Ảnh: TL.
Thị phần xuất khẩu may mặc thế giới: Việt Nam thăng tiến, Bangladesh thụt lùi
Thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh trên thế giới đã giảm 0,1% xuống còn 6,4% trong khi thị phần của Việt Nam lại gia tăng vào năm 2018.
Thị phần của Bangladesh đã suy giảm dù ở trong vị thế hưởng lợi lớn từ làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến. Trong năm tài chính 2018-2019, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc tăng 11,49%, từ 30,61 tỷ USD trong năm 2017 lên đến 34,13 tỷ USD.
Theo bảng Báo cáo Số liệu Thương Mại Thế giới 2019 do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xuất bản, vào năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đạt 421 tỷ USD, trong đó Bangladesh chiếm 32 tỷ USD, trong khi vào năm 2017 là 29 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh có xu hướng tăng nhưng thị phần toàn cầu của nước này đã giảm nhẹ 0,1% xuống còn 6,4% trong năm 2018.
Trên thị trường toàn cầu, Việt Nam, đối thủ sát nút nhất của Bangladesh, đã thu hẹp khoảng cách, với thị phần gia tăng 0,3% lên mức 6,2% vào 2018.
Xét về kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam cùng đứng vị trí thứ hai với 32 tỷ USD, so với con số 27 tỷ USD vào năm 2017.
Mặc dù Trung Quốc vẫn giữ được vị trí đứng đầu về xuất khẩu hàng may mặc với 158 tỷ USD, thị phần của Trung Quốc giảm từ 34,9% vào năm 2017 xuống còn 31,3% vào năm 2018.
Thị phần Ấn Độ giảm từ 4,1% xuống còn 3,3% trong khi thị phần Thổ Nhĩ Kỳ giảm từ 3,3% xuống còn 3,1%.
Ông Zahid Hussain, cựu kinh tế gia trưởng của chi nhánh Ngân hàng Thế giới tại Bangladesh, nói với Dhaka Tribune rằng: “Do cuộc chiến thương mại vẫn đang diễn ra, một lượng đơn hàng lớn đã chuyển từ Trung Quốc sang những nước khác nhưng Bangladesh chỉ được hưởng được một phần nhỏ dù là một nguồn gia công hấp dẫn.”
Ông cho rằng điều này là do hạn chế về công suất và việc đồng taka (tiền tệ của Bangladesh) lại mạnh lên so với USD. Hai nhân tố này đã khiến khả năng cạnh trạnh của các nhà sản xuất hàng may mặc Bangladesh suy giảm.
Mặc khác, ông cho biết, Việt Nam lại tận dụng cơ hội tốt hơn vì có thời gian sản xuất (tổng thời gian kể từ khi đơn đặt hàng được thiết lập cho đến khi giao hàng) ngắn hơn, sự hỗ trợ hậu cần tốt hơn, công suất cảng biển lớn hơn, và khả năng thu hút vốn FDI.
Những nhân vật trong ngành tại Bangladesh cũng ủng hộ lập luận của ông Zahid Hussain và cho rằng khả năng cạnh tranh về giá suy giảm là do giá thành sản xuất tăng và việc người mua trên toàn cầu trả giá thấp hơn.
Bà Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Bangladesh (BGMEA), chia sẻ với Dhaka Tribune: “Tôi không thấy điều đó là vấn đề lớn nhưng việc thị phần ở Việt Nam đang tăng lên sẽ khiến chúng cân nhắc về định hướng trong tương lai, vìViệt Nam đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội tuyệt vời cho những nhà sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam.”
EVFTA là một thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặt, mở đường cho sự giảm thuế với trên 99% các mặt hàng mua bán giữa EU và Việt Nam.
Bà cho biết: “Sự gia tăng thị phần của Việt Nam là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bangladesh vì Việt Nam có nhiều lợi thế hơn và hưởng nhiều lợi hơn từ cuộc chiến thương mại. Trong khoảng 30 loại sản phẩm chuyển khỏi Trung Quốc, chúng ta sản xuất 16 loại sản phẩm trong đó nhưng các nhà sản xuất không nắm bắt được cơ hội”.
► Tác động của EVFTA dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan