Ảnh: TL
Theo dấu tài sản của ông chủ Mường Thanh
Nếu đi theo dọc đường Trần Phú ở thành phố biển Nha Trang, một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, có thể thấy tới 4 lần thương hiệu khách sạn Mường Thanh xuất hiện. Chỉ riêng ở đây, Mường Thanh có đến 3 tòa nhà, 2 khách sạn và 1 tổ hợp chung cư. Trong số này, lớn nhất là Mường Thanh Viễn Triều với quy mô lên đến 654 căn. Thế nhưng, không chỉ tại Nha Trang mà khách sạn Mường Thanh còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Theo thông tin từ website của tập đoàn này, đến nay Mường Thanh đã có 60 khách sạn trên 40 tỉnh, thành cả nước.
Thương hiệu khách sạn Mường Thanh là một tài sản lớn của ông Lê Thanh Thản, người được gọi thân mật là “đại gia điếu cày” vì hình ảnh lạ đời gắn với điếu thuốc lào trên xe Rolls-Royce. Sinh năm 1950 ở Nghệ An, ông Lê Thanh Thản bắt đầu gầy dựng sự nghiệp ở tỉnh Điện Biên bằng việc mở công ty xây dựng. Đầu thập niên 1990, ông Thản lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Số 1 Lai Châu, sau đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên. Đến năm 1997, khách sạn Mường Thanh đầu tiên tại Điện Biên ra đời.
Phải mất 6 năm sau đó, khách sạn Mường Thanh thứ 2 mới ra mắt tại Hà Nội và mất khoảng 13 năm để nâng lên con số 10. Nhưng kể từ khi thương hiệu Mường Thanh được biết đến rộng rãi, hệ thống lại phát triển rất nhanh sau đó. Bình quân cứ 1 năm, ông Thản lại khai trương thêm 3 khách sạn mới. Hệ thống này nay đã trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất tính về độ phủ, với số lượng hơn 11.000 phòng đầy đủ phân khúc từ 3-5 sao theo tiêu chuẩn Việt Nam và hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng thêm. Tuy nhiên, chuỗi khách sạn kéo dài từ Bắc chí Nam thực tế vẫn mang dấu ấn của một tập đoàn kinh tế gia đình phát triển tự phát.
Mãi đến năm 2012, ông Thản mới thành lập thêm Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh làm đầu mối quản lý và sở hữu hệ thống khách sạn theo một tiêu chuẩn chung, đồng nhất hình ảnh. Mảng kinh doanh này ông chủ tập đoàn tư nhân tỉnh Điện Biên giao về cho con gái là bà Lê Thị Hoàng Yến. Dù vậy, những khoản đầu tư khách sạn khổng lồ rõ ràng chưa thể mang lại dòng tiền ngay cho ông chủ Mường Thanh, mà cốt yếu nằm ở một lĩnh vực khác là bất động sản và xây lắp.
Công ty Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vừa là chủ đầu tư, vừa là đơn vị xây dựng nhiều dự án khu đô thị tại Hà Nội. Ai cũng biết đến dự án của ông Thản với 2 đặc trưng: giá bán rất cạnh tranh và số lượng rất lớn. Có thể điểm tên một vài dự án quen thuộc như Đại Thanh, Xa La, Thanh Hà, Kim Lũ... Có thể nói, 2 công ty con của ông hoạt động với nhau khá nhịp nhàng, ngay cả ở mảng khách sạn. Công ty Xây dựng số 1 Điện Biên đảm nhiệm phần thiết kế xây dựng, sau đó chuyển giao cho Mường Thanh khai thác, quản lý. Không có nhiều thông tin về kết quả kinh doanh của những công ty hoạt động kiểu tư nhân của ông Thản. Năm 2016, Công ty Cổ phần Mường Thanh ghi nhận doanh thu 315 tỉ đồng, tăng trưởng gần 17% và đến năm 2017 là gần 28%. Đến năm 2018, doanh thu ghi nhận là 780 tỉ đồng.
Dù vậy, những con số tăng trưởng này chưa kiểm chứng, đồng thời cũng chưa phản ánh hết tình hình kinh doanh của Mường Thanh, bởi chưa hợp nhất các khách sạn nằm rải rác ở nhiều nơi, trong đó có một số thuộc quyền quản lý của Công ty Xây dựng số 1. Tính đến tháng 1.2019, Mường Thanh có vốn điều lệ 2.684,4 tỉ đồng. Trong đó, ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,5%; phần còn lại do 3 cá nhân nắm giữ gồm bà Lê Thị Hoàng Yến (19%), ông Đỗ Trung Kiên (8,4%) và ông Lê Hải An (4%). Năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về quy mô tài sản của Tập đoàn Mường Thanh khi vốn chủ sở hữu tăng hơn gấp đôi lên gần 3.700 tỉ đồng và tổng tài sản tăng từ 6.800 tỉ đồng lên 12.800 tỉ đồng.
Bí ẩn về kinh doanh nhưng tên tuổi của Mường Thanh hay ông Thản lại đi kèm với nhiều tai tiếng. Phát triển thần tốc nhưng ông Thản trước đây cũng phải thừa nhận, doanh nghiệp có “một số thiếu sót vi phạm”. Đỉnh điểm của Mường Thanh là có những thời điểm Công ty phải tiếp 10 đoàn kiểm tra nhà nước mỗi tuần.
Điển hình như tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa (nằm ngay cầu Trần Phú, thành phố Nha Trang) phải tháo dỡ 3 tầng (từ 41-43) vì xây dựng quá phép, sau 3 năm chờ đợi để sớm đưa dự án này vào hoạt động. Đây chỉ là một trong số ít các sai phạm ở nhiều địa phương khác nhau, các dự án tổ hợp chung cư hay khách sạn đều ít nhiều bị điểm danh vì vi phạm trong xây dựng, rồi bị đình chỉ thi công. Không chỉ vậy, hàng loạt chung cư cũ của Mường Thanh trước đây cũng gặp nhiều sóng gió trong việc quản lý. Chẳng hạn, các tòa chung cư tại Khu đô thị Xa La hay Khu HH Linh Đàm nhiều lần xảy ra sự cố cháy nổ, được nhắc đến liên tục.
Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội mới đây đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Thản với tội danh “lừa dối khách hàng” do liên quan đến vi phạm pháp luật tại dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6) tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Việc ông Thản bị khởi tố không hẳn khiến nhiều người bất ngờ. Từ năm 2017 đến nay thị trường cứ râm ran thông tin về “đại gia điếu cày” bị bắt đến nỗi ông bắt đầu xuất hiện để phủ nhận thông tin này.
Trong một vài lần xuất hiện hiếm hoi, ông thường chia sẻ về vấn đề kinh doanh, rằng sẽ không làm chung với người quen, hay không vay vốn ngân hàng để làm dự án. Các dự án Mường Thanh luôn được phát triển với tốc độ “thần tốc” và vị đại gia được cho là “nông dân” này tin rằng nhà giá rẻ cũng sẽ phù hợp với đa số người dân. Nhưng các sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh đã được chuyển cho cơ quan điều tra. Rồi đây, những khối tài sản và cách thức kinh doanh của tập đoàn bí ẩn này trắng hay đen cũng dần rõ ràng hơn.
► Đại gia “điếu cày” Lê Thanh Thản sở hữu bao nhiêu xe Rolls-Royce?