
Trong năm 2025, kỳ vọng áp lực cạnh tranh sẽ dịu bớt nếu Việt Nam có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ hơn. Ảnh: TL
Thép thủ thế
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tập đoàn Hoa Sen mới đây chủ yếu bàn các nội dung về bối cảnh kinh doanh khó khăn của ngành thép giữa làn sóng bảo hộ trên toàn cầu. Tại đây, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoa Sen, nhấn mạnh: “Trong 10 năm qua, Tập đoàn tăng trưởng liên tục nhờ xuất khẩu (khoảng 60%), do đó xu hướng bảo hộ trên toàn cầu sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh“, ông nói.
Với thị trường xuất khẩu vào Mỹ, hàng của Hoa Sen gặp hàng loạt rào cản: bị áp thuế 25% từ năm 2018 sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ; bị 2 vụ kiện chống trợ cấp chính phủ và vụ kiện chống bán phá giá. Thị trường châu Âu cũng gặp khó khăn vì bị áp hạn ngạch trong khi thị trường Ấn độ và Malaysia cũng đã khởi xướng chống bán phá giá với thép Việt Nam...
![]() |
“Trong xu thế này, xuất khẩu là vấn đề khó với hầu hết doanh nghiệp trong trung hạn. Tôi nói rõ luôn ngành tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, xu thế chung là phải đi xuống”, ông Vũ cho biết. Ông cũng nói thêm tổng công suất nhà máy nội địa hiện nay gấp 3 lần so với nhu cầu trong nước.
Trước đó vài ngày, đánh giá tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành thép trong năm 2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cũng dự báo năm 2025, công nghiệp thép tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn, thách thức như Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu, khi thị trường nội địa yếu; tình trạng cung vượt cầu của nhiều sản phẩm thép sản xuất trong nước, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của thép nhập khẩu sẽ gây ra sức ép cạnh tranh về giá thép thành phẩm và cạnh tranh trong thị trường nội địa sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Đáng chú ý, mặc dù các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn có thể tăng xuất khẩu trong 2 năm qua, nhưng việc xuất khẩu thép Trung Quốc liên tục gia tăng vẫn gây áp lực giảm giá thép và kích hoạt một làn sóng các biện pháp bảo hộ toàn cầu. Sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 tăng mạnh 33% lên 16,17 triệu tấn, trong đó sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt 48,4% và chiếm 68% tổng sản lượng nhập khẩu.
![]() |
Trong năm 2025, kỳ vọng áp lực cạnh tranh sẽ dịu bớt nếu Việt Nam có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ hơn. Bộ Công Thương đã khởi động cuộc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Về triển vọng năm 2025, các chuyên gia của SSI Research cho rằng: “Động lực chính cho ngành thép đến từ thị trường nội địa”. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thép tuy chưa phục hồi hoàn toàn nhưng có thể cải thiện nhờ việc thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm trên cả nước.
Tuy nhiên, việc EU thắt chặt hạn ngạch nhập khẩu thép được dự báo sẽ gây bất lợi cho Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, trong khi Hòa Phát ít bị ảnh hưởng nhờ các yếu tố hỗ trợ. Đối với năm 2025, Ban lãnh đạo của Tập đoàn Hoa Sen đưa ra 2 kịch bản kinh doanh, với lợi nhuận dao động khoảng 400-500 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu lạc quan nhất vẫn thấp hơn kết quả 515 tỉ đồng đã đạt được trong năm tài chính trước đó.
Tập đoàn Hòa Phát có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách bảo hộ. Công ty Chứng khoán SHS dự phóng doanh thu Hòa Phát năm 2025 đạt 155.000 tỉ đồng (tăng 12%) và lợi nhuận sau thuế 12.591 tỉ đồng (tăng gần 5%) so với năm qua. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính của Hòa Phát, nhận định sau năm 2025, áp lực vốn cho Dung Quất 2 sẽ giảm bớt. Sau đó, Công ty sẽ bước vào giai đoạn tích lũy để dồn lực cho các dự án tiếp theo.
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có thể mang lại cho Hòa Phát sức mạnh thị trường, gia tăng sản lượng và giá bán. Trái lại, việc áp thuế chống bán phá giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá nguyên liệu, tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất tôn mạ và ống thép ở hạ nguồn, trong đó có Thép Nam Kim. Thị trường nước ngoài đóng góp tới 65% tổng sản lượng tiêu thụ của công ty này. Do đó, lợi nhuận của Thép Nam Kim dự kiến đi ngang do phụ thuộc nhiều hơn vào kênh xuất khẩu và mức nền lợi nhuận cao trong năm 2024.
Tương tự, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 với kỳ vọng mức lãi ròng năm nay là 30 tỉ đồng, giảm 62,5% so với kế hoạch đề ra trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm