Thứ Hai | 09/11/2015 07:00

Thị trường bán lẻ: Thâu tóm, phân chia thị phần

Sự kiện Vingroup mua lại 100% chuỗi siêu thị Maximark những ngày cuối tháng 10 vừa qua đã làm nóng lên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tham vọng Vingroup

Ngày 26-10, vụ việc Vingroup mua lại 100% cổ phần của hệ thống trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị Maximark thuộc CTCP Đầu tư An Phong được đăng tải đồng loạt trên các phương tiện thông tin, đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Điều gây chú ý nhất là thời gian đàm phán và hoàn tất thương vụ này chỉ kéo dài trong 2 tuần. Phải chăng phía Vingroup đã trả một mức giá hời nên thương vụ đã kết thúc nhanh chóng và đầy bất ngờ?

Thương vụ Maximark nằm trong chiến lược tăng tốc mở rộng hệ thống bán lẻ Vingroup trên toàn quốc để khẳng định vị trí hàng đầu thị trường bán lẻ. Bên cạnh việc mang đến phong cách mua sắm, tiêu dùng hiện đại, theo xu hướng thế giới cho người Việt - thương hiệu Việt 100%, chúng tôi sẽ hợp lực cùng các doanh nghiệp trong nước giữ vững thị phần hàng Việt và tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Khắc Hiệp
Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Tính đến nay, Maximark có 4 siêu thị tại TPHCM: Maximark 3 tháng 2; Maximark Cộng Hòa; Maximark Gò Vấp và Maximark quận 2. Tại các TP như Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Biên Hòa mỗi nơi có 1 siêu thị Maximark.

Có thể thấy với bề dày 20 năm tham gia lĩnh vực bán lẻ, tốc độ phát triển của Maximark khá chậm. Nhưng bù lại Maximark lại sở hữu những vị trí rất đẹp và diện tích luôn vào hàng khủng. Như Maximark 3 tháng 2 (quận 10) có diện tích kinh doanh 25.000m2, hay Maximark Cộng Hòa (Tân Bình) có diện tích trên 20.000m2.

Cũng vì điều này, nhiều ý kiến cho rằng thương vụ mua lại Maximark của Vingroup mang tính chiến lược lâu dài. Sau khi hoàn tất các thủ tục, toàn bộ chuỗi Maximark sẽ được chuyển đổi thành Vinmart/Vinmart+ thuộc hệ thống Vinmart, hoặc sẽ trở thành thành viên của hệ thống Vincom Retail với thương hiệu Vincom.

Tính đến thời điểm này, Vingroup đã liên tiếp thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ. Tháng 10-2014, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) chính thức công bố bán 70% cổ phần mảng bán lẻ và quản lý bất động sản cho Vingroup và đổi tên chuỗi siêu thị từ Ocean Mart thành Vinmart.

Sang năm 2015, Vingroup tiếp tục mua lại 100% cổ phần của Vinatexmart thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với giá trị 229,5 tỷ đồng. Với thương vụ này, Vingroup đã sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng.

Để hoàn tất các khâu từ sản xuất, phân phối đến giao nhận, Vingroup còn thực hiện thương vụ mua lại 80% cổ phần (tương đương 245 tỷ đồng) Công ty Hợp Nhất và đổi tên thành Công ty Vinlinks, với mục đích cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong mảng bán lẻ.

Với các thương vụ trên, hiện nay hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ đã có 125 cơ sở. Hệ thống Vincom Retail cũng đã có 12 TTTM Vincom và Vincom Mega Mall đã đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tăng lên gần 40 TTTM vào năm 2016 và tiến tới phát triển 100 TTTM trên toàn quốc vào năm 2020. Không chỉ phát triển chuỗi siêu thị và TTTM, Vingroup còn lấn vào lĩnh vực thương mại điện tử với việc cho ra mắt trang thương mại điện tử adayroi.com. Trang thương mại điện tử này bán khá nhiều mặt hàng như ô tô, xe máy…

Cuộc chiến của “cá mập”

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng những bước đi thần tốc của Vingroup thời gian qua không chỉ cho thấy tham vọng trở thành người dẫn đầu, mà còn chứng minh sức mạnh tài chính của tập đoàn này. Sức mạnh này không chỉ ở nội lực mà còn từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, tháng 6 vừa qua, Công ty Quản lý quỹ Warburg Pincus có trụ sở chính tại New York đã công bố hoàn thành khoản đầu tư tiếp theo trị giá 100 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư vào CTCP Vincom Retail lên 300 triệu USD. Trước đó vào tháng 5-2013, Warburg Pincus đã đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail.

Sự tham gia của doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài sẽ tạo cú hích cho ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam. Hội nhập, mở cửa thị trường tạo ra luồng gió mới đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành bán lẻ nội địa, tăng áp lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp Việt mạnh mẽ hơn, năng động hơn, có động lực hơn để phát triển thị trường bán lẻ theo hướng hiện đại.

 Đinh Thị Mỹ Loan,
Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam

Trong khi đó, 1 đại gia trong ngành bán lẻ Việt Nam cũng đang âm thầm mở rộng thị phần là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Hiện Saigon Coop đang vận hành 78 siêu thị Co.opmart, 94 Co.op Food, 2 Co.opXtra, TTTM Sense City Cần Thơ, kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op và Liên doanh SC VivoCity tại quận 7.

Đến thời điểm này, Saigon Co.op đã góp mặt vào hầu hết mô hình bán lẻ, giúp tạo thế đối trọng với doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài Vingroup và Saigon Co.op còn có 2 “cá mập” bán lẻ không thể không nhắc tới là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Dù cả 2 đều đang có những bước chuyển mình nhưng dường như vẫn còn rất chậm trong cuộc đua này.

