Ảnh: vietnamfinance.vn
Thép HRC Trung Quốc sẽ hưởng lợi nếu Việt Nam tăng thuế nhập khẩu lên 5%?
Trung Quốc sẽ hưởng lợi nếu tăng thuế?
Phản hồi về đề xuất tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 lên 5% thay vì mức 0% như hiện hành của Bộ Tài chính, Tập đoàn Hoa Sen cho rằng biện pháp tăng thuế suất nhập khẩu không hạn chế được thép Trung Quốc vào Việt Nam mà còn gây hiệu ứng ngược lại.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, hiện Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Hiệp định ACFTA nên thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định này. Do đó nếu tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% thì thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 của Trung Quốc sẽ vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0% theo Hiệp định ACFTA.
Trong khi đó, 2 nước cung cấp thép cuộn cán nóng lớn cho Việt Nam hiện nay là Ấn Độ và Đài Loan (chiếm 31%) sẽ phải chịu mức thuế 5%. Như vậy, Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội để tăng tỷ trọng thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế cũng khiến doanh nghiệp gặp khó về nguồn cung nhập khẩu, trong khi sản lượng sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Việc tìm nguồn cung mới ở thị trường mới cũng không dễ dàng vì phải phù hợp cả về giá, chất lượng, tiến độ cung ứng hàng hóa.
Ngoài ra, nếu tăng thuế suất MFN thêm 5% thì giá nguyên liệu trung bình tại Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 8% - 9%, giá thành phẩm cũng tăng tương ứng, điều này sẽ khiến thép Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước.
Thị phần tôn mạ của Tôn Hoa Sen đang giảm dần. Ảnh: VDSC |
Đáng chú ý, Hoa Sen nhấn mạnh: "Doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước đang gặp nhiều thuận lợi về thị trường tiêu thụ, không có chuyện thị trường bất lợi làm 'nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam' phải cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3".
Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 lên 5% thay vì mức 0% như hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh. Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3.
Nửa đầu năm, doanh nghiệp thép vẫn chưa hết khó
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong nửa đầu năm 2019, Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều diễn biến bất lợi. Đầu tiên phải kể đến điều kiện không thuận lợi từ ngành xây dựng.
Cụ thể, tăng trưởng giá trị xây dựng đã giảm 7,9% trong 6 tháng đầu năm 2019 và điều này gây ảnh hưởng lên nhu cầu thép xây dựng. Dù vậy, ngành thép vẫn tiêu thụ 11,6 triệu tấn trong nửa đầu năm 2019, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái với động lực là phân khúc thép cán nóng khi tăng tới 45%.
Đơn cử, trong nửa đầu năm, doanh thu của CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) giảm 30% xuống 2.976 tỷ đồng trong quý 2/2019. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ 8 tỷ. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của NKG vẫn tăng 25% lên 135 tỷ nhờ khoản lợi nhuận bất thường 180 tỷ.
Thậm chí, đại gia trong ngành là CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) cũng báo lợi nhuận đi lùi. Cụ thể Báo cáo tài chính quý 2/2019 của HPG cho thấy doanh thu quý 2/2019 của công ty này đạt 15.300 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HPG đạt doanh thu 30.263 tỷ đồng, tăng 11% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 12,77%, còn khoảng 3.860 tỷ đồng.
Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành báo doanh thu sụt giảm hoặc báo lỗ thì Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) lại đi ngược dòng khi lợi nhuận sau thuế quý III/2019 (01/04/2019-30/06/2019) của công ty đạt 161 tỷ, tăng mạnh 94% so với cùng kỳ năm 2018.
Doanh thu và lợi nhuận của tôn Hoa Sen trong 9 tháng đầu năm 2019. Ảnh: VDSC |
Mức tăng trưởng này là do biên lợi nhuân gộp tăng lên cộng với nỗ lực tiết kiệm chi phí của tập đoàn. Cụ thể, chi phí bán hàng tiết giảm 7%, chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm 54%.
VDSC nhấn mạnh Hoa Sen có lợi thế tuyệt đối trong mảng bán lẻ với hơn 500 đại lý và có nhà máy sản xuất trên toàn quốc. Thương hiệu cũng là một điểm cộng đối với Hoa Sen, khi doanh nghiệp này rất nổi tiếng với các sản phẩm tôn lạnh, ống thép và ống nhựa.
►Lo thép Trung Quốc tràn vào, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu thép