Thị trường cà phê ngày 15/7
Hôm nay 15/7, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên, nối tiếp phiên hôm qua, tiếp tục tăng 300.000 đồng/tấn lên 37,9-38,6 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay tăng 6 USD từ 1.756 USD/tấn hôm qua lên 1.762 USD/tấn.
Giá cà phê Robusta trên thị trường ICE Futures Europe và giá Arabica trên sàn ICE New York đồng loạt tăng.
Thị trường London: Trên sàn ICE Futures Europe, nối tiếp phiên hôm qua, giá cà phê Robusta các kỳ hạn tiếp tục tăng 24-26 USD/tấn.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 9/2016 giá tăng 26 USD/tấn lên 1.842 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 11/2016 giá tăng 26 USD/tấn lên 1.860 USD/tấn, Kỳ hạn giao tháng 01/2017 giá tăng 25 USD/tấn lên 1.872 USD/tấn; và Kỳ hạn giao tháng 3/2017 giá tăng 24 USD/tấn lên 1.881 USD/tấn.
Thị trường New York: Cùng diễn biến với sàn London, giá cà phê Arabica các kỳ hạn trên sàn ICE New York tăng 4,45-4,55 cent/pound.
Cụ thể, Kỳ hạn giao tháng 9/2016 giá tăng 4,5 cent/pound lên 152,15 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 12/2016 giá tăng 4,55 cent/pound lên 155,1 cent/pound; Kỳ hạn giao tháng 3/2017 giá tăng 4,45 cent/pound lên 157,75 cent/pound; và Kỳ hạn giao tháng 5/2017 giá tăng 4,45 cent/pound lên 159,25 cent/pound.
Giá cà phê Robusta tăng đáng kể do nguồn cung từ Việt Nam và Brazil - 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới - đồng loạt thắt chặt.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6/2016 đạt 158.500 tấn, giảm 2,2% so với tháng 5, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thấp hơn so với dự đoán 160.000 tấn của thị trường.
Tuy vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ đầu niên vụ 2015-2016 đến nay vẫn tăng 32%. Xuất khẩu tăng mạnh đang kéo giảm lượng cà phê lưu kho từ vụ trước.
Hôm 14/7, tờ Wall Street Journal dẫn lời các thương nhân cà phê Việt Nam cho biết, lượng cà phê lưu kho của Việt Nam đã giảm xuống mức 10% của vụ thu hoạch trước so với 20% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng cà phê niên vụ 2016-2017, bắt đầu từ tháng 10, được dự đoán giảm do thời tiết khô hạn.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil, Cecafé, cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 6/2106 giảm 11,7% xuống còn 2,38 triệu bao do xuất khẩu Robusta giảm.
Theo đó, xuất khẩu Robusta của Brazil giảm 79,5% xuống 83.303 bao dù xuất khẩu Arabica tăng 2,6% lên 1,98 triệu bao.
Nguồn cung Robusta của Brazil chịu áp lực kể từ cuối năm 2015 và tình hình ngày càng nghiêm trọng do thời tiết khô hạn tại Espirito Santo - bang sản xuất Robusta chủ chốt của Brazil.
Nhật Trường