Trong năm 2020, các doanh nghiệp ngành tôn mạ và thép đã hoàn tất tái cấu trúc, cũng như hưởng lợi từ việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng.
Thép sáng cửa tăng trưởng
Trong bức tranh kinh doanh ảm đạm giữa mùa COVID-19, doanh nghiệp ngành thép đã có một năm ngược dòng rực rỡ. Với lợi thế là một doanh nghiệp đầu ngành, bản đồ tăng trưởng trong ngành thép không thể thiếu sự góp mặt của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Hòa Phát đạt 65.000 tỉ đồng doanh thu và 8.845 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với mảng kinh doanh chính là thép, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về thị phần với 32,6%.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp ngành tôn mạ và thép đã hoàn tất tái cấu trúc, cũng như hưởng lợi từ việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng. Ngoài ra, việc Trung Quốc đang kích cầu đầu tư công cũng như chính sách thuế chống bán phá giá các dòng sản phẩm tôn mạ có nguồn gốc Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc góp phần làm tổng sản lượng nhập khẩu thép của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2020 giảm 7% so với cùng kỳ, xuống còn 11,3 triệu tấn. Qua đó, giảm áp lực cạnh tranh cho các sản phẩm nội địa.
Trong niên độ tài chính 2019-2020, mặc dù phải qua giai đoạn bất ổn của tình hình kinh tế - xã hội nói chung và thị trường ngành thép nói riêng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vẫn tăng trưởng ấn tượng. Sản lượng tiêu thụ trong niên độ tài chính 2019-2020 đạt hơn 1,62 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 27.531 tỉ đồng, hoàn thành 98% kế hoạch. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế đạt 1.153 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với kế hoạch và tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đây được xem là “trái ngọt” từ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
2020 cũng là năm đánh dấu sự thành công của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG). Nhờ vào việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tập trung vào hoạt động nội tại, sắp xếp lại các cấp khách hàng cũng như hệ thống tồn kho, sản xuất và tăng cường quản lý chi phí mà điều tồi tệ nhất đối với Thép Nam Kim đã qua đi. Thêm vào đó, việc hưởng lợi từ diễn biến giá HRC đã góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của Công ty trong năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu 8.100 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 141 tỉ đồng, tăng 252%.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: “Có rất nhiều nhà máy thép carbon liên hợp do Trung Quốc đầu tư ở ASEAN và Việt Nam, trong khi tiềm năng tiêu thụ thép ở các nước này sẽ tăng lên đến 7% trong khu vực vào năm 2021”.
Đánh giá triển vọng của các doanh nghiệp thép, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng 2021 tiếp tục là một năm tăng trưởng tích cực nhờ cộng hưởng lực cầu trong nước lẫn nước ngoài. Ở thị trường trong nước, SSI Research ước tính nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành.
Ở thị trường nước ngoài, Trung Quốc đã và đang thi hành và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nhằm vực dậy tăng trưởng bởi hệ quả đại dịch. Cụ thể, từ tháng 3.2020 Trung Quốc đã công bố kế hoạch thúc đẩy đầu tư công với 530 tỉ USD huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương.
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết thêm, việc Trung Quốc đang đẩy mạnh giảm ô nhiễm môi trường bởi hiệu ứng công nghiệp hóa đã khiến rất nhiều nhà máy sắt, thép và xi măng bị buộc đóng cửa. Điều này khiến công suất các loại vật liệu xây dựng thiết yếu này giảm xuống và buộc họ phải nhập nhẩu từ các nước khác. Là một trong những quốc gia láng giềng, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ động thái trên.
“Nhìn một cách tổng quan, bức tranh ngành thép vẫn tiếp tục sáng trong năm 2021. Mặc dù có một số điểm trừ như giá quặng và giá than cốc tăng cao, nhưng điều này sẽ nhanh chóng lắng dịu, bởi đây là sự đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra bởi COVID-19. Điều này sẽ được khỏa lấp khi độ phủ vaccine tăng lên trên toàn cầu”, ông Tuấn nhận xét.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam có cái nhìn tích cực đối với các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2021 dựa trên các luận điểm: (1) giá HRC kỳ vọng duy trì ở mức cao khi Trung Quốc và Úc tiếp tục căng thẳng thương mại, gây sức ép lên nguồn cung quặng sắt; (2) dự phóng sản lượng sản xuất toàn cầu phục hồi từ năm 2021; (3) sản lượng ngành thép nội địa phục hồi theo ngành bất động sản; (4) lãi suất hạ, tỉ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm.
Trong năm 2021, Mirae Asset cho rằng việc ngành bất động sản sẽ dần hồi phục cùng lúc với đà khởi sắc của nền kinh tế thế giới sẽ giúp ngành thép Việt Nam tiếp tục một năm hưởng lợi, với dự phóng sản lượng năm 2021 đạt 28,67 triệu tấn (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, riêng dự án Dung Quất đã giúp tăng thêm tối thiểu 2,2 triệu tấn HRC; nhà máy Pomina Phú Mỹ cũng sẽ đi vào sản xuất giúp sản lượng thép xây dựng tăng thêm 1,1 triệu tấn.