Thanh Hương Thứ Tư | 25/07/2018 08:40

Thép Việt liên tục bị các nước “nhòm ngó”

Ngoài Thái Lan thì Mỹ, châu Âu cũng đang xem xét lại các hạng mục thuế đối với thép Việt Nam trong tháng 7 này

Có thể, ngành thép của Việt Nam sẽ bị đóng cửa hoặc hạn chế thị trường “xuất ngoại” trong thời gian tới, sau khi hàng loạt những thông báo được các nước gửi tới cho ngành thép thời gian qua. Có thể nói, các sản phẩm thép của Việt Nam đang bắt đầu chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất từ những cuộc phòng vệ thương mại sau khi các hiệp định được ký kết.

Những “hung tin” trong tháng 7

Theo đó, ngày 16.7.2018, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Cục Ngoại thương (DFT), Bộ Thương mại Thái Lan khởi xướng điều tra gia hạn lần hai biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn.

Chỉ sau đó 2 ngày, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban châu Âu đã thông báo tới Tổ chức Thương mại Thế giới về việc, tổ chức này sẽ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

Gần đây nhất, sau khi nhận yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét, dự kiến sẽ đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không vào ngày 27.7 tới.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các sản phẩm thép của Trung Quốc giảm mạnh khi bị Mỹ áp 14 loại thuế chống bán phá giá và 10 loại thuế tự vệ trong hai năm 2016 và 2017. Trong khi, thép của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng nhanh. Do đó, Mỹ nghi ngờ Việt Nam nhập thép Trung Quốc và sau đó xuất khẩu sang thị trường này.

Năm 2014 và 2016, Thái Lan đã 2 lần khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép. Những lần này Việt Nam đều được loại ra khỏi danh sách bị áp thuế vì sản lượng ít và là nước đang phát triển. Trong vụ điều tra gia hạn lần 2 sắp tới, nếu lượng xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 3% tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan, Việt Nam nằm trong nhóm bị kiện.

Tại châu Âu, theo quy định của WTO, Việt Nam là nước đang phát triển sẽ được xem xét theo danh sách riêng nếu thị phần nhập khẩu nhỏ hơn 3% và tổng thị phần của tất cả các nước đang phát triển đáp ứng tiêu chí trên nhỏ hơn 9%.

Theo đó, sản phẩm thép của Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp với 3 nhóm sản phẩm là thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh. Những năm gần đây, sản phẩm tôn, thép liên tục bị đánh thuế, tiêu biểu năm 2015 có đến 6 vụ bị kiện chống bán phá gía từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Mỹ...

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc với sản lượng hơn 6,5 triệu tấn thép, chiếm gần 47% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu trong năm 2017. 

Hiệp định thương mại tỉ lệ thuận với các vụ kiện

Khi độ mở của nền kinh tế càng cao thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam càng đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ nước ngoài càng lớn. Mà bị kiện nhiều nhất là các sản phẩm từ sắt thép.

Giữa tháng 4 vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam chia sẻ với báo chí: “Thép là mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam trong thời gian qua và sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong các năm tới”. Trong năm 2017, doanh thu xuất khẩu thép của Việt Nam đã đạt hơn 3 tỉ USD, tăng hơn 55% so với năm trước đó, chủ yếu là các sản phẩm thép, thép xây dựng, ống thép và thanh thép nhỏ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện các thị trường tiềm năng chính của Việt Nam là Đức, Mỹ, và Campuchia. Đức được coi là cửa mở cho thép Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, thép Việt hiện đang phải cạnh tranh với thép Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Hiện Việt Nam đứng thứ 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ và đứng thứ 3 sau Canada và Mexico về sản lượng nhôm thuộc hạng mục thanh, que và hình xuất khẩu sang Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đã nhận được 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, chia sẻ. Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá của Việt Nam thì có 37 vụ là liên quan đến sắt thép, chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa. Điều tra chống trợ cấp có gần 3/4 các vụ kiện là liên quan đến mặt hàng sắt thép.

Cũng theo bà Trang, đến nay, Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá chống lẩn tránh thuế tất cả là 17 vụ và chủ yếu là EU, và 16/17 vụ có vụ kiện gốc là Trung Quốc.

Nguyên đơn đứng đầu nhiều nhất các vụ kiện đối với hàng Việt là các nhà sản xuất Mỹ, tiếp đến là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc và EU. Gần đây, các nhà sản xuất, hiệp hội tại Indonesia và một số quốc gia trong khu vực cũng có tên trong danh sách kiện hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, thậm chí là khởi kiện khá dồn dập, theo bà Trang.

Theo bà Trang, trong số các nước bị kiện chống phá giá nhiều nhất trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, EU, Brazil, Argentina, Úc... thì Ấn Độ, Argentina, Australia là đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. "Từ năm 2011 đến nay, Thái Lan, Indonesia, Malaysia là những nước này đã kiện dồn dập các sản phẩm của Việt Nam và đây cũng là những nước bị kiện nhiều trên thế giới", bà Trang cho biết.

Trong thời điểm các sản phẩm thép xuất khẩu liện tục bị kiện, đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Công thương Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp bảo vệ ngành thép trong nước bằng việc áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép không gỉ cán nguội của các nước Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan…

Cũng trong một động thái mới, thị trường nhập khẩu Đông Nam Á giảm sút, cộng thêm chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng leo thang và các thuế chống bán phá giá của Mỹ áp ngày càng nhiều lên sản phẩm thép, Trung Quốc đang tìm cửa hẹp để đi khi dạt các đơn hàng xuất khẩu sang châu Phi và Nam Mỹ. Còn thép Việt sẽ ra sao khi các nước dồn dập áp thuế?