Trong bối cảnh khối nội rơi rụng dần sau những thương vụ mua bán sáp nhập, khối ngoại đang ngày càng sôi động khi nhiều nhà đầu tư mới háo hức gia nhập thị trường và nhà đầu tư hiện hữu tấp nập mở rộng mạng lưới kinh doanh. Một cái tên đang thu hút sự chú ý là Tập đoàn Auchan của Pháp.

Ngày 3-11 tập đoàn này đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với CTCP Hóa dầu Quân đội; đồng thời ký kết hợp đồng thuê mặt bằng TTTM MIPEC Long Biên. Với cú bắt tay chiến lược này, đại gia bán lẻ hàng đầu của Pháp Auchan chính thức đặt chân đến thị trường Hà Nội, bắt đầu kế hoạch triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại miền Bắc.

Thực tế, Auchan đã ngắm thị trường bán lẻ Việt Nam từ khá lâu, khi tại TPHCM chuỗi bán lẻ này đã ra mắt siêu thị đầu tiên tại quận 5, với tên gọi Simply Mart thông qua việc hợp tác với Tập đoàn C.T Group.

Một nhà đầu tư ngoại cũng được nhắc đến nhiều thời gian qua là Emart Hàn Quốc. Cách đây 4 năm, E-mart bắt đầu nghiên cứu thị trường Việt Nam và ký kết với Tập đoàn U&I để lập liên doanh bán lẻ tại Việt Nam. Tại thời điểm ký kết (tháng 7-2011), E-mart và U&I khai trương siêu thị đầu tiên ở Hà Nội và đặt mục tiêu đến năm 2020 mở 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn. Một chuỗi bán lẻ khác cũng đã tuyên bố sẽ có mặt tại Việt Nam vào năm 2017 là Seven & I Holdings của Nhật Bản.

Trong khi đó, những đại gia như Big C, Lotte, AEON… cũng đang bận rộn với những dự án mở rộng chuỗi của mình. Mới đây nhất, ngày 28-10, AEON Long Biên đã chính thức mở cửa. Đây là TTTM thứ 3 của AEON tại Việt Nam. AEON còn gây chú ý với thương vụ mua cổ phần 2 hệ thống siêu thị của Việt Nam gồm Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ lần lượt 49% và 30% ngay những ngày đầu năm 2015.

Áp lực nhân sự

Khi nhắc về yếu điểm của doanh nghiệp bán lẻ nội, một trong những yếu tố đầu tiên được nói tới là về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm. Song có một thách thức cũng không hề nhỏ là nguồn nhân lực. Hiện nay đang diễn ra cuộc chạy đua khốc liệt nhằm thu hút nhân lực trong ngành bán lẻ.

Nói về áp lực quản lý nhân sự, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng giám đốc Công ty An Phong, người tiên phong làm siêu thị tư nhân đầu tiên ở TPHCM từ năm 1994 với thương hiệu siêu thị Maximark, cho biết chính công việc quản lý con người trong hệ thống quá khó khăn đã khiến bà quyết định bán “đứa con” Maximark sau 20 năm nuôi dưỡng.

Theo báo cáo về thị trường nhân sự quý II-2015 của Navigos Search, ngành bán lẻ đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao nhiều nhất thời gian qua, chiếm 13% trong tổng số nhu cầu tuyển dụng trong quý. Vị trí về bán hàng, giám sát bán hàng, trưởng phòng bán hàng đến giám đốc bán hàng chiếm phần lớn nhu cầu tuyển dụng.

Tương tự, báo cáo nhân lực trực tuyến HR Insider (Vietnam Works), nửa đầu năm 2015 nhu cầu tuyển dụng tăng trưởng vượt bậc, trong đó bán lẻ là một trong những ngành có tăng trưởng cao nhất, 58% so với cùng kỳ.

Xem ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ không thuần túy diễn ra ở thị phần, khách hàng hay số lượng chi nhánh, mà còn len lỏi sang cả lĩnh vực nhân sự. Điều này bắt nguồn từ việc nguồn cung nhân sự cho ngành bán lẻ vẫn còn thiếu, trong khi số lượng siêu thị, TTTM ra đời ngày càng nhiều.

Do nguồn cung quá ít so với cầu, các doanh nghiệp đang có xu hướng lôi kéo và tuyển dụng nhân sự của chính các đối thủ cạnh tranh. Cách thức đó được xem là nhanh nhất, đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp mới tham gia thị trường, bởi họ không có nhiều thời gian để đào tạo nhân sự trước sức ép mở rộng thị phần.

Thi truong ban le: Thau tom, phan chia thi phan

Các siêu thị với mặt bằng có nhiều lợi thế đang được nhiều đại gia 
trong lĩnh vực bán lẻ lên kế hoạch thâu tóm. Ảnh: LONG THANH

Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng doanh nghiệp trong nước chưa thực sự có nhiều chính sách để thu hút ứng viên, ngoài việc trả lương cao cho một số trường hợp đặc biệt. Trong khi đó đây lại là điểm mạnh của doanh nghiệp ngoại. Hiện nay nhiều doanh nghiệp ngoại có nhiều chương trình đào tạo bài bản như Big C liên tiếp triển khai chương trình đào tạo quản trị bán lẻ, hay AEON cũng có những chương trình đào tạo được phụ trách bởi các chuyên gia Nhật Bản…

Thực tế này cho thấy doanh nghiệp bán lẻ nội đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút nhân lực bởi tiềm lực tài chính yếu hơn so với doanh nghiệp ngoại. Vì thế bài toán nhân sự vẫn đang là áp lực đè lên doanh nghiệp bán lẻ nội khi đến nay vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

Nguồn Đầu tư tài chính