Ngành sản xuất thép có mức độ phát thải khác nhau trong chuỗi giá trị. Ảnh: TL.

 
Hằng Thanh Thứ Hai | 08/05/2023 13:00

Thép khó net zero

Bài toán khó của một trong những ngành phát thải carbon nhiều nhất.

Theo lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 (net zero) của Việt Nam, bắt đầu từ năm 2022, nhiều doanh nghiệp phải tự thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Là một trong số những ngành phát thải nhiều carbon nhất, thép nằm trong số các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng.

Thép cũng là 1 trong số 5 ngành trong pha đầu tiên của Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), công cụ chính sách giúp các nước châu Âu tối đa hóa tác động của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại các nước châu Âu và thế giới. Kinh nghiệm quốc tế trong ngành sản xuất với cuộc đua khử carbon và những hàm ý chính sách đối với doanh nghiệp Việt ra sao?

 

Thời hạn 2026 

Một nỗ lực của châu Âu trong việc giảm phát thải khí nhà kính tại châu Âu xuống 55% vào năm 2030 (so với mức 1990) là Thuế Biên giới carbon. Cuối năm 2022, các nước EU và Nghị viện châu Âu đã đạt đến thỏa thuận CBAM đưa chi phí thải CO2 vào sản phẩm nhập khẩu của 5 ngành, trong đó có thép. Công ty nhập khẩu những sản phẩm trên vào EU sẽ được yêu cầu mua chứng chỉ để bù đắp CO2 thải ra. Mục tiêu của loại phí này là để ngăn chặn ngành công nghiệp châu Âu bị vượt mặt bởi các sản phẩm rẻ hơn đến từ các quốc gia có luật lệ về môi trường yếu hơn.

Loại thuế này sẽ mô phỏng giá thị trường carbon của EU để ngăn chặn sự rò rỉ carbon. Đó là khi những nỗ lực giảm phát thải của EU bị thay bằng việc gia tăng phát thải bên ngoài khối qua việc dịch chuyển nhà máy đến các nước không phải thành viên EU, nơi có chính sách về khí hậu dễ dàng hơn, hoặc bù trừ thông qua việc nhập khẩu những sản phẩm thâm dụng carbon.

Hiện EU đang phát miễn phí giấy phép CO2 cho ngành công nghiệp nội địa để bảo vệ họ trước đối thủ bên ngoài, nhưng dự định sẽ thoái dần việc phát không chứng chỉ này khi Thuế Biên giới carbon được thực thi. Bên cạnh CBAM, Hệ thống Thương mại Khí thải của EU (EU ETS) cũng sẽ làm tăng chi phí của thép phát thải nhiều khi xuất khẩu vào EU. “Những tác động đầu tiên đối với hàng nhập khẩu thô sẽ xuất hiện vào năm 2026”, ông Thomas Koch Blank, Giám đốc Cấp cao, Các ngành theo định hướng khí hậu thuộc tổ chức phi lợi nhuận RMI, bình luận.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng ngành thép đối diện khó khăn từ chính sách áp thuế bảo vệ môi trường của EU đối với các nhà sản xuất không thực hiện cắt giảm phát thải carbon có hiệu lực từ tháng 1/2026. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thép, xi măng, sắt, phân bón vào EU sẽ còn 3 năm để chuẩn bị.

Ngành sản xuất thép có mức độ phát thải khác nhau trong chuỗi giá trị. Ở thượng nguồn, nơi các nhà máy biến quặng thành thép, mỗi tấn thép sản xuất tạo phát thải khoảng 2 tấn CO2. Trung nguồn, nơi đa số các nhà máy mạ nhúng nóng và thép cán nguội tập trung, sản xuất mỗi tấn thép sẽ tạo ra 100-300 kg CO2. Phát thải thấp nhất là ở hạ nguồn, nơi các nhà máy mua cuộn thép thành phẩm về gia công, họ tạo ra 20-50 kg CO2 phát thải cho mỗi tấn thép thành phẩm. Trong ngành, điện và gas là 2 nguồn tạo ra phát thải lớn nhất, trong trường hợp của công ty trung nguồn như NS BlueScope Việt Nam là khoảng 80%.

