lượng lốp xe tại Đức, Italia và Pháp sẽ tăng trong vài năm tới theo quy định mới này.
Thị trường thế giới tương đối không đồng đều với 10 công ty hàng đầu chiếm đến 65% thị phần năm 2013. Các công ty lớn hiện đang tập trung vào việc hợp tác với nhau để bù đắp tác động của sự biến động giá nguyên liệu. Lanxess, Sinopec và CNPC là một vài công ty chuyên sản xuất cao su E-SBR và S-SBR.
Cao su Styren Butadien (SBR) là cao su tổng hợp được sử dụng phổ biến nhất. Nó có thể được điều chế bởi hai phương pháp công nghệ là polyme hóa nhũ tương (E-SBR) và polyme hóa dung dịch (S-SBR). Phần lớn cao su SBR được sử dụng trong lốp xe, chủ yếu là xe hơi và xe tải nhẹ; trong ứng dụng sau, nó thường được trộn với cao su thiên nhiên và cao su butadien. Cao su SBR cũng được ứng dụng làm các loại băng tải, các sản phẩm cao su đúc, đế giày, ống cao su và được dùng để bọc các trục lăn. Cao su SBR dạng latex cũng có sẵn trên thị trường, nó được sử dụng trong sản xuất lớp lót thảm và nhiều ứng dụng khác. |
Nguồn Theo DVO/Rubbernews