Triển vọng ngành thép sáng hơn trong năm 2023 với động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Ảnh: T.L

 
Hải Hà Thứ Hai | 29/08/2022 07:30

Thép thấp thỏm 2023

Sau thời gian dài “thê thảm”, triển vọng của ngành thép có nhiều dấu hiệu lạc quan hơn trong năm tới.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát, phải trả lời về việc so với quý I, lợi nhuận và cổ phiếu của Tập đoàn giảm hơn một nửa. Ông Long nói rằng kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV sẽ phản ảnh bức tranh kinh doanh không thuận lợi, “cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm như thế nào”.

Thực tế, không chỉ Hòa Phát mà hầu hết doanh nghiệp ngành thép đang trải qua thời gian thê thảm khi chịu sức ép “cộng dồn”: xung đột Nga - Ukraine, giá than luyện tăng mạnh, thị trường bất động sản đóng băng...

Số liệu kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2022 đã được công bố cho thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh của ngành thép. Lợi nhuận của 6 doanh nghiệp lớn gồm Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, SMC, Thép Việt Nam, Pomina đạt 4.440 tỉ đồng, giảm khoảng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị tồn kho tổng cộng là 96.600 tỉ đồng. Trong đó, riêng Hòa Phát, Thép Việt Nam và Pomina đều đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, lần lượt là 58.000 tỉ đồng, 8.410 tỉ đồng và 5.280 tỉ đồng.

Hầu hết doanh nghiệp ngành thép đang trải qua thời gian thê thảm. Ảnh: Quý Hòa
Hầu hết doanh nghiệp ngành thép đang trải qua thời gian thê thảm. Ảnh: Quý Hòa

Ông Đỗ Văn Tơ, Tổng Giám đốc của Tôn Tân Phước Khanh, cho biết Công ty đang chạy với công suất chỉ đạt khoảng 20%, tiêu thụ đạt xấp xỉ 15% so với cùng kỳ tháng 7/2021. Trong khi đó, theo Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, “cố gắng hết sức cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 80% so với cùng kỳ”.

Trước khó khăn của ngành, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI dự báo tỉ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý III/2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỉ lệ nợ ở mức an toàn hơn. Trong khi đó, không có sự gia tăng công suất đáng kể trong lĩnh vực thép mạ và thép xây dựng giai đoạn 2020-2021. Mặc dù một số doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực này đã có kế hoạch mở rộng cho những năm tới, nhưng sự suy giảm của giá thép và triển vọng xuất khẩu, cũng như mức lạm phát cao có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án này.

 

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung 7 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 18,825 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 17,1 triệu tấn, giảm 1,2%. VSA cho biết giá thép liên tục giảm mạnh, chỉ trong 2 tháng, đã có 10 lần điều chỉnh giá và rủi ro giảm giá vẫn còn trong nửa cuối năm 2022. Sự sụt giảm nhu cầu thép xuất phát từ mối lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VCBS, cho biết hiện có một số chính sách đáng chú ý tác động đến ngành thép như Nghị định 101/2021/NĐ-CP được ban hành có nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm. Tuy nhiên, tác động của chính sách là không quá lớn khi đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung và chuyển hướng thành quốc gia nhập khẩu thép. Bên cạnh đó, EU chính thức áp quota đối với sản phẩm thép tấm của Việt Nam ảnh hưởng khá tiêu cực đối với doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam.

Tuy nhiên, triển vọng ngành thép sáng hơn trong năm 2023 với động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Sau thời gian siết chặt, nước này đang kích thích lại thị trường bất động sản với gói hỗ trợ cho vay 200 tỉ nhân dân tệ lãi suất thấp. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ phát triển nền kinh tế, khiến nhu cầu thép tăng. Trong khi đó, với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới.

 

Chuyên gia của VCBS cũng cho rằng, sản lượng tiêu thụ nội địa cũng giúp tạo bệ đỡ cho ngành thép Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023. Đặc biệt, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 sẽ là động lực mạnh mẽ giúp thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng và nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng. Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường này phát triển ổn định hơn.
Về triển vọng dài hạn, Worldsteel dự báo chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN-5 sẽ củng cố sự phục hồi của nhu cầu thép xây dựng trong khu vực này, với mức tăng 4,8% trong năm 2022 và 6,1% năm 2023, cao hơn các mức tăng tương ứng của nhu cầu thép thế giới là 0,4% năm 2022 và 2,2% năm 2023.