Trong điều kiện hiện tại, các sản phẩm thép phát thải thấp đóng vai trò trọng yếu trong việc duy trì thị phần trong thị trường xuất khẩu vào Mỹ, EU và ngành sản xuất thép công nghiệp ô tô đang phát triển. “Khi những công ty đi tiên phong phụ thuộc vào nguồn cung, thép (có) phát thải gần bằng 0 sẽ có giá ngày càng cao”, ông Thomas Koch Blank phân tích. Nhiều thông tin là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đã sẵn sàng. Khi được hỏi về việc khử carbon trong sản phẩm, giám đốc điều hành một chi nhánh của công ty thép hay xuất khẩu sang châu Âu không có chút manh mối nào.

Theo ông Frank Zhong, Phó Tổng Giám đốc Hiệp hội Thép Thế giới, ngành thép ASEAN đối mặt với những thách thức lớn trên lộ trình trung hòa carbon. Vì hầu hết các nhà máy sản xuất thép ở ASEAN không đáp ứng yêu cầu khử carbon và phần lớn công suất mới trong ngành đều dựa trên nhiên liệu hóa thạch có cường độ phát thải CO2 cao. 

Ông Thomas Koch Blank thì cho rằng: “Đầu tư vào hoạt động sản xuất thép phát thải gần bằng 0 có thể góp phần duy trì sự đa dạng của các mặt hàng xuất khẩu và đảm bảo vị thế trong các thị trường phát triển”.

 

Còn nhiều thách thức

Trong ngành thép, nhà máy có mức phát thải hằng năm tương đương trên 3.000 tấn CO2, hoặc mỗi năm tiêu thụ tổng lượng điện tương đương trên 1.000 tấn dầu sẽ phải kiểm kê khí nhà kính. Theo ông Ngô Tiến Thọ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép VICASA, đại diện cho Hiệp hội Thép Việt Nam, sẽ có khoảng 2.000 cơ sở trên khắp Việt Nam cần kiểm kê khi Luật được thực thi. Bên cạnh việc kiểm kê, khí nhà kính sẽ được xây dựng bộ sơ sở dữ liệu trực tuyến và từ năm 2026 tiến đến xây dựng tổng hạn ngạch và phân bổ hạn ngạch phát thải.

Trả lời NCĐT về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bằng, Phó Tổng Giám đốc Sản xuất của NS BlueScope Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã gửi bản kiểm kê khí nhà kính vào đầu tháng 4”. Chính thức thu thập số liệu từ 5 năm trước, việc kiểm kê và làm báo cáo không khó đối với công ty thép đến từ nước Úc nhờ có hệ thống kiểm tra năng lượng và lắp đặt đồng hồ đo trên mỗi dây chuyền. Nhưng với các công ty chưa từng thu thập số liệu, công việc này sẽ không dễ dàng. “Họ có thể sẽ chỉ tính trung bình con số điện, nước tiêu hao để quy đổi ra lượng phát thải CO2”, ông Bằng giải thích.

Theo kế hoạch, Công ty sẽ giảm 30% phát thải vào năm 2030 so với năm 2018, tương ứng với phát thải 100 kg CO2 so với mức 173 kg trước đó. Kế hoạch này tương đồng với kế hoạch trên toàn cầu của Tập đoàn và kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình trung hòa carbon. Công nghệ, phần mềm và năng lượng xanh là những công cụ giúp BlueScope đạt được mục tiêu.

Theo ông Ngô Tiến Thọ, các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn vì chưa nắm được các quy định và yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính. Ngoài ra, việc chưa có hướng dẫn cụ thể để kiểm kê và gánh nặng chi phí vận hành hệ thống kiểm kê cũng là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Bằng thì đề xuất nên có hướng dẫn riêng cho từng ngành nghề.

Dù còn nhiều thách thức, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và vấn đề toàn cầu thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (IPONRE), vẫn lạc quan về tương lai khử carbon tại Việt Nam. “Việc giảm phát thải từ lĩnh vực sản xuất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ carbon thấp, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển thị trường cacbon trong nước và các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, ông nói.