Thứ Năm | 11/09/2014 13:02

Thêm Vinafood 1 xuất khẩu gạo: Nông dân thêm... "chết"?

Hai Tổng công ty lương thực chỉ làm cho giá gạo Việt Nam ngày càng rẻ hơn, họ thắng thầu giá thấp để rồi dìm giá của nông dân.
PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM thẳng thắn chỉ rõ.

Hưởng lợi trên lưng nông dân

Bộ Công thương vừa đề xuất xem xét, bổ sung Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cùng Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia.

Lý do Bộ Công thương đưa ra là hiện chỉ có Vinafood 2 là doanh nghiệp đầu mối duy nhất tại các thị tập trung trọng điểm truyền thống nói trên. Vinafood 2 đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò đầu mối cung cấp gạo theo hợp đồng Chính phủ tại các thị trường này.

Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, đề xuất trên sẽ chẳng thay đổi được gì bởi Vinafood 1 và Vinafod 2 đều đang hưởng lợi trên lưng nông dân.

"Họ có chăm lo gì đến chân hàng, đến nông dân, sản xuất đâu! Với tâm lý phải thắng thầu bằng mọi giá, hai tổng công ty này đã trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines hồi tháng 4 với cái giá rẻ mạt, thấp hơn so với các nhà thầu khác từ 28-32 USD/tấn, đến lúc lỗ rồi ai chịu?

Hay như tháng 8 vừa qua, Vinafood 2 tiếp tục bỏ thầu với mức giá thấp nhất (460 USD/tấn) khi tham gia đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines. Thế nhưng Vinafood 2 cũng chẳng trúng thầu bởi mức giá trần mà Philippines đưa ra còn thấp hơn (456,6 USD/tấn).

Vinafood 1 và Vinafood 2 chỉ làm cho giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng rẻ đi mà thôi. Họ thắng thầu giá thấp để rồi lại dìm giá của nông dân", ông Khải phân tích.

Ông gay gắt chỉ rõ: "Vậy nên đề xuất kia không giải quyết được cái gì cả. Vinafood 1 và Vinafood 2 là hai đứa con sinh đôi giống nhau như hai giọt nước. Họ sẽ lại chia nhau thị phần, đàm phán với nhau mà chẳng cạnh tranh gì, chỉ "chết" nông dân" mà thôi".

PGS.TS Vũ Trọng Khải thẳng thắn cho rằng cần phải giải tán hai Tổng công ty lương thực để từng công ty con độc lập cạnh tranh với nhau, khi ấy nông dân mới hết khổ.

"Phải xóa bỏ các tổ chức kinh doanh không phù hợp với Luật Doanh nghiệp như Vinafood 1, Vinafood 2 bao gồm hàng chục công ty thành viên, trong đó thành viên nào cũng có đầy đủ quyền tự do kinh doanh", ông nói.

Thêm đầu mối cũng tốt, nhưng...

Trong khi đó, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, nếu tập hợp được hai Tổng công ty lương thực thì cũng tốt, bởi vấn đề hiện nay của Việt Nam là làm sao có được lực lượng đầu mối xuất khẩu gạo mạnh, nhất là trong bối cảnh gạo Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều nước khác. Đối với ngành lúa gạo Việt Nam, hoạt động xúc tiến thương mại đang rất yếu. Nếu làm tốt khâu này thì tập trung hai đầu mối cũng có thuận lợi.

Ông Bảnh phân tích, hiện hai thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là Vinafood 1 và Vinafood 2 nắm lượng gạo xuất khẩu rất lớn, chiếm hơn 50% thị phần, còn các doanh nghiệp khác không được bao nhiêu. Qua đợt trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines, cho thấy năng lực của hai tổng công ty này còn nhiều vấn đề phải xem lại. Khâu xúc tiến thương mại, dự đoán thị trường, dự báo giá thầu của hai tổng công ty rất kém.

"Tâm lý của hai tổng công ty khi tham gia đấu thầu có lúc hốt hoảng. Lúc đầu họ sợ Thái Lan sẽ xả hàng sau mấy năm ứ đọng, rồi sợ thua Ấn Độ, Pakistan nhưng thực tế thì Ấn Độ bị khô hạn, Thái Lan thì chính phủ mới đang kiểm tra... thành ra hai tổng công ty lương thực Việt Nam bị hố, thắng thầu về rồi mới thấy rẻ quá".

Ông Bảnh cũng nói thêm về tình trạng độc quyền của VFA. Theo đó, VFA chỉ cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo chủ yếu cho "con" của mình là Vinafood 1 và Vinafood 2, trong khi một số đơn vị khác độc lập làm lại không được xuất trực tiếp.

"Một số doanh nghiệp làm cánh đồng mẫu lớn, có vùng nguyên liệu, nước ngoài vào kiểm tra, thẩm định rồi đặt hàng. Nhưng sau đó VFA cho rằng như vậy là không được, phải xuất khẩu thông qua ủy thác cho các tổng công ty của VFA, khi ấy nước ngoài lại từ chối mua.

Ví dụ trường hợp của Công ty CP đầu tư Vinh Phát sản xuất gạo hữu cơ xuất khẩu qua Mỹ với giá rất cao, hàng nghìn USD một tấn, lại bị VFA yêu cầu phải ủy thác, nhưng khách hàng không chịu. Hay Công ty Trung An ở Cần Thơ được Malaysia đặt hàng 85.000 tấn gạo, VFA giao cho họ có 35.000 tấn còn 50.000 tấn thì giao cho các công ty khác. Nhưng phần của các công ty khác thì bên Malaysia cắt hợp đồng vì "tôi chẳng biết mấy ông này là ai".

"Nói thế để thấy chính sách và điều hành của VFA đang có vấn đề, nếu cứ độc quyền như thế thì dẫu có thêm đầu mối xuất khẩu cũng chẳng giải quyết được gì. Hai "ông" tổng lại đi bỏ thầu giá gạo thấp quá rồi về thu mua gạo của bà con nông dân với giá thấp khiến bà con thiệt thòi. Chính vì thế, VFA phải minh bạch chỗ này, để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, khi ấy bà con nông dân mới được lợi", ông Bảnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, từ trước tới nay việc xuất khẩu gạo qua các tổng công ty nhà nước còn mang tính độc quyền, chưa có cơ chế rõ ràng với nông dân. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ hướng đến lợi nhuận, còn lợi ích chia sẻ lại cho nông dân gần như bằng không, nếu có cũng không đáng kể.

Về việc Bộ Công thương đề xuất bổ sung Vinafood 1 cùng với Vinafood 2 làm đầu mối xuất khẩu gạo tại các thị trường tập trung truyền thống, theo ông Long chỉ khả thi nếu kèm theo điều kiện.

"Nếu những doanh nghiệp này cùng với nông dân tổ chức sản xuất, phân chia chuỗi hàng hóa để giá gạo tăng lên và thu nhập người dân tăng lên thì mới được. Công ty nào có đủ điều kiện xuất khẩu gạo, làm về thương mại thì không cấm nhưng phải làm với giá cạnh tranh. Còn nếu vẫn độc quyền, xuất khẩu với giá thấp, tức là có lợi ích nhóm thì cuối cùng cũng chỉ có một nhóm người được hưởng lợi mà thôi, còn nông dân chẳng được gì".

Nguồn Đất Việt


Sự kiện